Thứ Hai, 14 tháng 5, 2012

Người mang bệnh thế kỷ làm trưởng thôn



Người mang bệnh thế kỷ làm trưởng thôn

Để làm “trưởng thôn” không phải là đơn giản. Đó phải là người có uy tín, được dân bầu ra và luôn vì cộng đồng... Do đó, thời gian gần đây, tin anh Dương Đức Hải (thôn 4, xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy, Kon Tum) được bầu là trưởng thôn đã khiến nhiều người ngạc nhiên.

Câu chuyện của anh Hải (49 tuổi) là tấm gương điển hình của nỗ lực vượt lên bệnh tật.
Năm 2007, sau nhiều năm bôn ba với nghề buôn riềng và một số mặt hàng nông sản, vợ chồng anh tạo lập được một cơ ngơi khá đồ sộ, trong tay sở hữu cả chục ha cao su. Gia cảnh nhà anh lúc bấy giờ là niềm mơ ước của nhiều người khắp huyện Sa Thầy.
Cũng trong năm này, tin vui đến khi vợ anh chuyển dạ đứa thứ 5, rồi “mẹ tròn con vuông” tại bệnh viện Đa khoa tỉnh. Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang, các bác sĩ bảo không được cho bé bú mẹ, mà phải bú sữa ngoài.
Nghe chuyện, cho rằng hết sức phi lý nên anh Hải đã quậy tưng bừng bệnh viện. Đến lúc này, các bác sĩ mới tiết lộ: vợ anh đã nhiễm HIV, nhưng may mắn là đứa trẻ không hề gì.
Lời bác sỹ như sét đánh ngang tai, Hải không thể tin vào sự thật này bởi từ hồi nào tới giờ vợ anh là người phụ nữ hiền lành, chịu thương chịu khó, bản thân anh có tiêm chích hay quan hệ với gái bán hoa đâu... Thấy vậy, anh đã tự mình đi xét nghiệm nhiều lần và đều cho ra kết quả: anh cũng dương tính với HIV.
Chi Hội trưởng chi hội cựu chiến binh thôn 4 nhận xét anh Hải (trong ảnh) là người có năng lực nhất xã. Ảnh: Ánh Ngân.
Cả bầu trời như sụp đổ trước mắt, sau nhiều đêm suy nghĩ, cuối cùng anh mới nhớ lại, căn nguyên bắt đầu từ mình, chỉ vì một phút xao lòng với một phụ nữ góa chồng trong thời gian vợ mang bầu... Chính anh đã truyền căn bệnh thế kỷ cho người vợ hiền, song hối hận đã quá muộn.
Nghe bảo HIV ghê gớm thế nhưng tới lúc ấy, Hải vẫn không biết thực hư bệnh này như thế nào. Hai vợ chồng đã vái tứ phương, đi khắp nơi chữa, từ bệnh viện trong Nam ngoài Bắc đến các thầy lang, thầy cúng, song cái nhận được là bệnh ngày nặng hơn. Họ chỉ thực sự bằng lòng với số phận khi tài sản, tiền bạc, đất đai, cao su… đều đội nón ra đi.
Đến giữa năm 2008, cơ thể Hải bắt đầu yếu dần khiến anh sốt cao triền miên, tưởng chừng cái chết đã gần kề, bản thân anh cũng không thiết sống, nghĩ mình đã là người bỏ đi của xã hội. Tuy nhiên, nhờ sự tận tâm cứu chữa, khuyên giải của các bác sĩ, anh mới thấy được lý do để mình phải sống.
Nhưng khó khăn khi ấy mới chỉ bắt đầu, bởi từ khi được cán bộ y tế tuyên truyền về căn nguyên cũng như khả năng huỷ diệt của bệnh, người dân xã Sa Sơn bắt đầu xa lánh gia đình Hải. Họ cho rằng anh làm nhiều tiền, quan hệ lung tung rồi đổ bệnh, anh sống không tốt nên Yàng phạt.
Chính vì như thế, khi rời bệnh viện về lại nhà, anh Hải luôn cảm thấy đau khổ, dằn vặt, chán nản… vợ anh thì cả ngày ôm mặt khóc. Con cái thì đòi nghỉ học vì lên trường bị bạn bè xa lánh, dị nghị bởi có cha mẹ bị HIV. Những bạn hàng trước đây đều đồng loạt xa lánh khiến anh mất mối làm ăn trong khi gia đình lại đang nợ hàng trăm triệu đồng. Bên ngoài, người ta không còn gọi anh theo cái tên do cha mẹ đặt mà thay bằng: “Thằng SIDA”.
Trước thực tại, một lần nữa Hải lại muốn chết! Nhưng khi nhìn vào 5 đứa con vô tội đang hàng ngày khóc vì tội lỗi của cha, trong đó, đứa lớn nhất lúc này chưa học hết cấp II, đứa nhỏ đang còn khóc trong nôi, Hải quyết tâm phải sống.
Trong 2 năm sau đó, anh trở thành tấm gương sáng đầy nghị lực, không chỉ là người được bà con tín nhiệm, anh còn là ân nhân của nhiều người đồng bào dân tộc thiểu số ở các làng lân cận, là tuyên truyền viên đồng đẳng tích cực của tổ chức phòng chống HIV/ASD. Cuối cùng, mọi người đều thừa nhận "thằng SIDA" chẳng gây hại gì cả, nó có lỗi nhưng biết sửa chữa nên đừng kỳ thị nó nữa.
Anh Hải hướng dẫn cho bà con làng Chót làm đường cho bằng phẳng hơn để đi vào rẫy. Ảnh: Ánh Ngân.
Rồi một cơ duyên đến khi khoảng giữa năm 2009, trong thôn 4 tổ chức cuộc họp để bầu trưởng thôn và phó thôn. Lúc này, với quyết tâm là người có ích, phải mạnh dạn hoà nhập cộng đồng, Hải lân la đến hội trường thôn để xem chuyện lớn của làng.
Ba ứng viên (2 người đã vào Đảng, 1 người làm 4 khóa trưởng thôn) đều lần lượt bị loại. Người dân đề nghị chị Vũ Thị Huệ, một người dân khác nói to, ghi tên “thằng SIDA" đang đứng ngoài cửa sổ kia vào. Không ai phản đối nên cái tên Dương Đức Hải được viết song song với chị Vũ Thị Huệ - một người đã được nhân dân tín nhiệm lâu nay.
Kết quả, có 49 phiếu bầu cho anh Hải, 50 phiếu cho chị Huệ. Chị Huệ làm trưởng thôn, anh Hải phó thôn. Ngẫm lại anh Hải bảo rằng, "dân làng ở đây rất căm ghét cái xấu, nhưng đồng thời cũng rất vị tha, gần 2 năm trời tôi đã tu tâm dưỡng tánh và kết quả trên có nghĩa là bà con đã chấp nhận lại tôi".
Như người sắp chết đuối vớ được phao, từ ngày được dân làng tín nhiệm, bất kì chuyện gì trong làng từ đám đánh nhau, sửa chữa đường, phân phát, hướng dẫn sử dụng giống cây trồng, sửa chữa hệ thống tưới tiêu đồng ruộng, răn đe các đối tượng vi phạm pháp luật, thanh thiếu niên hư hỏng… anh Hải đều đứng ra lo liệu, giải quyết. Cuối năm 2009, bà con lại càng tin tưởng hơn bầu anh kiêm thêm chức công an viên.
Ngày 7/2/2011, Hải chính thức lên chức trưởng thôn với sự nhất trí của toàn thể dân làng. Thăng chức, nhưng với Hải, công việc vẫn như xưa, anh vẫn năng nổ ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng. Ngoài những việc phải xử lý trong thôn 4, anh còn giúp đỡ những người J’rai ở các làng kế cận trong việc chống sâu bệnh hại cây trồng, tư vấn trồng cây gì, nuôi con gì, giúp dân làng làm đường, là tuyên truyền viên đồng đẳng của những người có HIV trên địa bàn tỉnh Kon Tum… giúp nhận thức của bà con tiến bộ hơn.
Ghi nhận đóng góp của anh, Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy đã nhiều lần tặng giấy khen vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đảm bảo tốt an ninh trật tự địa bàn, trong đó có một lần được khen vì phá được một vụ án trộm cắp trên địa bàn xã chỉ với 3 ngày ngắn ngủi…
Đánh giá về Hải SIDA, ông Phạm Văn Đức- chi Hội trưởng chi hội cựu chiến binh thôn 4 cho biết: Anh Hải là người năng nổ, có chịu trách nhiệm. Anh đã gánh vác tốt mọi công việc của tập thể với tinh thần làm việc luôn ở mức cao. Nếu nói về năng lực, anh Hải là người có năng lực nhất ở xã này, có khả năng lãnh đạo tốt.
Tuy vậy, với đồng lương tháng chỉ hơn 1 triệu đồng, vợ chồng anh Hải vẫn còn rất vất vả trong cuộc sống. Vợ anh phải đi làm thuê để nuôi 5 đứa con ăn học. Số nợ gần 200 triệu đồng trước kia đến giờ vẫn chưa trả nổi khiến cuộc sống càng thêm khó khăn. Song khi nhìn vào 5 đứa con đều khỏe mạnh, anh Hải tin tưởng: "Dù sức khỏe ngày càng yếu nhưng con cái sẽ là động lực để vợ chồng tôi sống tốt, để cuộc đời trả lại tên".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét