Suy thai cấp khi chuyển dạ (đẻ)


Suy thai cấp tính là một tình trạng đe dọa tính mạng thai, sức khỏe thai và tương lai phát triển tinh thần, vận động của đứa trẻ sau này.
Suy thai cấp tính là hậu quả của rối loạn trao đổi khí giữa mẹ và con trong lúc chuyển dạ đẻ, làm cho thai bị thiếu oxi.



Khám cho sản phụ trong giai đoạn chuyển dạ

Có nhiều nguyên nhân gây suy thai,
bao gồm 3 nhóm:
- Cơn co tử cung bất thường : cơn co tử cung cường tính. Có thể là tăng tần số cơn co, tăng cường độ cơn co, hoặc tăng cả hai
- Chuyển dạ kéo dài bất thường: trong các trường hợp cổ tử cung mở chậm hoặc không mở, mặc dù không hề có bất tương xứng giữa thai và khung chậu, cơn co tử cung bình thường. Thông thường hay gặp ở ngôi chỏm, kiểu thế sau, đầu cúi không tốt. Bà mẹ luôn ở trong tình trạng lo lắng, mệt mỏi, dễ dẫn tới những cơn co tử cung bất thường, gây suy thai.
- Các nguyên nhân còn lại: từ bà mẹ ( thai già tháng, nhiễm độc thai nghén, rau tiền đạo,rau bong non, bà mẹ mắc bệnh mạn tính như bệnh tim, hen phế quản ....), dây rốn (dây rốn quấn cổ, dây rốn thắt nút, bất thường về giải phẫu dây rốn.....), bánh rau.....

Suy thai cấp có thể gặp ở bất kì lúc nào trong quá trình chuyển dạ. Những dấu hiệu chính của suy thai :
- Có phân su trong nước ối, nước ối đổi màu từ trắng đục thành màu xanh hoặc màu vàng; đây là dấu hiệu đặc biệt có giá trị. Thường phát hiện ra khi đã có vỡ ối.
- Biến đổi nhịp tim thai:Tim thai thay đổi nhanh trên 160 lần/phút, hoặc chậm dưới 100 lần/phút, hoặc không đều.( bình thường là từ 120 - 160 lần /phút). Tiếng tim thai mờ xa xăm.
- Cử động của thai hỗn loạn; lúc đầu thai cựa mạnh và nhiều hơn, đến giai đoạn sau thai đạp chậm và sau đó thì ngừng. Thai không cựa có thể là đã chết.
- Định lượng pH máu thai:
+ Nếu pH > 7.25 : bất thường tim thai mất đi, thì tiếp tục theo dõi chuyển dạ. Nếu còn tồn tại nhịp tim thai bất thường, thì kiểm tra lại pH sau 15 phút, trong khi chuẩn bị lây thai ra nếu tình hình thai xấu đi.
+ Nếu pH < 7.25 : nếu tồn tại nhịp tim thai bất thường, tiến hành lấy thai ra ngay. Nếu tim thai bất thường mất đi, thì kiểm tra lại pH sau 15 phút, trong khi chuẩn bị lấy thai.


Về điều trị


Tùy nguyên nhân của tình trạng suy thai để xử lý thích hợp. Nếu có nguyên nhân rõ ràng như sa dây rốn, rau bong non, dọa vỡ tử cung... thì phải mổ lấy thai ngay. Nếu không có nguyên nhân rõ ràng, cho sản phụ nằm nghiêng trái và thở ôxy, tử cung không đè lên tĩnh mạch chủ dưới. Nếu vỡ ối, phải khám ngay xem có sa dây rau không để tìm cách đẩy lên trong tư thế nằm - quỳ sấp. Nếu cần chuyển thai phụ lên tuyến trên, sản phụ cũng phải ở tư thế này. Chèn âm đạo bằng gạc, tẩm huyết thanh ấm. Nếu để sản phụ nằm ngửa trên cáng trong ôtô cấp cứu đường xa và xóc thì sẽ làm tình thế trầm trọng hơn.

Đề phòng

Cách đề phòng suy thai tích cực nhất là chữa khỏi bệnh mạn tính trước khi có thai, giảm mọi ưu tư phiền muộn cho thai phụ, khám 6-8 lần cho mỗi thai kỳ. Cần bảo đảm tăng cân cho mẹ 20% đến cuối thai kỳ bằng dinh dưỡng đủ chất và không bị phù, tăng huyết áp.

Trong khi chuyển dạ, cần giữ mối liên hệ thường xuyên với thân nhân để tránh tình trạng cô đơn, lo lắng, hỗ trợ tâm lý và không để sản phụ nằm ngửa lâu quá một giờ. Tránh để chuyển dạ kéo dài quá 24 giờ ở tuyến cơ sở. Người hộ sinh đỡ đẻ nên đồng thời là người theo dõi chăm sóc thai phụ trong khi có thai.