Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2012

Cõng “ết” về nhà

Cõng “ết” về nhà
Anh Hạnh đầu tóc rũ rượi ngồi nép ở góc nhà, những giọt nước mắt thì vẫn giàn giụa trên khuôn mặt gầy xanh của chị Phượng.
Bà mẹ già ngồi ôm đứa cháu nhỏ hết nhìn sang con trai lại ngoảnh sang con dâu, đôi mắt lèm nhèm dường như không còn nước để khóc. Cảnh nhà không có tang mà ảm đạm đến ghê người.

Anh Hạnh cưới chị Phượng được hơn 3 năm và có một cậu con trai hai tuổi. Đôi vợ chồng trẻ chỉ bám vào mấy sào ruộng để sống, từ khi có con lại thêm phần túng thiếu hơn.

Sau khi vụ mùa xong xuôi anh Hạnh nói với vợ: “Anh theo mấy người ra Hà Nội làm, em ở nhà chăm sóc con nếu việc ổn định có tiền anh sẽ gửi về”. Thế rồi anh khăn gói ra thành phố làm chân phụ hồ cho một công trình xây dựng. Những người trong nhóm công nhân ấy là người cùng quê nên anh được giúp đỡ nhiều. Hai tháng đầu dù vất vả nhưng anh cũng đã quen việc, những đồng tiền kiếm được anh đều gửi về cho vợ. Mỗi lần lấy lương anh tạt qua chợ mua cho con bộ quần áo và ít đồ chơi.

Thư gửi về cho vợ, anh có viết: “Anh đang học làm thợ xây công cán sẽ cao hơn. Cuối năm về anh sẽ sửa lại căn nhà cho đàng hoàng một chút”. Cánh thợ làm cùng ai cũng khen anh là người chồng chu đáo, một công nhân chịu khó. Lần nào anh cũng hoàn thành tốt công việc nên cuối tháng ngoài tiền công ra anh còn có thêm một chút tiền thưởng. Anh cho rằng đó là do cả nhóm công nhân gắng sức làm chứ không chỉ có một mình anh nên mỗi khi được thưởng thêm lại gọi mọi người ra quán liên hoan, nhậu nhẹt.

Một lần nhóm thanh niên say rượu lôi kéo anh. Thấy anh ngây ngô họ cười ồ lên: “Anh xa vợ mấy tháng trời lẽ nào lại chỉ giải trí bằng thứ đó thôi sao...?”. Tò mò, hơn nữa vì xa vợ lâu ngày anh cũng thấy bức xúc. Thế là cả nhóm ùa đi tìm “của lạ”. Lần một rồi lần hai, liên tiếp như thế trong cơn say anh không biết rằng mình đã mang căn bệnh thế kỷ khi vui thú với các cô gái đứng đường.

Sáu tháng đi làm xa quê, nhân lúc công trình 1 hoàn tất, anh Hạnh sắp xếp quần áo về thăm vợ con. Thấy chồng về chị Phượng mừng lắm, chị hỏi anh có đi ra đó nữa không thì anh trả lời chỉ về có một tháng khi công trình mới bắt đầu sẽ lại ra thành phố.

Khi anh chuẩn bị đi làm thì nghe tin cậu em trai bị tai nạn giao thông. Do bệnh viện thiếu máu nên đề nghị gia đình truyền máu gấp. Anh Hạnh xung phong cho máu. Tuy nhiên, trước khi lấy máu, anh Hạnh phải qua một cuộc kiểm tra.

Trong khi đang lo lắng cho tính mạng của em trai thì bác sĩ lại thông báo một tin mà khi nghe xong anh Hạnh hoàn toàn gục ngã. Anh đã nhiễm HIV. Cả gia đình hoang mang, chị Phượng ngất lên ngất xuống. Trong cơn hoảng loạn và tuyệt vọng anh nhận ra rằng lỗi thuộc về mình. Anh mong một kết quả tốt lành khi bệnh viện xét nghiệm máu của vợ nhưng đã quá muộn. Chị Phượng đã trở thành một nạn nhân của căn bệnh AIDS do chính chồng mình cõng về nhà.

Theo Đời sống & Pháp luật

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét