Tìm 'thuốc' chữa bệnh quá tải bệnh viện
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị hợp nhất hai
đề án 1816 với bệnh viện vệ tinh để tập trung kinh phí, nhân lực...
giải quyết vấn đề nhức nhối nhất hiện nay của ngành y: quá tải bệnh
viện.
> Bộ trưởng Y tế: 'Giảm tải bệnh viện phải ngoài 2015'/ Hạ 'sốt' quá tải bệnh nhân nhờ bệnh viện nhỏ
Ý kiến này được Bộ trưởng Tiến đưa ra tại hội thảo
"Tăng cường thực hiện đề án bệnh viện vệ tinh và đề án 1816" diễn ra
sáng 30/5 tại Hà Nội.
Theo báo cáo của Cục khám chữa bệnh, quá tải ở bệnh
viện tuyến trên trong nhiều năm qua đã và đang là vấn đề nổi
cộm: 2-3 người bệnh chung một giường là tình trạng diễn ra ở nhiều
bệnh viện Trung ương và tuyến tỉnh, công suất giường bệnh lên tới
120-160%, đặc biệt là các chuyên khoa ung bướu, tim mạch, ngoại chấn
thương, sản, nhi... ở bệnh viện K, Bạch Mai, Chợ Rẫy, Nhi Trung ương,
Phụ sản Trung ương, Từ Dũ...
Hình ảnh người bệnh mệt mỏi chờ đợi khi khám hoặc phải nằm ghép khi điều trị vì bệnh viện quá tải thường xuyên bắt gặp tại nhiều bệnh viện tuyến trung ương. Ảnh: Minh Thùy. |
Bộ trưởng Tiến nhìn nhận quá tải bệnh viện là vấn đề
nhức nhối nhất hiện nay trong ngành y. Tình trạng này có thể làm giảm
chất lượng khám chữa bệnh kéo theo tăng các tai biến hay nguy cơ nhiễm
trùng, nảy sinh thái độ và hành vi tiêu cực của nhân viên y tế. Vì thế,
vấn đề quan trọng nhất hiện tại là giảm tải cho các bệnh viện.
Theo bà Tiến, nhiều giải pháp để thực hiện mục tiêu
này, trong đó có việc xây dựng mới hay tăng quy mô các bệnh viện. Tuy
nhiên, việc này không đơn giản vì cần nguồn đất và kinh phí không nhỏ,
cộng với nhiều khó khăn trong quy trình thực hiện. Trong khi đó, hai
phương án giảm tải khác là luân chuyển cán bộ y tế về tuyến dưới (đề án
1816) và đề án bệnh viện vệ tinh qua quá trình thực hiện đã bước đầu
phát huy hiệu quả.
Đề án bệnh viện vệ tinh được thực hiện từ năm 2005 với
việc hình thành mạng lưới vệ tinh của Bệnh viện hữu nghị Việt Đức, Bệnh
viện Bạch Mai. Đề án 1816 được triển khai tại 72 bệnh viện trên cả nước
đã góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho tuyến dưới, nhất là
miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Theo bà Tiến, vì cùng chung một mục tiêu là giảm tải
cho bệnh viện tuyến trên và nâng cao năng lực khám chữa bệnh cho tuyến
dưới, nên có thể gộp hai đề án này làm một, để có thể tập trung kinh
phí, nguồn lực đẩy mạnh thực hiện giảm tải bệnh viện.
Tán đồng ý kiến này, ông Nguyễn Tiến Quyết, giám đốc
Bệnh viện Việt Đức bộc bạch, thực tế các bệnh viện ít hào hứng với đề án
1816 (luân phiên cán bộ y tế về tuyến dưới), vì nhiều vấn đề còn bất
cập, việc tham mưu việc thực hiện cũng rất rập khuôn.
"Theo quy định, nếu định mức cử cán bộ đi luân phiên
theo đề án là 50 giường kế hoạch đối với bệnh viện đa khoa và 30 giường
đối với bệnh viện đa khoa thì chúng tôi phải cử tới gần 500 cán bộ xuống
tuyến dưới. Như vậy là quá sức và số người ở lại không thể đảm đương
hết trách nhiệm tại bệnh viện chính", ông Quyết đưa dẫn chứng.
Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Khám chữa bệnh Bộ Y tế
cũng thừa nhận, cả hai đề án còn những bất cập trên, cộng với việc
trang thiết bị, nhân lực ở các bệnh viện tuyến dưới đặc biệt là tỉnh
miền núi, vùng sâu, vùng xa hạn chế, nên khó thực hiện được chuyển giao
kỹ thuật. Ông thừa nhận, việc nhiều bác sĩ đi tuyến dưới theo kiểu đối
phó hay bệnh viện tuyến trên đưa bác sĩ năng lực kém, thậm chí còn không
bằng trình độ bác sĩ địa phương... là có thật.
Dự kiến Cục khám chữa bệnh và các chuyên gia đầu ngành
sẽ thảo luận thêm trước khi đưa ra quyết định cuối cùng về việc có nên
hợp nhất hai đề án và hướng triển khai.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét