Thứ Bảy, 21 tháng 4, 2012

Điều trị nội khoa thai ngoài tử cung

Điều trị nội khoa thai ngoài tử cung

Thai ngoài tử cung ở đoạn kẻ 12 tuần, kết quả cuối cùng là CTC.
     Theo kinh điển, điều trị thai ngoài tử cung chỉ là phẫu thuật. Với kinh nghiệm điều trị bằng methotrexate, điều trị thai ngoài tử cung chọn lọc bằng nội khoa là một cuộc cách mạng.
Điều trị nội khoa đang lôi cuốn những ý kiến phẫu thuật vì một số lí do bao gồm: giảm tỉ lệ tử vong do phẫu thuật, do gây mê toàn thân , ít bị tổn thương vòi trứng, ít chi phí và không cần nhập viện.
Ở Mỹ, từ năm 2002 đến 2007, chỉ định điều trị thai ngoài tử cung bằng methotrexate tăng từ 11,1% đến 35,1%.
Methotrexate là yếu tố hóa trị kháng chuyển hóa mà nó kết hợp với enzyme biến đổi dihydrofolate, emzyne này liên quan trong tổng hợp những nhân purine. Điều này cản trở sự tổng hợp DNA và phá vỡ sự nhân lên của tế bào. Methotrexate được biết có hiệu quả trong điều trị bệnh bạch cầu, u bạch huyết bào và ung thư ở đầu, cổ, vú, buồng trứng và bàng quang. Nó được dùng như yếu tố ức chế miễn dịch trong việc phòng ngừa mô ghép đối với vật thể chủ và trong điều trị chốc lỡ nặng, viêm khớp dạng thấp nặng.Nó bắt nguồn từ kinh nghiệm điều trị methotrexate trong bệnh thai trứng và ung thư tế bào nuôi, hiệu quả của nó trong điều trị mô tế bào nuôi tốt. Methotrexate được dùng để điều trị thai ngoài tử cung bằng tiêm bắp đơn liều hoặc đa liều.
Những tác dụng phụ liên quan với điều trị methotrexate có thể phân chia do tác dụng phụ của thuốc và của điều trị. Tác dụng phụ của thuốc bao gồm : buồn nôn, nôn, viêm dạ dày, ỉa chảy,viêm đường ruột, chóng mặt, tăng men gan thoáng qua. Những phản ứng nặng như là ngăn cản việc tổng hợp xương, viêm da, viêm màng phổi, viêm phổi, rụng tóc có thể xảy ra khi dùng liều cao hơn nhưng hiếm gặp khi dùng với liều điều trị thai ngoài tử cung. Những ảnh hưởng điều trị của methotrexate bao gồm đau bụng nhiều hơn (xảy ra ở 2/3 bệnh nhân), gia tăng nồng độ βhCG kéo dài từ 1-3 ngày sau khi điều trị và chảy máu ở âm đạo.

Bệnh nhân nào thì được chọn để điều trị nội khoa, một số yếu tố được đưa ra : bệnh nhân đó phải có tình trạng huyết động ổn định, không có những dấu hiệu hoặc triệu chứng của chảy máu tiến triển hoặc xuất huyết trong ổ bụng. Bệnh nhân đó phải là người tin cậy và tái khám để theo dõi. Yếu tố khác là kích thước của túi thai không quá 3,5 cm ở đường kính lớn nhất trên siêu âm và không có bất cứ chống chỉ định nào khi dùng methotrexate.
Nồng độ βhCG > 15000 IU/L, có tim thai, có dịch trong túi cùng trên siêu âm (biểu hiện thai ngoài tử cung vỡ) là những chống chỉ định điều trị nội. Mặc dù, bệnh nhân với nồng độ βhCG > 15000 IU/L, có tim thai đã được điều trị thành công với methotrexate, những bệnh nhân này đòi hỏi được theo dõi chặt chẽ hơn nhiều và chịu nguy cơ cao của hậu quả can thiệp phẫu thuật.Có một sự kết hợp trái ngược giữa nồng độ βhCG và điều trị thành công thai ngoài tử cung bằng phương pháp nội khoa. Bài báo cáo hồi cứu của Menon và cộng sự, bao gồm 503 bệnh nhân cho rằng có sự gia tăng việc thất bại điều trị nội khoa thai ngoài tử cung với liều đơn methotrexate khi nồng độ βhCG là 5000 IU/L.
Những chống chỉ định khi dùng methotrexate bao gồm : nhạy cảm với methotrexate, cho con bú, suy giảm miễn dịch, nghiện rượu, bệnh gan do rượu hoặc bất kỳ bệnh gan khác, rối loạn tạo máu, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, thiếu máu, bệnh phổi tiến triển, bệnh loét dạ dày tá tràng, rối loạn thận gan hoặc rối loạn huyết học. Trong mỗi trường hợp, nguy cơ phẫu thuật  phải được cân nhắc so với chống chỉ định tương đối.
Một số tiêu chuẩn đối với dùng methotrexate trong điều trị thai ngoài tử cung : ban đầu dùng methotrexate đa liều với leucovorin để giảm đi những tác dụng phụ. Leucovorin là axid folenic, đó là sản phầm cuối cùng của phản ứng được xúc tác bởi sự biến đổi dihydrofolate, cùng một enzyme được ức chế bởi methotrexate. Những tế bào phân chia bình thường dễ hấp thụ leucovorin, vậy thì nó làm giảm tác dụng của methotrexate, bởi vậy nó làm giảm tác dụng phụ toàn thân của methotrexate. Cơ chế này liên quan đến dùng methotrexate 1 mg/kg tĩnh mạch vào ngày 0, 2, 4, 6 kèm theo 4 liều leucovorin 0,1 mg/kg vào ngày 1, 3, 5 và 7. Bởi tỷ lệ tác dụng phụ cao hơn và đòi hỏi ở bệnh nhân nhiều nhu cầu, nên chế độ đa liều methotrexate không còn dùng ở Mỹ nữa.
Chế độ phổ biến hơn ngày nay là dùng liều đơn, liều methotrexate 50 mg/m2 tiêm bắp 1 lần hoặc chia 2 để tiêm bắp 2 mông. So sánh điều trị dùng methotresate đơn liều với đa liều thì kết quả như nhau. Với liều đơn này thì liều dùng điều trị nhỏ hơn và số lần tiêm ít hơn, tác dụng phụ ít hơn và không cần dùng kết hợp leucovorin nữa.
Đầu tiên là tiêm methotrexate , bệnh nhân phải được tư vấn kỹ về các nguy cơ, hiệu quả, tác dụng phụ và có khả năng thất bại trong điều trị, có thể vỡ vòi trứng cần phải phẫu thuật. Những bệnh nhân cần cảnh giác những dấu chứng và triệu chứng liên quan đến vỡ vòi trứng và khuyên bênh nhân gặp bác sĩ ngay khi có cơn đau bụng đáng kể hoặc bụng có phản ứng, chảy máu âm đạo nhiều, chóng mặt, nhịp tim nhanh, đánh trống ngực hoặc ngất.
Hầu hết bệnh nhân đau bụng gia tăng thường xảy ra 2, 3 ngày sau khi tiêm thuốc. Đau bụng là do phần thai tách khỏi vị trí bám. Điều đó khác với thai ngoài tử cung vỡ thì đau nhẹ hơn, đau bụng trong một khoảng thời gian kéo dài từ 24 đến 48 giờ kèm với huyết động ổn định. Khi điều trị bằng methotrexate, bệnh nhân nên tránh dùng thức uống bằng cồn, những chất vitamin có chứa acid folic, những thuốc kháng viêm không steroid, và không giao hợp. Cái chính là bệnh nhân phải chấp nhận điều trị. Cấp cho bệnh nhân 1 tờ giấy ghi đầy đủ thông tin liên quan đến điều trị methotrexate. Tờ giấy này ghi rõ những tác dụng phụ của điều trị nội, lịch đến tái khám theo dõi, hoặc nhập viện khi cấp cứu.
Trước khi bắt đầu điều trị, lấy máu để xác định chức năng của thận, gan, tủy xương cũng như nồng độ βhCG cơ bản. Xác định nhóm máu, yếu tố Rh và hiện diện của kháng thể. Những bệnh nhân có Rh âm tính nên nhận globulin miễn dịch Rh. Đánh giá βhCG lập lại sau 4 ngày, 7 ngày sau khi tiêm methotrexate. βhCG lúc đầu gia tăng thường là vào ngày thứ 3 nhưng không báo hiệu nguy hiểm. Giảm nồng độ  βhCG ít nhất 15% từ ngày 4 đến 7 sau khi tiêm, đó là sự đáp ứng điều trị nội thành công. βhCG nên được đánh giá hàng tuần cho đến khi trở về âm tính.
Thất bại điều trị nội được xác định khi nồng độ βhCG tăng hoặc chỉ giảm đến mức 15% từ 4 đến 7 ngày sau tiêm. Lúc này nên can thiệp phẫu thuật.
Một liều đơn methotrexate lặp lại sau khi đánh giá lại những chỉ định và chống chỉ định (gồm siêu âm lặp lại). Điều trị methotrexate là một phương pháp lý tưởng khi có thai định vị ở cổ tử cung, buồng trứng hoặc ở đoạn kẽ hoặc ở sừng tử cung. Điều trị phẫu thuật ở những trường hợp này khi có nguy cơ xuất huyết tăng và kết quả là thường đưa đến cắt tử cung hoặc cắt bỏ buồng trứng.
Điều trị nội khoa bằng methotrexate thành công với kết quả là có thai trở lại tốt bởi do là giảm nguy cơ do phẫu thuật gây tổn thương vòi trứng.
Cách điều trị methotrexate bằng đường uống đang được nghiên cứu và những báo cáo sơ bộ cho thấy có những kết quả mong đợi. Tiêm trực tiếp methotrexate ở vị trí khu trú ( tiêm vào vòi trứng) đối với thai ngoài tử cung dưới sự chỉ dẫn của siêu âm hoặc nội soi cũng đã được báo cáo. Tuy nhiên, những báo cáo từ những nghiên cứu này đưa đến những kết quả tương phản nhau. Những thuận lợi từ tiêm bắp vẫn có ý nghĩa điều trị tốt hơn.
Điều trị nội khoa thai ngoài tử cung đòi hỏi sự chấp nhận của bệnh nhân, thầy thuốc cần phải nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tái khám, theo dõi định kỳ, có những thông tin đầy đủ của bệnh nhân gồm địa chỉ, số điện thoại ở nhà và ở cơ quan. Cần thu thập những thông tin của bệnh nhân từ điện thoại hoặc thư điện tử, bởi vì đó là những bằng chứng y học hợp pháp.

Hội chứng buồng trứng đa nang

Hội chứng buồng trứng đa nang

     Khái niệm: Hội chứng buồng trứng đa nang - HCBTĐN (PCOS-Pcoly Cystic Ovary Syndrome) là bệnh gây ra do tình trạng rối loạn nội tiết và là một trong những nguyên nhân thường gặp gây vô sinh do không rụng trứng hay rối loạn phóng noãn. HCBTĐN cho hình ảnh siêu âm buồng trứng có nhiều nang nhỏ, không phát triển được, dẫn đến vô sinh.
Hội chứng buồng trứng đa nang chiếm tỷ lệ khoảng 16-22% số phụ nữ nói chung, có nghĩa là cứ 5 người thì có 1 có dấu hiệu của căn bệnh này.

Những dấu hiệu của bệnh:
    - Béo phì (30-50% phụ nữ BTĐN bị béo phì) Người ta nhận thấy rằng cân nặng đóng vai trò rất quan trọng trong thúc đẩy các triệu chứng BTĐN. Kiểm soát cân nặng có thể giúp cải thiện tiên lượng của Hội chứng BTĐN.

    - Mụn trứng cá

    - Rậm lông (lông phát triển giống như nam giới - mọc ria mép, lông mày rậm, lông chân, lông bụng nhiều).

    - Rối loạn kinh nguyệt (thường là thưa và kéo dài, máu kinh thất thường, ít). Những phụ nữ có chu kỳ kinh dưới 25 ngày hoặc trên 35 ngày sẽ có nhiều nguy cơ không phóng noãn; khoảng 3/4 trường hợp không phóng noãn liên quan đến hội chứng buồng trứng đa nang. Sau 2-3 năm kể từ lần hành kinh đầu tiên, nếu kinh nguyệt vẫn không đều, cần nghĩ nhiều đến hội chứng này.
 Ảnh hưởng của HCBTĐN đến việc có thai

    - 17% trường hợp vẫn có thể có thai tự nhiên (dù không điều trị gì)

    - Số còn lại phải có sự can thiệp của các biện pháp hỗ trợ sinh sản (IUI, IVF,…)
Bệnh được phát hiện càng muộn, việc điều trị càng khó khăn và ít hiệu quả.
 Phương pháp điều trị:

    Đây là một nguyên nhân phổ biến nhất của vô sinh do không rụng trứng và là một hội chứng phức tạp, cơ chế bệnh sinh và nguyên nhân chưa được hiểu rõ nên đến nay vẫn chưa có một phương pháp điều trị tối ưu.
   
    Những phụ nữ từng mắc hội chứng BTĐN rất dễ bị sẩy thai. Vì vậy, khi đã có thai, họ cần được hỗ trợ bằng nội tiết tố nhau thai và theo dõi của bác sĩ.

Một số yếu tố có khả năng ảnh hưởng đến quá trình sinh tinh trùng

Một số yếu tố có khả năng ảnh hưởng đến quá trình sinh tinh trùng

     1. Rượu: Nghiện rượu nặng có thể làm giảm cả số lượng và chất lượng tinh trùng. Các nhà khoa học thuộc Trung tâm Sinh sản Aberdeen (Scotland) sau khi nghiên cứu trên 16.000 mẫu tinh dịch của 7.500 đàn ông trong vòng 13 năm, đã đưa ra cảnh báo chính thức về tác hại rõ rệt của rượu và thuốc lá lên chất lượng tinh trùng. Do đó, hãy hạn chế rượu ở mức cho phép. Ví dụ: Với bia là khoảng 330ml thì chấp nhận được (tương đương 1 lon), rượu vang: 125ml, rượu mạnh (gin, vodka, whiskey) 40ml...
2. Thuốc lá
Khói thuốc lá chứa rất nhiều chất độc gồm có: nicotin, CO2, các chất thơm thuộc nhóm benzen...có khả năng làm giảm số lượng và độ di động của tinh trùng. Nicotin trong khói thuốc gây hại không chỉ với nam giới mà cả ở nữ giới việc tiếp xúc với nicotin có thể gây co thắt ống dẫn trứng làm tăng nguy cơ chửa ngoài tử cung.
Thử nghiệm trên động vật cho thấy nicotin và các chất thơm gốc benzen có thể làm tinh trùng dị dạng hay teo tinh hoàn. Ở người, thuốc lá có thể gây ra các bất thường di truyền tinh trùng và ảnh hưởng lên các cháu bé sinh ra.
3. Căng thẳng về thể chất và tinh thần
Hầu hết những căng thẳng về thể chất và tinh thần quá mức đều có thể làm giảm số lượng tinh trùng: stress về tình cảm, làm việc vất vả hay chơi thể thao quá sức.
4. Mặc quần áo bó sát người
Mặc quần Jean, quần lót quá chật hoặc quần lót bằng chất liệu nylon có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển cơ quan sinh dục do gây ra sự tăng nhiệt độ ở da bìu và gây những chấn thương do đè ép. Tình trạng tăng nhiệt độ tương tự cũng diễn ra ở những người phải ngồi nhiều một chỗ như tài xế, phi công, nhân viên văn phòng…Ngoài ra, những người làm việc trong các ngành nghề phải thường xuyên tiếp xúc với nhiệt độ cao thường có chất lượng tinh trùng suy giảm như: thợ rèn, thợ hàn, thợ luyện kim, đầu bếp...
5. Bức xạ, sóng điện thoại di động
Theo kết quả nghiên cứu khoa học mới nhất của các chuyên gia Hungari, sóng điện thoại di động có thể hủy hoại tinh trùng của nam giới. Người cho ĐTDĐ vào túi quần và đeo ở thắt lưng thường xuyên sẽ bị giảm chất lượng tinh trùng.
Sử dụng máy tính xách tay đặt lên đùi cũng làm giảm chất lượng tinh trùng. Nguyên nhân có thể do nhiệt độ cao và từ trường do máy phát ra ảnh hưởng đến hiện tượng sinh tinh.
Các tế bào sinh tinh trùng rất nhạy cảm với vùng phóng xạ. Xạ trị, tia X, các dạng phóng xạ khác ảnh hưởng nhiều đến quá trình sản xuất tinh trùng.
6. Tắm nước nóng
Nếu đi tắm hơi, nhiệt độ trong phòng tắm lên tới 70- 80oC, so với phòng tắm bình thường nhiệt độ cao hơn 2 lần. Đó là điều hết sức bất lợi cho tinh trùng. Các chuyên gia cảnh báo, dù tắm nóng hay tắm hơi, nhiệt độ khoảng 34 độ C là thích hợp nhất.
7. Đi xe đạp
Khi đi xe đạp, nhất là xe đạp thể thao tinh hoàn bị đè vào giữa yên xe và vùng đáy chậu gây nên tình trạng chèn ép, thiếu máu nuôi. Ngoài ra, tinh hoàn thường xuyên bị sức nén và cọ sát nên thường xuyên bị sung huyết, nhiệt độ vùng bìu cũng ở mức cao.
8. Các loại thuốc
Tiền căn dùng thuốc: Một số thuốc chữa bệnh có thể gây tổn hại tạm thời hay vĩnh viễn quá trình sinh tinh như hóa trị ung thư, hóc-môn, cimetidin, sulphasalazine, spironolactone, các thuốc huyết áp
9. Hóa chất,  thuốc trừ sâu và kim loại nặng
Một số chất ô nhiễm được ghi nhận có ảnh hưởng rõ rệt lên chất lượng tinh trùng bao gồm: Các gốc oxy tự do, các hóa chất diệt côn trùng, diệt cỏ (DDT, aldrin, dieldrin, PCPs, dioxin, furan...), một số hydrocarbon (ethylbenzene, benzene, toluen, xylen...), một số chất bảo quản, hóa chất có trong vật liệu xây dựng, nội thất... Ngoài ra, tiếp xúc trong thời gian dài với kim loại nặng như chì, cadmium, arsenic làm giảm số lượng tinh trùng.

Thiếu canxi gây suy giảm sức khỏe bà bầu

Thiếu canxi gây suy giảm sức khỏe bà bầu

     Chế độ ăn uống không hợp lý, thiếu vi dưỡng chất quan trọng như canxi, a xít folic và chất sắt là một trong những nguyên nhân làm suy giảm sức khỏe của bà mẹ.
   Điều này khiến thai khi không phát triển toàn vẹn hệ xương, gây khuyết tật ống thần kinh thậm chí hiện tượng sinh non, thai chết lưu… Can-xi ngoài tác dụng tăng cường dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của khung xương, lợi cho hệ thần kinh còn giúp ngăn ngừa hiện tượng tắc nghẽn mạch máu.
   Bên cạnh đó, vi chất sắt cũng là thành tố quan trọng tham gia vào quá trình tạo máu. Đây là thành phần của huyết sắc tố (có trong hồng cầu) và nhiều men khác trong cơ thể. Sắt tham gia vận chuyển oxy cùng chất dinh dưỡng tới tất cả tế bào của mọi cơ quan, bộ phận. Khi mang thai, các bà mẹ cần được bổ sung chất sắt để nuôi dưỡng thai nhi và rau thai, ngăn ngừa và loại bỏ nguy cơ sinh non và tử vong khi sinh do thiếu sắt.
Cùng với 2 dưỡng chất trên, axit folic cũng được coi là một trong những vi chất quan trọng trong quá trình cấu tạo và phát triển hệ thần kinh của thai nhi. Trong thời kỳ mang thai, nhu cầu axit folic của thai phụ có thể tăng tới 800 mcg một ngày.
   Để chuẩn bị cho việc mang thai, bạn cần nuôi dưỡng sức khỏe. Khi bắt đầu mang thai, thai phụ cần những dưỡng chất phù hợp như các vitamin và ba vi dưỡng chất quan trọng: can-xi, chất sắt, axit folic. Điều này giúp ngăn ngừa những rủi ro cho sức khỏe bà mẹ, hỗ trợ thai nhi phát triển toàn diện.
   Từ những tháng đầu trong thai kỳ, bà mẹ cần ăn, uống các chất giàu dinh dưỡng và dễ tiêu hóa, kiêng chất kích thích, thuốc lá, rượu hay ăn uống thiên lệch. Theo các bác sĩ sản khoa và chuyên gia dinh dưỡng, thai phụ nên chú trọng bổ sung dưỡng chất thông qua việc uống sữa dành riêng cho bà mẹ mang thai hàng ngày. Sau khi thụ thai, sự sinh trưởng phát triển của thai nhi nhờ vào tinh huyết từ tạng phủ của người mẹ để nuôi dưỡng nên công năng khí huyết của tạng phủ người mẹ ảnh hưởng trực tiếp tới sự sinh trưởng, phát triển của thai nhi.

Bảo Vệ Sinh dục Nữ

Sức khỏe và vệ sinh sinh dục nữ
Thời gian 01/07/2011 06:11 Tác giả levi Duyệt 1615
Print Pdf Email RSS

Âm đạo
là một môi trường phức tạp của các vi khuẩn lành mạnh, nhiệt độ và độ ẩm. Khi một trong các yếu tố trên thay đổi, cân bằng tự nhiên của cơ thể bị ảnh hưởng và sự viêm nhiễm đường sinh dục có thể xảy ra. Điều này có thể liên quan đến hoạt động tình dục nhưng cũng do nhiều các nguyên nhân khác ...





Âm đạo là một môi trường phức tạp của các vi khuẩn lành mạnh, nhiệt độ và độ ẩm. Khi một trong các yếu tố trên thay đổi, cân bằng tự nhiên của cơ thể bị ảnh hưởng và sự viêm nhiễm đường sinh dục có thể xảy ra. Điều này có thể liên quan đến hoạt động tình dục nhưng cũng do nhiều các nguyên nhân khác. Vệ sinh hằng ngày thực sự quan trọng trong phòng ngừa các bệnh viêm nhiễm, nên nhớ không được rửa âm hộ quá nhiều vì điều này có thể làm mất đi các vi khuẩn có lợi ở vùng này.
Một số người có cơ địa dễ bị viêm nhiễm hơn những người khác. Viêm nhiễm do vi khuẩn là dạng thường gặp và thông thường dễ điều trị, nếu không điều trị sẽ dẫn đến tình trạng bệnh nghiêm trọng, đặc biệt nếu bạn đang mang thai. Vì vậy cần hiểu rõ và chăm sóc tốt cho cơ thể của mình.
1.      Viêm nhiễm do nấm do sự phát triển quá mức của một loại nấm có tên là candida - đây là loại nấm sinh sống tự nhiên trên cơ thể chúng ta. Triệu chứng bao gồm sự ngứa rát âm hộ (phía ngoài âm đạo), và tiết dịch âm đạo không mùi, vón cục. Không phải tất cả phụ nữ đều có triệu chứng chính xác như vậy, vì vậy khi nghi ngờ: hãy hỏi bác sĩ.
Nên mặc quần lót “có thể thở được” (100% cotton) và sử dụng xà phòng có chất tẩy nhẹ (tránh các loại xà phòng có nước hoa và có màu, chúng có thể làm rát âm đạo) để rửa bên ngoài âm đạo. Không cần thiết rửa bên trong âm đạo vì chất thụt rửa có thể làm tăng nguy cơ viêm nhiễm. Thuốc kháng sinh có thể tạo ra sự mất cân bằng trong môi trường âm đạo của người phụ nữ. Phụ nữ mang thai rất dễ bị viêm nhiễm do nấm.
Bạn có thể chữa trị viêm nhiễm do nấm với kem thoa hoặc thuốc viên theo đơn thuốc. Tuy nhiên, sẽ tốt hơn nếu bạn đi khám bác sĩ trước. Nếu bạn có sinh hoạt tình dục, không nên sinh hoạt tình dục cho đến khi viêm nhiễm được chữa khỏi hoàn toàn, vì bạn tình của bạn có thể mắc phải viêm nhiễm và lây nhiễm lại cho bạn. Viêm nhiễm do nấm là rất thông thường nhưng không thường lây qua đường tình dục.
2.     Nhiễm khuẩn âm đạo do sự phát triển quá mức của vi khuẩn sống tự nhiên trong âm đạo. Nhiễm khuẩn âm đạo có thể gây tiết dịch âm đạo màu xám có mùi tanh. Nguy cơ nhiễm khuẩn âm đạo tăng khi: thụt rửa, hút thuốc, hoặc nhiều yếu tố khác (phụ nữ có thể bị nhiễm khuẩn âm đạo mặc dù không có tiếp xúc tình dục). Nhiễm khuẩn âm đạo được chữa khỏi bằng thuốc kháng sinh, dạng viên hoặc dạng gel. Nếu bạn có hoạt động tình dục, không quan hệ tình dục cho đến khi sự viêm nhiễm được chữa khỏi hoàn toàn và bạn phải hoàn tất chương trình điều trị của bạn.
3.      Nhiễm trùng đường tiểu là một tình trạng phổ biến gây ra bởi vi khuẩn trong niệu đạo (nơi nước tiểu thải ra khỏi cơ thể), và đặc trưng bởi triệu chứng thường xuyên mắc tiểu và nóng rát khi đi tiểu. Phụ nữ có nguy cơ bị nhiễm trùng đường tiểu cao hơn các đối tượng khác, và trong 5 phụ nữ thì có 1 người bị nhiễm.
Để tốt cho sức khỏe nên đi tiểu trước và sau khi giao hợp, dòng chảy của nước tiểu có thể giúp làm sạch các vi khuẩn có thể đã tích tụ lại trong niệu đạo.
Sau khi đi vệ sinh, bạn lau từ trước ra sau (lau sạch từ niệu đạo) để tránh mang vi khuẩn từ hậu môn về phía niệu đạo.
Nhiễm trùng đường tiểu có thể chữa trị bằng kháng sinh. Uống nước nhiều cũng giúp trong việc chữa trị. Tình trạng tái phát là phổ biến. Nếu không điều trị, nhiễm trùng đường tiểu sẽ chuyển sang tình trạng nặng hơn nếu nó lây sang bàng quang và thận, vì vậy cần phải điều trị ngay!
Hằng ngày
·         Mặc quần lót vải cotton và mặc quần áo khô. Không mặc quần áo quá chật và đừng bao giờ chia sẻ quần lót hoặc đồ tắm với người khác.
·         Thay đồ tắm hoặc đồ tập thể dục ra càng sớm càng tốt.
·         Rửa bên ngoài âm đạo bằng xà phòng có chất tẩy nhẹ.
·         Không sử dụng chất thụt rửa
* Chất thụt rửa là bất cứ loại chất lỏng nào người phụ nữ sử dụng để xịt thẳng vào bên trong âm đạo để “làm sạch” bên trong. Thật ra, thụt rửa như vậy là không tốt vì nó làm mất đi sự cân bằng mong manh của các vi khuẩn lành mạnh sống bên trong âm đạo và có thể đẩy các vi khuẩn có hại vào sâu bên trong cơ thể của người phụ nữ. Chất thụt rửa cũng có thể làm khô và kích thích sự nhạy cảm của thành âm đạo, làm tăng nguy cơ trầy xước (vết cắt và vết trầy xước) và viêm nhiễm. Ngoài ra, thụt rửa hậu môn được khuyến cáo không nên sử dụng cho phụ nữ hoặc nam giới.
·      Tránh sử dụng thuốc xịt vệ sinh, thuốc đạn, băng vệ sinh/tăm bông có mùi thơm hoặc có màu, xà bông tắm tạo bọt hoặc giấy toilet có chứa nước hoa.
·         Ăn một chế độ ăn cân bằng và tránh ăn đường quá nhiều để có sức khỏe tốt nhất và sự dễ chịu âm đạo.
·       Kiêng sinh hoạt tình dục cho đến khi viêm nhiễm được chữa khỏi hoàn toàn để tránh lây nhiễm lại cho chính mình.
Hãy nhớ …
Tiết dịch bất thường, ngứa rát, đau nhức và mùi hôi ở âm đạo có thể do một số nguyên nhân như nhiễm lậu, Chlamydia, Trichomoniasis, nhiễm khuẩn, nhiễm nấm, nhiễm trùng âm đạo và các nhiễm trùng khác. Vì vậy điều quan trọng là phải được kiểm tra bởi bác sĩ để đảm bảo có một phác đồ điều trị đúng.
Âm đạo tự làm sạch và bôi trơn hằng ngày bằng cách tiết ra một lượng nhỏ chất dịch gọi là huyết trắng sinh lý. Chất dịch này giữ cho âm đạo khỏe mạnh và sạch sẽ.
Huyết trắng sinh lý có màu trong suốt hoặc màu hơi trắng và có mùi thơm nhẹ. Nếu huyết trắng của bạn bị đổi màu hoặc có mùi khác thường, điều này cho biết đang có tình trạng viêm nhiễm. Khi nghi ngờ bạn nên đi khám bác sĩ để được điều trị thích hợp.

Nhiễm HIV ở Các Nước Đang Phát triển

Ở nước đang phát triển, nữ hành nghề mại dâm có khả năng nhiễm HIV gấp 14 lần

  



Nữ hành nghề mại dâm trong các nước có thu nhập thấp và trung bình có khả năng nhiễm HIV gấp 14 lần so với dân số ở các nước còn lại, theo một phân tích bởi các nhà nghiên cứu tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg. Phát hiện này gợi ý một nhu cầu bức thiết cần tăng cường chất lượng tiếp cận với các chương trình phòng ngừa HIV có chất lượng tại các quốc gia này. Nghiên cứu này được đăng tải trên tạp chí The Lancet Infectious Diseases.







 


Chủ nhiệm nhóm nghiên cứu đã phát biều “Dù ta đã biết từ lâu là nữ hành nghề mại dâm là nhóm dân số bị ảnh hưởng chính, tuy nhiên phạm vi và mức độ nguy cơ nhiễm HIV của nhóm này vẫn chưa được minh chứng rõ ràng. Do đó bên cạnh áp dụng liệu pháp điều trị kháng vi rút.và các chương trình phòng ngừa hiện tại cho các đối tượng hành nghề mại dâm, cần xem xét đến các chính sách và luật pháp dành cho mại dâm, cũng như vai trò rất quan trọng của việc đối xử phân biệt, kì thị và xâm hại nhóm nữ mại dâm một cách toàn cầu để giảm thiểu gánh nặng bệnh tật quá lớn trên những phụ nữ này.”
 
Trong nghiên cứu này, Johns Hopkins đã tiến hành một phân tích gộp  (meta-analysis) trên 102 nghiên cứu được công bố trước đây đại diện cho gần 100.000 nữ mại dâm trong 50 quốc gia. Tý lệ hiện mắc HIV ở nữ mại dâm tại các nước có thu nhập thấp và trung bình ở khoảng 12%, tương ứng với gia tăng tỷ lệ nhiễm 14 lần so với nữ mại dâm ở các nước còn lại. Trong 26 nước có mức độ nền HIV được xếp loại là trung bình và cao, gần 31% nữ mại dâm được phát hiện nhiễm HIV và tỷ lệ này gấp 12 lần so với dân số chung. Nữ mại dâm ở châu Á tăng 29% tỷ lệ nhiễm so với các vùng khác, đây là sự khác biệt lớn nhất trong các nghiên cứu trên phạm vi khu vực. Nữ mại dâm ở châu Phi và Mỹ Latinh tăng 12% tỷ lệ nhiễm so với những phụ nữ khác trong những vùng này.
 
Phân tích này tiến hành trong một dự án lớn mang tên "Dịch HIV toàn cầu ở nhóm nữ mại dâm: Dịch tễ học, phòng ngừa, tiếp cận chăm sóc, chi phí và quyền con người" chỉ đạo bởi các nhà nghiên cứu của Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins. Một dự án lớn hơn đang đánh giá không chỉ về dịch tễ học nhiễm HIV ở nữ mại dâm trong các nước có thu nhập thấp và trung bình mà còn đưa ra tình trạng các can thiệp phòng ngừa và hoàn cảnh xã hội chung quanh nghề mại dâm trong những điều kiện khác nhau và sử dụng các mô hình toán học và phân tích chi phi-hiệu quả để đánh giá các tác động tiềm tàng và các nuồn lực cần thiết để tăng cường hiểu biết về phòng ngừa, điều trị và các dịch vụ chăm sóc cho người hành nghề mại dâm.

Nghiên cứu được tài trợ bởi Ngân hàng Thế giới và Quỹ Dân số Liên hiệp quốc.
Liên hệ tác giả: Tim Parsons, vietphapclinic@yahoo.com

Bệnh nan y của ngành y

Bệnh nan y của ngành y
Ngày gửi: Thứ tư, 20:34, 28/3/2012
Một tờ báo đã so sánh số người tử vong vì lao “bằng tai nạn giao thông và HIV/AIDS cộng lại”. Trong khi đó, nếu không có một chính sách đúng và kịp thời, bác sĩ lao ở Việt Nam, nói không ngoa - chẳng mấy mà “tiệt chủng”.

Y học cổ truyền liệt lao, cùng với phong, cổ (cổ trướng), lại (ung thư) là "tứ chứng nan y". Nhưng dù là bệnh gây tử vong hàng đầu trong các bệnh truyền nhiễm, bệnh lao đã có thuốc chữa trị từ lâu và bệnh này có thể chữa khỏi hẳn...
Ấy vậy mà ngày 26.3, khi Bộ trưởng Bộ Y tế đăng đàn trả lời chất vấn, một con số kinh hoàng liên quan đến căn bệnh này đã được đưa ra: 30.000 người chết mỗi năm. Bình quân 82 người chết mỗi ngày. 
Ở Việt Nam, theo điều tra dịch tễ từ cách đây 5 năm, tỷ lệ người mắc lao phổi dương tính cao gấp 1,6 lần so với ước tính 90/100.000 dân của Tổ chức Y tế thế giới. Việt Nam cũng có tên trong cả 2 danh sách các nước có gánh nặng bệnh lao và gánh nặng lao đa kháng thuốc. Ấy vậy mà Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ duy nhất một lần nhắc đến chữ "lao". Nhưng đó là lời kêu khó về tình trạng khan hiếm nhân lực điều trị bệnh lao, mà không giải thích nguyên nhân.
Còn nhớ năm ngoái, PGS-TS Đinh Ngọc Sỹ - Chủ nhiệm Chương trình Phòng chống lao quốc gia chua chát nói: "Cán bộ làm công tác chống lao đang "già đi" do không có người thay thế trong khi bệnh lao lại đang "trẻ lại". Tỷ lệ bác sĩ lao chỉ 1,58/100.000 dân, có lẽ còn ít hơn cả tỷ lệ bác sĩ pháp y. Và sự thiếu hụt này được ông Sỹ đánh giá "chính là nguyên nhân sâu xa của việc chỉ có khoảng một nửa số bệnh nhân lao ở Việt Nam được phát hiện".
Sự khan hiếm nhân lực trong ngành lao thực ra đã được kêu ca từ gần chục năm trước. Nhưng trong từng đó năm, ngành y tế đã làm gì, ngoài chuyện kêu ca? Tại nghị trường, Bộ trưởng Bộ Y tế mười mấy lần nhắc đến hai chữ "kinh phí", đã liệt kê ra vô số những nhóm giải pháp với giải pháp. Nhưng quanh đi quẩn lại toàn chỉ thấy chuyện cần "tiền" - hoặc trực tiếp từ các khoản thu "bổ đầu bệnh nhân" (viện phí), hoặc gián tiếp qua ngân sách - thực ra cũng là thuế do người dân đóng góp.
Theo Bộ Y tế, riêng chuyên khoa lao, chỉ có 1,5 bác sĩ/100.000 dân, với một số lượng "đếm trên đầu ngón tay", trong tình trạng "cứ 10 người dân có 4 người nhiễm lao". Nếu không có một chính sách đúng, và kịp thời, bác sĩ lao ở Việt Nam, nói không ngoa- chẳng mấy mà “tiệt chủng”. Khi đó, những từ ngữ như "quốc nạn" hay "sóng thần" cũng không đủ để mô tả thảm họa do căn bệnh- 4 thập kỷ qua đã không còn là một trong "tứ chứng nan y"- gây ra.

Thắt dạ dày giảm béo, nhiều người giảm 30-40kg

Thắt dạ dày giảm béo, nhiều người giảm 30-40kg
Ngày gửi: Thứ sáu, 18:48, 20/4/2012
Tỷ lệ người béo phì ở Việt Nam ngày càng tăng cao, kể cả ở thành thị và nông thôn. Trái với suy nghĩ của nhiều người, béo phì là bệnh cần phải điều trị chứ không chỉ giảm ăn.

Béo phì là bệnh
Theo Tổng điều tra dinh dưỡng 2009 - 2010 của Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam, tình trạng béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi lại cao hơn 6 lần so với năm 2000, chênh lệch giữa nông thôn và thành phố không nhiều (nông thôn 4,2%, thành phố 6,5%). Nhóm thừa cân béo phì ở người trưởng thành cũng tăng nhanh, đặc biệt ở nhóm 50-60 tuổi. Tỷ lệ thừa cân béo phì chung ở người 20 tuổi trở lên là 5,6%.

Một ca phẫu thuật tạo hình dạ dày ở Bệnh viện Việt Đức.
Một nghiên cứu của Bệnh viện (BV) Việt Đức (Hà Nội) cũng cho thấy, người béo phì đang ngày càng “trẻ hóa” với gần 91% người béo phì ở độ tuổi dưới 50. Béo phì gây ra nhiều nguy cơ bệnh tật như cao huyết áp, mỡ trong máu, suy tim, viêm xương khớp…
Anh Trần Hoàng M (Hà Nội), 25 tuổi, bị béo phì từ nhỏ. Hiện nay anh cao 1m70, nặng 120kg. Anh mắc nhiều chứng bệnh kèm theo béo phì như huyết áp cao, mỡ trong máu, vận động mạnh là khó thở, mệt mỏi, vì thế mọi sinh hoạt đều khó khăn, bất tiện. Anh M cho biết, nhiều năm trước, anh đã thực hiện nhiều chế độ ăn kiêng, luyện tập đến mức kiệt sức nhưng cân nặng không giảm được là bao.
Theo bác sĩ Bùi Thanh Phúc – khoa Phẫu thuật tiêu hóa (BV Việt Đức): “Hiện nay nhiều người vẫn cho rằng, béo phì là do lối sống, nhưng thực chất, béo phì là một bệnh, cần phải được điều trị chứ không chỉ đơn giản là giảm ăn và tập thể dục”.
Hiện nay, BV Việt Đức đang có phương pháp mới để chữa bệnh béo phì, đó là phẫu thuật tạo hình dạ dày. Kỹ thuật này đã tiến hành 1 năm với 10 bệnh nhân và đã cho kết quả tốt.
Khâu nhỏ “túi thức ăn”
PGS - TS Trần Bình Giang - Phó Giám đốc BV Việt Đức, Trưởng khoa Phẫu thuật tiêu hóa cho biết, từ năm 2007, BV đã tiến hành phương pháp thắt đai dạ dày giảm béo cho hơn 100 ca, đa số bệnh nhân ở Hà Nội (30%) và TP. HCM (hơn 50%), người già nhất khoảng 60 tuổi, trẻ nhất 18 tuổi. Kết quả giảm béo rất thành công, nhiều người đã giảm được 30-40kg.
Tuy nhiên, phương pháp này có nhược điểm là cứ 1-2 tháng, bệnh nhân lại phải quay lại bệnh viện để kiểm tra và nếu cần thì điều chỉnh lại đai. Vì thế, nhiều bệnh nhân ngại, khiến cho hiệu quả giảm béo bị giảm. Còn phương pháp tạo hình dạ dày (cắt bớt và khâu nhỏ dạ dày) có thời hạn bảo hành lâu dài, thậm chí vĩnh viễn nếu người bệnh đảm bảo chế độ ăn hợp lý.
“Sau khi phẫu thuật tạo hình dạ dày, người bệnh không nên chủ quan ăn nhiều khiến dạ dày dần dần phình to, tái nguy cơ béo phì”.
Sau 1 năm phẫu thuật, hiện nay cân nặng của anh Trần Hoàng M đã giảm gần 40kg. Anh cho biết, anh tuân thủ đúng chế độ ăn, luyện tập nhẹ. Tháng đầu anh giảm được 10kg, sau đó tốc độ giảm cân chậm dần, hiện tại cân nặng tương đối ổn định. Một trường hợp khác là em Đào Thanh B (TP.Hồ Chí Minh, 20 tuổi). Em từng cao 1m75, nặng 120kg nhưng sau 6 tháng phẫu thuật tạo hình dạ dày cũng giảm được 20kg.
Theo PGS-TS Trần Bình Giang: “Phẫu thuật tạo hình dạ dày đạt hiệu quả cao, chỉ định với các trường hợp trên 18 tuổi và đã dùng nhiều biện pháp giảm cân không hiệu quả”. Giá thành của ca phẫu thuật cũng dao động từ 6-7 triệu đồng, bệnh nhân chỉ cần nằm viện từ 3-5 ngày, sau đó tuân thủ nghiêm ngặt chế độ ăn như ăn ít, ăn thức ăn loãng vào thời gian đầu sau mổ.
Bác sĩ Phúc cho biết, sau khi điều trị béo phì, các triệu chứng như cao huyết áp, tiểu đường, viêm khớp, suy hô hấp đều biến mất. Vui hơn nữa, 2 trường hợp phụ nữ béo phì bị vô sinh, sau khi giảm béo thành công đã có thai.
Theo danviet
(Bạn có thể gửi những trao đổi, thắc mắc về bài viết này hoặc chia sẻ tâm sự với Viet Phap  tại địa chỉ vietphapclinic@.com)     
 
 

Hà Nội: Uống thuốc cam, bé 8 tháng tuổi tử vong

Hà Nội: Uống thuốc cam, bé 8 tháng tuổi tử vong
Ngày gửi: Thứ sáu, 18:03, 20/4/2012


Một bé gái không qua khỏi sau khi được chuyển vào BV Nhi TƯ cấp cứu với trạng thái co giật, hôn mê. Trước đó, bé gái này đã được gia đình cho gia đình sử dụng thuốc cam lâu ngày.




Ngày 19.4, BV Nhi TƯ cho biết, một bé gái 8 tháng tuổi ở Hà Nội vừa tử vong tại viện do bị ngộ độc chì có trong thuốc cam.
Bệnh nhi này là cháu Nguyễn Thị Ngọc H. (8 tháng tuổi, ở Hà Nội) và đã sử dụng thuốc cam lâu ngày. Khi bệnh nhi này được chuyển tới BV Nhi TƯ đã ở trong trạng thái co giật, hôn mê và được điều trị cấp cứu. Sau gần 1 ngày dù được các BS nỗ lực cấp cứu, hồi sức nhưng bé vẫn không qua khỏi.

Từ đầu năm đến nay đã có hơn 130 trẻ bị ngộ độc chì do dùng thuốc cam, hàm lượng chì rất cao. Ảnh Vietnamnet
Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhi bị ngộ độc chì rất nặng, với hàm lượng chì trong máu lên tới hơn 200microgam/ 100ml, tức là gấp 10 lần hàm lượng cho phép.
TS Cao Huy Hùng, Trưởng khoa Thần kinh, BV Nhi TƯ cho biết, hiện nay, bệnh nhi ngộ độc chì đến khoa khám đã giảm hơn do qua thông tin đại chúng, cha mẹ các bé biết và đến thẳng BV Bạch Mai khám. Còn các trường hợp được phát hiện ngộ độc chì tại viện đều kịp thời chuyển sang Trung tâm chống độc Bạch Mai điều trị.
Theo Dân trí

Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2012

KHUNG CHẬU SẢN KHOA

KHUNG CHẬU SẢN KHOA
1. ĐẠI CƯƠNG
Trong cuộc đẻ, thai nhi từ tử cung ra ngoài phải đi qua một ống hình trụ cong gồm các tổ chức xơ, cơ và xương. Phần xương cấu tạo nên ống đó là xương chậu và xương cùng cụt.
Người ta ví các hiện tượng trong khi đẻ như hiện tượng một viên đạn đi qua nòng súng, trong đó nòng súng là khung chậu và phần mềm, viên đạn là thai nhi và các phần phụ của thai, động lực đẩy là cơn co tử cung.
Vì vậy, khung chậu có vai trò rất quan trọng, là bộ phận có liên quan nhiều nhất đến cơ chế đẻ, chúng ta cần nghiên cứu và đánh giá kỹ để tiên lượng cuộc đẻ.
2. CẤU TẠO CHUNG CỦA KHUNG CHẬU
* Khung chậu được cấu tạo bởi 4 xương: phía trước và 2 bên là hai xương chậu, phía sau có xương cùng ở trên và xương cụt ở dưới.
- Hai xương chậu là 2 xương dẹt, to, hình cánh quạt.
- Xương cùng gồm 5 đốt, có 2 mặt (mặt trước lõm, mặt sau lồi) và 2 bờ bên; đỉnh xương cùng tiếp giáp với xương cụt. Mặt trước của bờ trên đốt cùng một lồi hẳn ra trước gọi là mỏm nhô, là mốc quan trọng trong đánh giá khung chậu.
- Xương cụt có từ 4-6 đốt, cũng gồm một mặt trước, một mặt sau và 2 bờ. Đỉnh xương cụt là mốc quan trọng trong đánh giá eo dưới.
* Bốn xương của khung chậu khớp với nhau bởi 4 khớp bán động: khớp mu ở phía trước, 2 khớp cùng-chậu ở 2 bên phía sau và khớp cùng cụt ở phía sau. Các khớp này có khả năng giãn nở được trong khi chuyển dạ, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu thai đi qua khung chậu. Sự giãn nở này sẽ giảm đi đối với con so mẹ lớn tuổi, hoặc thai phụ ít vận động khi mang thai.
* Mặt trong xương chậu có đường vô danh chia khung chậu làm 2 phần: phần trên là khung chậu to (đại khung) và phần dưới là khung chậu nhỏ (tiểu khung).
3. ĐẠI KHUNG
3.1. Cấu tạo
- Phía sau: mặt trước cột sống thắt lưng.
- Hai bên là 2 cánh chậu.
- Phía trước là thành bụng trước.
3.2. Vai trò
Đại khung chỉ có tác dụng nâng đỡ tử cung khi có thai, không có vai trò quan trọng trong chuyển dạ. Tuy vậy, nếu đại khung nhỏ nhiều thì cũng ảnh hưởng đến tiểu khung. Để đánh giá đại khung, người ta cần đo các đường kính ngoài của khung chậu và trám Michaelis.
3.3. Các đường kính của đại khung (với người Việt nam)
Trên lâm sàng, người ta đo các đường kính của đại khung bằng compa Baudelocque. Các đường kính của đại khung gồm:
- Đường kính trước sau hay đường kính Baudelocque đo từ bờ trên khớp vệ đến mỏm gai L5: 17,5 cm.
- Đường kính lưỡng gai (nối liền 2 gai chậu trước trên): 22,5 cm.
- Đường kính lưỡng mào (nối 2 điểm xa nhất của mào chậu): 25,5 cm.
- Đường kính lưỡng mấu (nối 2 mấu chuyển của xương đùi): 27,5 cm.
3.4. Trám Michaelis
- Giới hạn:
+ Phía sau: mỏm gai đốt sống thắt lưng 5.
+ Hai bên: 2 gai chậu sau trên.
+ Ở dưới là đỉnh rãnh liên mông.
- Bình thường: trám Michaelis cân đối, 2 đường chéo cắt nhau chia đường chéo dọc thành 2 phần, phần trên 4 cm, phần dưới 7 cm; chia đường chéo ngang thành 2 phần bằng nhau, mỗi phần 5 cm.
- Khi khung chậu bị lệch hoặc méo, thì hình trám Michaelis sẽ mất cân đối.
4. TIỂU KHUNG
Tiểu khung là phần quan trọng nhất vì muốn đẻ được đường âm đạo thì các phần đầu, vai, lưng và mông thai nhi lần lượt phải chui qua tiểu khung để ra ngoài.
4.1. Cấu tạo
Tiểu khung có hình ống cong lõm về trước, với hai thành trước và sau không đều nhau: thành trước ngắn khoảng 4 cm tương ứng với mặt sau khớp mu, thành sau dài 12 -15 cm tương ứng với mặt trước xương cùng và xương cụt, hai thành bên là nửa dưới mặt trong 2 xương chậu ở dưới đường vô danh.
Tiểu khung có 3 chỗ hẹp gọi là 3 eo: eo trên là lỗ trên của ống, eo dưới là lỗ dưới của ống (lỗ ra của khung chậu), giữa eo trên và eo dưới là lòng tiểu khung với eo giữa.
4.2. Eo trên
* Giới hạn: phía sau là mỏm nhô của xương cùng, hai bên là đường vô danh của xương chậu, phía trước là bờ trên khớp vệ.
* Các đường kính của eo trên:
- Các đường kính trước – sau:
+ Đường kính nhô - thượng vệ: 11 cm, đi từ mỏm nhô tới trên khớp vệ.
+ Đường kính nhô - hạ vệ: 12 cm, đi từ mỏm nhô tới dưới khớp vệ.
+ Đường kính nhô - hậu vệ: 10,5 cm, đi từ mỏm nhô tới phía sau khớp vệ (còn gọi là đường kính hữu dụng vì đây là đường kính thật mà thai nhi phải đi qua).
Trên lâm sàng ta chỉ đo được đường kính nhô - hạ vệ, có thể tính đường kính nhô - hậu vệ bằng công thức sau:
Nhô - hậu vệ = nhô - hạ vệ – 1,5 cm (1,5 cm là độ dày của khớp vệ).
- Các đường kính ngang:
+ Đường kính ngang tối đa: 13 cm, là khoảng cách xa nhất giữa 2 đường vô danh, đường kính này không có giá trị về phương diện sản khoa vì quá gần với mỏm nhô nên ngôi thai không thể sử dụng đường kính này.
+ Đường kính ngang hữu dụng: 12,5 cm, đi ngang qua trung điểm của đường kính trước sau.
- Các đường kính chéo: rất quan trọng, là đường kính lọt của eo trên. Có 2 đường kính chéo:
+ Đường kính chéo trái: 12,5 cm, đi từ khớp cùng chậu phải ở phía sau tới mỏm chậu lược trái ở phía trước.
+ Đường kính chéo phải: 12 cm, đi từ khớp cùng chậu trái ở phía sau tới mỏm chậu lược phải ở phía trước.
4.3. Eo giữa
* Giới hạn: eo giữa là mặt phẳng tưởng tượng đi qua:
- Phía trước là điểm giữa mặt sau khớp vệ.
- Hai bên là 2 gai hông.
- Phía sau là liên đốt cùng 4 – 5.
* Các đường kính của eo giữa:
- Đường kính trước – sau: 11,5 cm.
- Đường kính ngang (lưỡng mỏm gai): 10,5 cm, là khoảng cách giữa 2 gai hông.
4.4. Eo dưới
* Giới hạn: eo dưới được hợp bởi 2 hình tam giác có chung đáy là đường liên ụ ngồi, đỉnh tam giác phía trước là bờ dưới khớp vệ, đỉnh tam giác phía sau là đỉnh xương cụt.
* Các đường kính của eo dưới:
- Đường kính trước sau: là đường kính đỉnh cụt – hạ mu, bình thường 9,5 cm, có thể tăng lên đến 11,5 cm khi đầu thai nhi xuống thấp đẩy xương cụt ra sau (bằng đường kính đỉnh cùng – hạ mu).
- Đường kính ngang: là đường kính lưỡng ụ ngồi, bình thường có giá trị là 11 cm.
5. XẾP LOẠI KHUNG CHẬU
- Khung chậu dạng nữ: thường gặp nhất ở phụ nữ, có các đặc điểm sau:
+ Hình bầu dục, đều đặn.
+ Đường kính ngang lớn hơn đường kính trước sau chút ít.
+ Khoảng cách từ trục giữa ra trước và sau gần bằng nhau.
+ Hai gai hông không nhọn.
- Khung chậu dạng nam: có thể gặp ở nữ, với các đặc điểm sau:
+ Hình trái tim, phần sau không tròn mà phẳng.
+ Mỏm nhô gồ về phía trước, bờ 2 bên nhô.
+ Hai gai hông nhọn.
- Khung chậu dẹt: loại khung chậu này có đường kính ngang lớn hơn so với đường kính trước sau, xương cùng ngắn và ngửa ra sau.
- Khung chậu hẹp ngang (dạng hầu): loại khung chậu này có đường kính ngang nhỏ hơn đường kính trước sau, xương cùng dài, mỏm nhô ngửa ra sau, hai gai hông nhọn.
6. CÁCH KHÁM KHUNG CHẬU
6.1. Khám đại khung
- Đo các đường kính của đại khung bằng thước đo Baudelocque.
- Đo hình trám Michaelis.
6.2. Khám tiểu khung
* Khám eo trên
- Đo đường kính trước sau (đường kính nhô - hậu vệ):
Sản phụ nằm tư thế phụ khoa. Người khám đưa 2 ngón trỏ và giữa vào âm đạo, đầu ngón giữa lần dọc theo mặt trước xương cùng đi dần lên trên để tìm mỏm nhô. Với khung chậu bình thường ta không thể sờ được mỏm nhô, nếu sờ được mỏm nhô là khung chậu hẹp, khi đó cần đo đường kính nhô - hậu vệ gián tiếp qua việc đo đường kính nhô - hạ vệ để đánh giá khung chậu hẹp tuyệt đối hay hẹp tương đối.
+ Cách đo đường kính nhô - hạ vệ: khi sờ được mỏm nhô, bàn tay trong âm đạo nâng dần lên cho đến khi bờ của ngón trỏ tiếp xúc với hạ vệ thì đánh dấu lấy điểm tiếp xúc đó, rút bàn tay khỏi âm đạo và dùng thước dây đo từ điểm đánh dấu đó đến đầu ngón giữa ta sẽ được đường kính nhô - hạ vệ, bình thường có trị số là 12 cm.
+ Đường kính nhô - hậu vệ = nhô hạ vệ – 1,5 cm (1,5 cm là độ dày của khớp vệ). Bình thường đường kính nhô - hậu vệ có trị số là 10,5 cm.
Nếu đường kính nhô - hậu vệ < 8,5 cm là khung chậu hẹp tuyệt đối, phải mổ lấy thai khi có dấu hiệu chuyển dạ nếu thai đủ tháng, trọng lượng thai bình thường.
Nếu đường kính nhô - hậu vệ từ 8,5 đến <10 cm là khung chậu hẹp tương đối (khung chậu giới hạn). Trường hợp này với ngôi chỏm, thai trung bình phải làm nghiệm pháp lọt ngôi chỏm, thành công thì đẻ đường âm đạo, thất bại thì mổ lấy thai. Còn nếu ngôi chỏm, thai to hoặc các ngôi bất thường khác đều phải mổ lấy thai.
- Đánh giá đường kính ngang của eo trên:
Đường kính ngang của eo trên chỉ đo được trên quang kích khung chậu. Tuy nhiên lâm sàng có thể khám gờ vô danh qua thăm âm đạo để đánh giá đường kính này. Bình thường chỉ sờ được 1/2 trước của gờ vô danh, nếu sờ được tới 1/2 sau gờ vô danh chứng tỏ đường kính ngang eo trên hẹp.
* Khám eo giữa:
- Đánh giá đường kính ngang eo giữa (đường kính lưỡng mỏm gai):
Khi thăm âm đạo, đưa 2 ngón trỏ và giữa về 2 bên để tìm gai hông, nếu gai hông nhọn, nhô vào bên trong thì đường kính ngang eo giữa bị giảm đi (bình thường 10,5 cm).
- Đánh giá đường kính trước – sau eo giữa: qua thăm âm đạo, sờ mặt trước xương cùng để đánh giá, nếu mặt trước xương cùng cong vừa phải là tốt thường chỉ sờ được 2 -3 đốt cùng cuối. Nếu xương cùng quá phẳng hoặc cong như móc câu cũng không tốt.
* Khám eo dưới:
- Đo đường kính ngang eo dưới (lưỡng ụ ngồi):
Sản phụ nằm tư thế phụ khoa. Người khám dùng 2 ngón tay cái tìm ụ ngồi 2 bên. Đo khoảng cách giữa 2 ngón tay cái, lấy khoảng cách này + 1,5 cm ta sẽ có đường kính lưỡng ụ ngồi (bình thường: 11 cm).
Có thể ước lượng đường kính ngang eo dưới bằng cách đặt nắm tay đè lên tầng sinh môn giữa 2 ụ ngồi, nếu nắm tay > 9 cm lọt giữa 2 ụ ngồi là bình thường.
- Đo góc vòm vệ: là góc hợp bởi giữa 2 ngành ngồi mu, bình thường góc này > 90 độ, hoặc áp sát được hai ngón tay khám vào góc vòm vệ được thì được coi là bình thường. Khi góc vòm vệ hẹp làm cho đường kính ngang của eo dưới hẹp, thai sẽ khó sổ.