Hỏi 3 chàng trai đang điều trị ở Viện Sức khỏe tâm thần (BV Bạch Mai, Hà Nội) vì chơi "đập đá" thì cả 3 đều mơ hồ nói món này không gây nghiện. Thực tế, "đập đá" là một dạng ma túy tổng hợp khiến người chơi bị "phê" cực mạnh, dễ hóa tâm thần.
Trong phòng bệnh số 18 - Viện Sức khỏe tâm thần có một
cậu bé với khuôn mặt vô hồn, đôi mắt lờ đờ lảng tránh mọi ánh nhìn. Mặc
cho người nhà vuốt ve, cậu vùng lên chống đối. Ít ai biết, cậu mới chỉ
là học sinh lớp 10, phải nhập viện vì sử dụng ma túy đá.
Cậu tên Quang Anh, 17 tuổi ở Quốc Oai, Hà Nội. Vì chơi
với một đám bạn hơn tuổi, không học hành, cậu bị lôi kéo vào thú chơi
"bồ đá", hay còn gọi là "đập đá", "ma túy đá". Khi chơi, Quang Anh không
biết đó là ma túy.
PGS Trần Hữu Bình - Nguyên Viện trưởng Viện sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) đến thăm bệnh nhân Quang Anh. Ông khẳng định đập đá cũng như tất cả các loại ma túy tổng hợp khác đều tác động lên hệ thần kinh và gây nghiện. Ảnh: Phan Dương. |
Nhóm của Quang Anh đã vào một phòng trọ sinh viên,
chơi "đập đá" gián tiếp qua một chai C2. Cũng theo Quang Anh tiết lộ thì
ngoài cậu đang là học sinh, vẫn còn một cô bạn cùng trường tham gia vào
trò thác loạn này.
Cậu kể: “Lúc ‘đập đá’ em thấy mình như anh hùng, siêu
nhân, cơ thể được bay trên mây, nhẹ nhàng, khoan khoái lắm. Nhưng chỉ
sau 2 lần chơi, em mệt mỏi, không ăn uống, trong lòng luôn lo lắng, cảm
giác như có tiếng nói bên tai”.
Quang Anh cố vùng khỏi giường, nói với bố mẹ không
biết bị cho hút thứ gì mà bây giờ cậu bứt rứt, khó chịu trong người. Tìm
hiểu nhiều nơi, bố Quang Anh lo sợ biết được con mình đã sử dụng ma túy
đá.
“Tôi cho cháu nghỉ học, nhốt cháu trong nhà để ổn định
tâm lý. Nhưng đến cả tháng mà chứng hoang tưởng, cảm giác như có người
đang đuổi giết vẫn hành hạ cháu. Tôi đành cho cháu nhập viện tâm thần”,
bố Quang Anh cho biết.
Khác với vẻ hiền lành
của Quang Anh thì Kiên (Cẩm Giàng, Hải Dương) lại có vẻ bặm trợn. Trên
bắp tay, bắp chân cậu in vài hình xăm kinh dị.
Kiên nói chắc nịch: “Đập đá có nghiện đâu mà ông bà già nhà tôi cứ bắt phải đi cai rồi nhốt tôi vào viện tâm thần”.
Kiên mới qua tuổi 20, học hành dở dang nhưng đã có vợ.
Vì sử dụng ma túy đá mà giờ đây cậu trông như bị "đần", nói nhiều, luôn
miệng lảm nhảm và di chuyển nặng nề. Chiều chiều, gia đình cho cậu ra
sân tập thể dục. Kiên chật vật đá cầu được vài đường rồi hùng hổ đi khắp
các hành lang làm loạn.
Theo tiết lộ của bác sĩ điều trị cho Kiên thì vì “đập
đá” mà Kiên có ham muốn tình dục ghê gớm. Một ngày cậu bắt vợ quan hệ
hơn …20 lần. Kết quả âm đạo của vợ bị bỏng, phồng rộp. Không chịu được
nhu cầu quái đản này, vợ cậu phải cầu cứu bố mẹ chồng. Gia đình cậu bị
sốc nặng, quyết định cho Kiên nhập viện tâm thần.
Trao đổi với
VnExpress.net, PGS Trần Hữu Bình - Nguyên Viện trưởng viện sức khỏe tâm
thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: “Đập đá là một từ lóng mà xã hội
thường gọi thay cho chất ecstasy - một chất nằm trong tổ hợp các chất
gây nghiện ATS hay còn gọi là ma túy tổng hợp”.
“Đập đá”, "chấm đá", "bồ đá" đều là tên gọi của ma túy
đá - xuất hiện ở nước ta từ năm 2006. Theo tổng kết của các cơ quan
điều tra, loại ma túy này thường được sử dụng ở các quán bar, vũ trường,
sau đó là các nhóm tự mua và sử dụng trong nhà nghỉ. Ngoài tác động
mạnh lên hệ thần kinh, làm người chơi "phê" trong vài ngày thì người
dùng nó còn nảy sinh ham muốn tình dục. Bởi vậy, nhiều nhóm cùng "đập
đá" rồi quan hệ tình dục tập thể.
Trước suy nghĩ của một
bộ phận không nhỏ cho rằng đập đá không gây nghiện, bác sĩ Bình lý giải:
“Ma túy tổng hợp (bao gồm cả đập đá) được dùng để điều trị các bệnh hen
phế quản, xung huyết mùi, béo phì, rối loạn tăng đồng giảm chú ý, trầm
cảm…Nếu dùng một liều nhỏ không thường xuyên nó sẽ mang lại cảm giác
khoan khoái, dễ chịu, cảm giác nhẹ nhàng như bay…
Nhưng nếu sử dụng chất này cũng một liều nhỏ nhưng
thường xuyên thì sẽ gây rối loạn thần kinh thực vật với các biểu hiện
như ra mồ hôi, tăng huyết áp, đau đầu, nói năng nhiều…
Khi sử dụng với liều cao hơn thì có thể bị ngộ độc,
nôn, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não. Nghiêm trọng hơn là thần kinh
bị rối loạn hoang tưởng, dễ bùng nổ. Nếu ngưng sử dụng trong vòng 24
đến 48 giờ thì người đó sẽ có hội chứng cai mà biểu hiện cao nhất là
trầm cảm, có ý tưởng hành vi tự sát. Rõ ràng, đập đá gây nghiện và có
sức phá hủy con người rất nhanh.
"Tuy ma túy đá mới xuất hiện ở nước ta từ năm 2006
nhưng có tốc độ lan tràn rất nhanh, nhất là trong giới trẻ. Một số lớn
học sinh, sinh viên sử dụng các chất ecstasy, con số này không ngừng
tăng lên. Hầu hết bệnh nhân vào viện chúng tôi đều là học sinh, sinh
viên bị rối loạn tâm thần do đập đá", bác sĩ Trần Hữu Bình nhấn mạnh
thêm.
Sở dĩ “đập đá” đang là một trào lưu trong giới trẻ vì
nó làm phê mạnh, khoái cảm, mang lại ảo giác không có thực. Giá cả của
nó lại cực đắt. Chính vì vậy nó thường là thước đo “đẳng cấp dân chơi”.
Năm 2011, lực lượng chức năng đã thu giữ khoảng 40 kg
ma túy dạng đá trên cả nước. Riêng tại TP Hà Nội đã phát hiện và thu hơn
12 kg. Công an cũng phát hiện nhiều trường hợp buôn bán, vận chuyển ma
túy Five (có xuất xứ từ Nhật) - là một dạng ma túy tổng hợp sử dụng
chung với ma túy dạng đá, thuốc lắc có chức năng kích dục rất mạnh.
Người sử dụng loại ma túy này có thể không ăn, không ngủ trong vài ngày,
quan hệ tình dục tới kiệt sức, có thể dẫn tới tử vong.
* Tên nhân vật đã được thay đổi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét