Viêm não Nhật Bản “không tha” người lớn
GiadinhNet - Viêm não Nhật Bản (VNNB) là căn bệnh nguy hiểm, thường tấn công trẻ em, gây ra nhiều di chứng nặng nề. Thời gian gần đây, bệnh tấn công cả người lớn...
|
Một bệnh nhân bị VNNB đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: P.V
|
Mắc không nhiều nên ít chú ý
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương mới tiếp nhận trường hợp người lớn mắc viêm não, đó là bệnh nhân Đ.V.Y, 20 tuổi, ở Đông Anh, Hà Nội. Ngày 28/6, bệnh nhân này được chuyển đến từ Bệnh viện Đa khoa Đông Anh với chẩn đoán bị viêm não. Ngày 1/7, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với virus VNNB. Trước đó 3 ngày, bệnh nhân Đ.V.Y sốt cao, rét run liên tục. Hai ngày sau thì có biểu hiện rối loạn ý thức, lơ mơ, yếu người bên phải. Đến lúc này người nhà mới đưa bệnh nhân đi khám.
Các bác sỹ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh nhân được chuyển đến trong tình trạng mắt mở tự nhiên nhưng đờ đẫn, không tiếp xúc được; liệt chân tay; sốt cao liên tục, có cơn co giật ngắn, sau đó hôn mê sâu dần, phải thở máy. Tiên lượng tương đối nặng, dù điều trị khỏi cũng có thể để lại di chứng, ảnh hưởng hệ thần kinh như: Thay đổi tâm thần, hành vi, liệt chi…
Theo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân Đ.V.Y là bệnh nhân VNNB thứ 2 trong năm nay bệnh viện này tiếp nhận. Trước đó, vào ngày 17/6, bệnh viện đã tiếp nhận bệnh nhân T, 17 tuổi, ở Ba Vì, Hà Nội, cũng bị VNNB trong tình trạng lơ mơ, sốt cao liên tục, tăng dần liệt 2 chân, tay.
Theo bệnh án, 4 ngày trước đó, bệnh nhân T có biểu hiện đau đầu, sau đó sốt cao 38-40oC, có cơn rét run, nôn. Bệnh nhân vào Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì và được chẩn đoán viêm não nên chuyển tiếp lên tuyến trên. Kết quả chụp cộng hưởng từ cho thấy tổn thương lan tỏa cả trên não và tủy sống. Biểu hiện liệt tiến triển tăng dần sang cơ hô hấp nên phải thở máy. Sau điều trị, đến nay bệnh nhân T đã bỏ được máy thở nhưng cơ chân, tay bị liệt, có thể để lại di chứng.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng mới tiếp nhận một bệnh nhân nữ 19 tuổi, ở Ứng Hòa, Hà Nội bị viêm não nặng, đang chờ kết quả xét nghiệm xem có phải VNNB hay không.
BS Nguyễn Trung Cấp – Phó Trưởng khoa Cấp cứu – Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, 2 bệnh nhân trên là 2 trường hợp mắc VNNB đầu tiên trong năm 2014 chứ không phải lần đầu có người lớn mắc bệnh VNNB. Những năm trước đây đã từng có những trường hợp là người lớn mắc bệnh VNNB. Tuy nhiên, số lượng người lớn mắc không nhiều nên thường ít được chú ý.
Tiêm vaccine - liệu pháp hữu hiệu nhất
Theo BS Nguyễn Trung Cấp, VNNB ở người lớn rất hiếm gặp nhưng bất cứ ai cũng có thể bị mắc nếu chưa có miễn dịch với căn bệnh này. So với trẻ em, các di chứng của bệnh VNNB ở người lớn ít nguy hiểm hơn bởi khi trẻ mắc bệnh sẽ dễ dẫn tới di chứng chậm phát triển.
BS Nguyễn Trung Cấp cho biết, với các trường hợp là người lớn mắc bệnh VNNB vốn không có điều gì khác biệt về sức khỏe hay cơ chế sinh hoạt. Với 2 trường hợp mới nhập viện kể trên thì 1 trường hợp đã bắt đầu chuyển sang giai đoạn phục hồi chức năng. Tuy nhiên, theo tiên lượng của bác sỹ thì các trường hợp này sẽ để lại di chứng.
Đối với người lớn chưa từng được tiêm vaccine phòng VNNB thì có thể tiêm vaccine này với liều lượng giống như trẻ em và có thể tư vấn tại điểm tiêm chủng.
Đối với trẻ em, hiện Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia triển khai tiêm vaccine phòng VNNB cho trẻ từ 1 - 5 tuổi, tuy nhiên vẫn khuyến cáo khi trẻ đã tiêm được 3 mũi đầy đủ thì vẫn nên tiêm nhắc lại sau 3-4 năm cho đến khi được 15 tuổi.
Bệnh VNNB đã có vaccine phòng bệnh nên việc tiêm vaccine là biện pháp phòng bệnh hiệu quả và khả thi nhất. Ngoài tiêm vaccine, các biện pháp sau đây cũng góp phần phòng bệnh cho cộng đồng, bao gồm:
- Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại để muỗi không có nơi trú đậu, nên dời chuồng gia súc xa nhà.
- Ngủ màn, không cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc, đặc biệt lúc chập tối đề phòng muỗi đốt. Các hộ gia đình thường xuyên sử dụng các biện pháp thông thường để xua, diệt muỗi.
- Khi có dấu hiệu sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương cần phải đưa trẻ ngay đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Lịch tiêm vaccine viêm não Nhật Bản
Đối với trẻ em dưới 5 tuổi :
Tiêm 3 liều cơ bản theo lịch tiêm của chương trình tiêm chủng mở rộng.
Mũi 1: Lúc trẻ đủ 1 tuổi.
Mũi 2: Sau mũi 1 từ 1 -2 tuần.
Mũi 3: Sau mũi 2 là 1 năm.
Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.
Đối với trẻ trên 5 tuổi nếu chưa từng được tiêm vaccine VNNB thì cũng tiêm với 3 liều cơ bản:
Mũi 1: Càng sớm càng tốt.
Mũi 2: Sau mũi 1 từ 1 -2 tuần.
Mũi 3: Sau mũi 2 là 1 năm.
Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.
Cũng như các vaccine khác khi tiêm vaccine VNNB có một tỷ lệ nhất định có tác dụng phụ, bao gồm:
Tại chỗ tiêm: Có thể bị đau, sưng, đỏ, thường gặp ở 5-10% người được tiêm. Một số ít có phản ứng toàn thân như sốt nhẹ, đau đầu, mệt mỏi. Các phản ứng phụ nêu trên xuất hiện khoảng vài giờ sau khi tiêm và thường tự hết sau 1-2 ngày. Ngoài ra có một tỷ lệ vô cùng nhỏ (khoảng 1/1 triệu mũi tiêm) có thể gặp choáng (sốc phản vệ) sau khi tiêm trong vòng vài giờ, cần được đưa ngay tới cơ sở y tế gần nhất để xử trí cấp cứu.
(Nguồn: Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế)