Vì sao stress làm suy giảm chức năng tình dục?
Nhiều người hiểu stress là thuật ngữ để chỉ mọi khó
chịu thường xuyên tác động đến con người nhưng không biết rằng stress
còn gây ra ở cơ thể một đáp ứng sinh học trước những kích thích vật
chất, tâm lý hay giác quan, giống như một phản xạ với 3 giai đoạn: báo
động, chống cự và kiệt quệ. Stress ảnh hưởng xấu đến tình trạng tinh
thần, thể chất, giấc ngủ và đời sống tình dục.
Cơ thể phản ứng trong tình trạng bị stress: Đầu tiên,
khi cơ thể đối diện với những tác động âm tính (buồn, lo sợ, tức
giận…), hệ thần kinh gửi tín hiệu đến vùng dưới đồi trong não và vùng
này ra lệnh cho tủy tuyến thượng thận giải phóng adrenalin. Hormon này
cung cấp năng lượng cho cơ thể, làm nhịp và cung lượng tim tăng lên, đem
lại nhiều ôxy cho cơ và mô, giúp cho gan tiết ra đường và mỡ. Trong
giai đoạn đầu này, trí nhớ và phản xạ cũng được cải thiện. Đồng tử giãn
nên nhìn rõ hơn. Dù tác nhân kích thích là gì thì đáp ứng sinh học diễn
ra trong cơ thể vẫn không thay đổi.
Nếu tác nhân kích thích vẫn tiếp tục: Cơ thể sẽ bước
vào giai đoạn chống cự. Trong tình trạng này, cơ thể huy động mọi nguồn
lực để lặp lại sự cân bằng mới bằng cách tiết ra nhiều hormon khác như
endorphine (có tác dụng gây yên tĩnh), cortisol, dopamin, serotonine và
cả các hormon giới. Ở giai đoạn này, về phương diện sinh học, stress
được coi như một tác nhân kích thích có lợi giúp cơ thể phản ứng để tồn
tại trong những hoàn cảnh có thể xem là nguy hiểm.
Nhưng coi chừng để không đi quá xa: Nếu tình trạng
stress vẫn kéo dài và cơ thể không còn khả năng đối phó vì năng lượng
cần thiết đã tiêu hao quá lớn thì sẽ chuyển sang giai đoạn kiệt quệ. Cơ
chế bảo vệ không còn hoạt động được nữa, điều đó làm cho cơ thể trở nên
cực kỳ nhạy cảm với những tác nhân kích thích từ môi trường bên ngoài,
rơi vào trạng thái quá căng thẳng, van an toàn không chịu đựng nổi
nữa... khi đó xuất hiện cảm giác mỏi mệt, giận dữ, thậm chí cả trạng
thái trầm cảm.
Trước tác động của stress, mỗi cá thể có đáp ứng khác
nhau và trong cuộc sống luôn có những yếu tố làm cho trạng thái stress
nặng lên: ở một vài giai đoạn của cuộc đời, một số trạng thái tâm lý
(tuổi vị thành niên, khi có bệnh, người có sức khỏe tinh thần yếu kém…).
|
Người ta biết nhiều về tác dụng giải tỏa stress
của tình dục nhưng lại biết rất ít về ảnh hưởng của stress đến đời sống
tình dục. Không thiếu gì những tác nhân gây stress (khó khăn trong nghề
nghiệp, nghèo túng, tang tóc, tai nạn, bệnh tật...) và đều có thể gây ra
những rối loạn về chức năng tình dục, có thể ngắn hay dài hạn (suy giảm
ham muốn, khả năng cương dương…). Để không rơi vào vòng luẩn quẩn của
thất bại, cần biết tìm ra các giải pháp.
Khi thấy giảm ham muốn, giảm tần suất quan hệ tình
dục hay có rối loạn về cương dương, cần loại trừ yếu tố stress trước
tiên. Ở Pháp, cứ 5 người đàn ông thì có một người bị rối loạn cương
dương thường xuyên hay tạm thời. Trong đại đa số trường hợp, những trục
trặc này có nguồn gốc tâm lý hay phối hợp (có một phần do tâm lý). Nhìn
chung, có đến 29% nam giới bị rối loạn cương dương do stress, thường xảy
ra ở những người đàn ông ở độ tuổi từ 35 - 49, đã có vợ con, giữ những
trọng trách và phải lao động bằng trí óc nhiều hoặc gặp khó khăn trong
công việc, lo lắng về sức khỏe và tiền bạc.
Stress có ảnh hưởng xấu đến tình trạng tinh thần, thể
chất và cả giấc ngủ. Sự mất ngủ làm cho tâm trí không thanh thản và vì
thế có ảnh hưởng đến chức năng tình dục (khoảng 4 trong số 10 nam giới
thú nhận điều này). 86% số trường hợp có giảm tần suất quan hệ tình dục
hay giảm ham muốn. Những rối loạn về cương dương không phụ thuộc vào
tuổi mà thay đổi theo từng cá thể, mỗi người có cách kiểm soát stress
khác nhau. Trạng thái mạnh yếu về tâm lý cũng tỷ lệ thuận với mức độ rối
loạn. Có điều gần như thống nhất ý kiến là ở nam giới, quan hệ tình dục
đều đặn và đem lại sự thoải mái làm giảm cường độ stress.
Stress gây rối loạn cương dương và tình trạng này lại
gây ra những lo lắng và hậu quả là tạo ra vòng luẩn quẩn. Cần nhắc lại
cơ chế gây cương dương chịu sự kiểm soát của hai hệ thần kinh có tác
dụng đối nghịch: hệ phó giao cảm kích thích và hệ giao cảm thì ức chế.
Một mặt, hệ phó giao cảm làm cho các mạch máu và cơ nhẵn của thể hang
giãn ra, thu hút máu đến và tạo ra sự cương dương; mặt khác, hệ giao cảm
lại có tác dụng làm co mạch và do đó làm mất đi sự cương dương. Và
người ta biết rằng, stress tạo ra cơ hội thuận lợi cho cơ chế co mạch.
Giải pháp nào?
Sử dụng liệu pháp tâm lý hay dùng thuốc, đôi khi chỉ
cần chia sẻ với thầy thuốc đã có thể giúp nam giới có thêm sự tự tin. Từ
nhiều năm nay, việc điều trị rối loạn cương dương bằng thuốc đã tỏ ra
có hiệu quả, giúp cho nhiều nam giới lập lại đời sống tình dục bình
thường.
BS.Hồng Anh
Theo Sức khỏe & đời sống
Theo Sức khỏe & đời sống