Thứ Sáu, 10 tháng 8, 2012

Hồ Chí Minh là một anh hùng dân tộc

1. Hồ Chí Minh là một anh hùng dân tộc, người có công lao kiệt xuất trong cuộc đấu tranh cho sự trường tồn và phát triển của dân tộc, được nhân dân suy tôn và lịch sử dân tộc ghi nhận. Anh hùng dân tộc thường xuất hiện ở bước ngoặt lịch sử của dân tộc (thời đại), trở thành biểu tượng và niềm tự hào bất diệt của dân tộc.Ở Việt Nam, trong lịch sử bảo vệ tổ quốc của dân tộc Việt Nam đã xuất hiện nhiều anh hùng dân tộc tiêu biểu: Trưng Trắc, Trưng Nhị, Bà Triệu, Ngô Quyền, Lí Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ, Hồ Chí Minh…Quan điểm trên được nhìn nhận một cách khách quan khi đánh giá về một nhân vật trong lịch sử Việt Nam. Hồ Chí Minh chính là người đã lãnh đạo miền Bắc Việt Nam trong việc dành lại độc lập cho dân tộc, ông cũng chính là người đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, ông cũng chính là người lãnh đạo nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp và sau này có một vai trò quan trọng về mặt tinh thần trong cuộc nội chiến 1975, nhằm mục đích thống nhất hai miền Nam – Bắc. 2. Hồ Chí Minh là một danh nhân văn hóa tiêu biểu của Việt Nam. Với những trước tác của ông để lại cho hậu thế, với những áng văn thơ mà ông đã làm, với những bài chính luận mà ông đã viết thì ông xứng đáng là một trong những danh nhân văn hóa của Việt Nam.
3. Hồ Chí Minh là một con người nên không thể tránh khỏi sự chi phối khách quan của thời đại mà ông sống và vì thế ông đã sai lầm khi chọn lựa một ý thức hệ cho dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên đánh giá một cách khách quan và công bằng thì việc chọn lựa ý thức hệ cộng sản không phải là sự chọn lựa chủ quan của ông mà là sự chọn lựa khách quan do hoàn cảnh lịch sử chi phối.
Các bác hãy nhớ lại thời điểm năm 1945, khi mà cuộc Cách Mạng Tháng Tám thành công, Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Rõ ràng trong bản tuyên ngôn ấy, ông muốn hướng Việt Nam tới một nền Dân chủ Cộng hòa, và ông đã bắt tay vào việc xây dựng mô hình chính thể theo đúng tinh thần đó.
Thế nhưng hoàn cảnh lịch sử không cho phép ông và dân tộc Việt Nam đi theo con đường đó. Thực dân Pháp nhảy vào xâm chiếm nước Việt Nam một lần nữa. Lúc này Hồ Chí Minh cùng chính quyền mới thành lập có hai sự lựa chọn:
1. Chấp nhận để dân tộc Việt Nam dưới sự đô hộ của thực dân Pháp một lần nữa.
2. Kêu gọi toàn dân chống lại sự xâm lược của thực dân Pháp.
Hoàn cảnh thực tế lúc bấy giờ buộc ông và chính phủ của mình phải chọn lựa con đường thứ hai. Và để giành được thắng lợi bằng con đường đấu tranh đó ông đã buộc phải liên kết với Liên Xô và Trung Quốc và đưa cả miền Bắc vào việc xây dựng một thể chế xã hội chủ nghĩa.
Nhìn nhận một cách công bằng và khách quan, tại thời điểm lúc bấy giờ không một người nào có thể nhận thức được rằng sự lựa chọn đi theo con đường xã hội chủ nghĩa là một sai lầm của lịch sử.
Chúng ta từ hiện tại nhìn lại quá khứ thì sẽ nhìn thấy rất rõ ai đúng ai sai. Nhưng nếu có mặt trong quá khứ thì chắc chắn rằng chúng ta sẽ không thể nào biết được sự lựa chọn của mình trong tương lai là đúng hay sai. Ngay cả các trí thức trên thế giới cũng đã từng một thời đặt niềm tin vào hệ thống xã hội chủ nghĩa thì Hồ Chí Minh cùng với những cộng sự của ông cũng chỉ là những con người và nhận thức cũng chỉ có một giới hạn nhất định.
Họ bị bắt buộc chọn một con đường để đi và họ đã quyết tâm đi con đường đó cho đến cùng. Vận mệnh đau buồn của dân tộc VN khi trở thành một bãi chiến trường để hai phe xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa đấu tranh với nhau bằng súng đạn. Đó là điều không thể tránh khỏi và chúng ta bắt buộc phải chấp nhận một quá khứ đau buồn đó để hướng tới tương lai tươi sáng hơn.
Tóm lại, Hồ Chí Minh vẫn chỉ là một con người bị bánh xe lịch sử chi phối. Việc thần thánh hóa ông là điều không nên làm bởi vì nó làm giảm giá trị của ông. Ngược lại việc bôi nhọ, phỉ báng ông một cách vô căn cứ cũng là điều không nên bởi vì nó làm giảm giá trị của chính những người đưa ra nhận định đó.
Của Xê-da hãy trả về cho Xê-da. Hãy trả lại cho Hồ Chí Minh những điều thật sự ông có. Hãy đánh giá sai lầm của ông dưới một con mắt khách quan và công bằng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét