Hiện tượng sảy thai
Những nguyên nhân phổ biến của hiện tượng sảy thai
- Do xuất hiện nhiễm sắc thể lạ trong sự phát triển của thai nhi.
- Do gen di truyền.
- Tuổi của thai phụ cũng là một nguyên nhân. Nguy cơ sảy thai sẽ tăng cao đối với những phụ nữ mang thai ở độ tuổi trên 35.
- Do cấu tạo khác thường của cổ tử cung: tử cung đôi, u xơ tử cung, u tử cung.
- Do sự thay đổi hormon bất thường trong cơ thể người mẹ và do một số căn bệnh như: tiểu đường, buồng trứng có vách ngăn, sụt giảm progesterone.
- Rối loạn hệ thống miễn dịch.
- Do chấn thương vùng chậu; ngã, tai nạn lao động...
- Rượu, thuốc lá…và một vài loại thuốc có liên quan đến RPL như: hoá trị liệu, tia xạ, khí gây mê, kim loại đã được chứng minh gây sảy thai. Ngoài ra, nhiều loại thuốc dùng trong điều trị da liễu cũng là nguyên do.
Bên cạnh đó cũng có nhiều trường hợp không rõ nguyên nhân (chiếm khoảng 50 – 60%).
Các dạng sảy thai
Sảy thai được phân thành ba loại sau:
Dọa sẩy thai: Thường có xuất huyết âm đạo và đau bụng, nhưng thai nhi vẫn còn sống và chưa bị đẩy ra khỏi buồng tử cung. Cổ tử cung vẫn đóng kín, hoặc hé mở nhưng các thành phần của thai chưa bị đẩy ra ngoài. Nếu bệnh nhân vẫn tiếp tục chảy máu và đau bụng, các thành phần của thai đang đi qua ống cổ tử cung (thập thò âm đạo) thì được gọi là sảy thai không tránh được.
Chắc chắn bị sảy thai: Sẩy thai hoàn toàn (toàn bộ thai nhi lẫn nhau thai cùng bị đẩy ra một lúc, sau đó hết đau quặn bụng, nhưng máu vẫn tiếp tục rỉ ra như kinh nguyệt) và không hoàn toàn (một phần của thai và nhau thai vẫn còn trong tử cung; tuy đã bớt đau quặn bụng nhưng máu âm đạo vẫn chảy liên tục, thậm chí băng huyết).
Thai lưu: Là trường hợp thai nhi đã chết nhưng còn lưu lại trong tử cung chưa bị đẩy ra ngoài. Thời gian lưu có thể kéo dài hàng tuần, hàng tháng nhưng triệu chứng thai nghén biến mất, có máu đen ra ở âm đạo, không đau bụng. Khám thấy cổ tử cung chắc và hơi to ra, thân tử cung trở nên nhỏ hơn so với tuổi thai và mềm không đều. Khi siêu âm không có tim thai. Thai lưu trong tử cung một thời gian có thể tự sảy ra.
Những dấu hiệu sảy thai
Những dấu hiệu đầu tiên của hiện tượng sảy thai là chảy máu hoặc đau đớn: chuột rút, ói mửa và đau theo kiểu “kinh nguyệt." Dù chảy máu không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với sảy thai, nhưng bạn vẫn phải đến bác sĩ để kiểm tra. Hiện tượng mất máu nhẹ, không liên tục (xuất hiện từ cổ tử cung hoặc nhau thai tương lai) có thể là triệu chứng bình thường.
Mặt khác, hiện tượng mất máu nghiêm trọng hoặc liên tục với những cục máu lớn thường là dấu hiệu chắc chắn của sự sảy thai.
Đôi khi, sự biến mất của những dấu hiệu mang thai (giảm cơn đau tức ngực và buồn nôn) có thể cho thấy điều gì đó không bình thường đang diễn ra.
Biện pháp xử lý
Khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ sảy thai, tốt nhất bạn nên nhờ người nhà đưa đến bệnh viện phụ sản hoặc các cơ sở y tế chuyên khoa sản uy tín để được bác sĩ khám và điều trị cho bạn. Dưới dây là một số hướng điều trị mà bác sỹ có thể sử dụng với trường hợp của bạn:
- Nếu sảy thai là việc ngoài ý muốn và đã hoàn tất thì bác sỹ sẽ không cần phải can thiệp nhiều với bạn, mà lời khuyên tốt nhất với bạn lúc này là ăn uống và nghỉ ngơi dưỡng sức để chuẩn bị điều kiện sức khỏe thật tốt cho lần mang thai sau.
- Nếu hiện tượng sảy thai vẫn chưa hoàn tất thì bạn cần được bổ sung tiền liệt tuyến tố dưới dạng thuốc uống. Tiền liệt tuyến tố là loại hormone tạo ra sự co thắt để hoàn thành quá trình sổ nhau. Nếu cần thiết thì bác sĩ có thể sử dụng kỹ thuật hút thai. Đây là kỹ thuật sử dụng một vòi nhỏ để bơm vào trong tử cung rỗng. Ngoài ra, bác sĩ có thể sử dụng kỹ thuật nạo thai (một thiết bị có hình chiếc muỗng) để nạo sạch các mô còn bám trong tử cung. Kỹ thuật này được tiến hành sau khi đã gây mê tổng quát cho bệnh nhân. Quá trình này thường kéo theo một thời gian ngắn phải lưu lại bệnh viện.
- Đối với hiện tượng sảy thai muộn (sau 14 tuần) thì rất dễ mắc những nguy cơ của sự xuất huyết, do đó nhất thiết bạn phải nhập viện. Kỹ thuật sổ nhau diễn ra sau khi đã tiến hành gây tê ngoài màng cứng hoặc gây mê tổng quát cho bệnh nhân. Thời gian mang thai càng lâu thì khả năng phải trải qua sự đau đớn quằn quại càng nhiều.
Cách để phòng ngừa sảy thai
- Nên đi khám thai định kì tại các chuyên khoa sản: Việc thường xuyên đến bệnh viện hoặc cơ ở y tế sẽ giúp bạn kiểm tra, theo dõi sự phát triển của thai nhi. Do đó có gì bất thường đang xảy ra với thai nhi sẽ được kịp thời can thiệp.
- Thai phụ luôn giữ cho tâm lý được thoải mái: Cuộc sống mệt mỏi căng thẳng, stress, lo lắng là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, thai phụ cần cố gắng giảm đối đa những cáu gắt, tức giận. Những người thân nên tránh cho họ tiếp xúc những thông tin quá sốc. Việc ức chế đột ngột có thể dẫn đến động thai hoặc sảy thai.
- Chế độ nghỉ ngơi, làm việc cũng là vấn đề bạn cần chú ý. Khi đang có bầu, các thai phụ không nên lao động quá sức hoặc làm việc trong các môi trường độc hại, ô nhiễm và chứa nhiều hóa chất. Đồng thời nên dành thời gian nghỉ ngơi hợp lí. Mẹ có giấc ngủ sâu cũng rất tốt cho thai nhi. Trong lúc mang thai các thai phụ cũng không nên quan hệ tình dục quá nhiều, tránh lây nhiễm các bệnh qua đường tình dục, vì tình trạng nhiễm khuẩn âm đạo, tử cung cũng là nguyên nhân gây sảy thai.
- Dù bận rộn nhưng các thai phụ nên dành thời gian tập các bài tập thể dục nhẹ nhàng như: Yoga, đi bộ, đi dạo cùng chồng, người thân…Điều này không những giúp mẹ thư giãn, giảm stress mà còn giúp tăng cường sức khỏe cho cả mẹ và thai.
Cafe cũng là loại đồ uống không có lợi trong lúc mang thai đâu bạn ạ. Những người uống 2 ly cafe một ngày tăng gấp đôi nguy cơ bị sảy thai so với người bình thường.
- Đề phòng bệnh tật: Có rất nhiều loại bệnh có thể gây sảy thai hoặc dị hình cho thai nhi như: cảm cúm, bệnh tả, các bệnh về gan, bệnh thận, bệnh truyền nhiễm…Do vậy, bà bầu phải tích cực phòng tránh. Nếu bị bệnh, thai phụ không được sử dụng thuốc một cách tùy tiện mà phải sử dụng theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.
- Như đã nói ở trên, trước khi sảy thai có thể xảy ra hiện tượng dọa sảy thai hoặc các dấu hiệu báo trước sảy thai như: đau bụng, xuất huyết kéo dài… Nếu thấy các hiện tượng bất thường này, bạn nên ngừng làm việc và đến ngay bệnh viện sản khoa để khám và điều trị. Một số trường hợp đã được “giải cứu” khi có sự can thiệp sớm của các bác sĩ.
Trong thời gian mang thai, nếu có triệu chứng đau bụng hoặc ra huyết cần phải đi khám ngay tại các cơ sở có chuyên khoa sản và siêu âm để xác định tình trạng thai. Nếu có dấu hiệu dọa sảy thai, cần nghỉ ngơi tại giường, phải kiêng lao động, kiêng giao hợp, nên ăn uống thức ăn mềm, dễ tiêu, tránh táo bón và dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Nếu vẫn ra huyết nhiều hoặc đau bụng nhiều hơn thì phải đi bệnh viện khám để xác định thai, tình trạng thai và từ đó bác sĩ có quyết định tiếp tục điều trị, giữ hay bỏ thai.
Tóm lại, trong quá trình mang thai, tâm lí và dinh dưỡng là hai vấn đề quan trọng nhất, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi. Do vậy, khi biết mình đã có bầu, thậm chí khi có kế hoạch sinh con, các mẹ nên chú ý đến chăm sóc bản thân, điều hòa giữa nghỉ ngơi, làm việc và sinh hoạt. Chuẩn bị một “nến móng” tốt từ khi trẻ còn trong bụng mẹ để con yêu của bạn chào đời khỏe mạnh, thông minh nhất.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét