Dễ nhầm viêm họng với bệnh tâm thần loạn cảm họng
Người mắc loạn cảm họng luôn cảm thấy khó chịu, ngứa, vướng ở họng, điều trị viêm họng không có kết quả. Đây chính là bệnh loạn cảm họng, một bệnh tâm thần, thuộc nhóm bệnh lo âu.Cách đây 2 năm, chị Nguyễn Thị Sinh (Hải Dương) thấy ngứa, vướng ở họng. Lúc đầu chị nghĩ mình bị viêm họng nên tự mua kháng sinh điều trị, xong không khỏi.
Chị Sinh tới các cơ sở tai mũi họng, bác sĩ chẩn đoán bị viêm họng hạt, rồi viêm amidan… uống thuốc, đốt họng hạt…
cũng không khỏi. Chữa chạy nhiều nơi, cuối cùng tại Bệnh viện 103, chị được chẩn đoán là mắc loạn cảm họng, một loại tâm thần thuộc nhóm bệnh lo âu, rất dễ chữa nếu được chẩn đoán đúng.
TS Bùi Quang Huy, chủ nhiệm khoa Tâm thần, Bệnh viện 103 cho biết, bệnh loạn cảm họng có tỷ lệ nữ mắc nhiều hơn nam, độ tuổi khoảng 30 – 40 thường mắc phải. Nguyên nhân của bệnh là do thiếu hụt chất dẫn truyền thần kinh serotonin ở não chứ không phải do bệnh lý ở họng gây ra.
Điều khó khăn nhất của bệnh này không phải là chẩn đoán hoặc điều trị, mà bệnh nhân và thầy thuốc không chịu thừa nhận đó là bệnh tâm thần, luôn nghĩ rằng đó là bệnh tai mũi họng hoặc bệnh hô hấp. Bệnh có biểu hiện: ngứa, vướng, khó chịu ở họng. Khám tai mũi họng không phát hiện ra bệnh lý thực tổn.
Về điều trị, TS Huy nhấn mạnh, loạn cảm họng là một bệnh nằm trong nhóm bệnh rối loạn lo âu, vì thế việc điều trị bằng kháng sinh, thuốc chống viêm, nước súc miệng là không cần thiết và không hiệu quả. Thuốc điều trị hiệu quả cho bệnh này phải là thuốc chống trầm cảm. Có thể dùng thuốc chống trầm cảm 3 vòng (amitriptylin, clomiramin) hoặc nhóm thuốc SSRI (sertralin, paroxetin, fluoxetin).
Khi điều trị bằng thuốc chống trầm cảm, các triệu chứng của loạn cảm họng sẽ hết nhanh chóng sau một vài tuần. Tuy nhiên, bệnh nhân cần điều trị củng cố kéo dài ít nhất 36 tháng để tránh tái phát. Cụ thể là thuốc amitriptylin uống sáng và tối hoặc setralin và olanzapin uống buổi tối.
(Theo bee.net.vn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét