Thai chết lưu là thai không phát triển được thành thai nhi trưởng thành, bị chết và lưu lại trong tử cung. Hiện tượng này cần được phát hiện và can thiệp sớm. Tốt nhất thai được tống xuất ra ngoài trong vòng 2 ngày kể từ khi xác định thai đã chết.
* Nguyên nhân
Theo bác sĩ Trần Thị Hạnh, Giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, tình trạng thai chết lưu có nhiều nguyên nhân cả ở phía người mẹ lẫn phía thai nhi.
Từ phía người mẹ
Người mẹ bị mắc các bệnh lý mãn tính như: viêm thận, suy gan, thiếu máu, lao phổi, bệnh tim, huyết áp cao... Mẹ mắc các bệnh nội tiết như basedow, thiểu năng giáp trạng, tiểu đường, thiểu năng hay cường năng thượng thận. Mẹ bị nhiễm độc thai nghén là nguyên nhân dễ gây ra thai chết lưu. Tỷ lệ thai chết lưu càng cao khi nhiễm độc thai nghén càng nặng, nhiễm độc nhẹ nhưng không được điều trị hoặc điều trị không đúng. Người mẹ bị bệnh kéo dài nhiều ngày, tình trạng ăn ngủ kém làm cho thai bị suy dinh dưỡng và chết.
Siêu âm là một trong những cách giúp xác định hiện trạng thai nhi. |
Từ phía thai nhi
Rối loạn nhiễm sắc thể là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thai dưới ba tháng bị chết lưu. Rối loạn nhiễm sắc thể có thể là do di truyền từ bố mẹ, hoặc đột biến trong quá trình tạo noãn, tạo tinh trùng, thụ tinh và phát triển của phôi. Tỷ lệ rối loạn nhiễm sắc thể tăng lên rõ rệt theo tuổi của mẹ, đặc biệt là ở các bà mẹ trên 40 tuổi. Những thai dị dạng như não úng thủy, vô sọ, phù nhau thai cũng dễ chết lưu. Có những thai già tháng, bánh nhau vôi hóa, thai nhi không thể lấy được dưỡng khí và dinh dưỡng từ người mẹ. Hiện tượng đa thai cũng có thể dẫn đến thai chết lưu trong quá trình các thai truyền máu cho nhau. Ngoài ra, một số trường hợp, thai có những bất thường như dây rốn thắt nút, dây rốn quấn quanh cổ, quanh thân, quanh chi, dây rốn xoắn, dây rốn bị chèn ép... bất thường ở nhau thai, đa ối hoặc thiểu ối.
* Dấu hiệu và xử lý thai chết lưu
Khi thai chết lưu, người mẹ nhận thấy một số dấu hiệu bất thường sau: thai không còn cử động, bụng nhỏ dần đi, vú căng và tiết sữa, âm đạo tiết ra nhiều các chất màu đỏ sẫm. Nếu thời gian thai đã chết lâu, người mẹ có cảm giác chán ăn, mệt mỏi, buồn nôn, hôi miệng, âm đạo chảy ra các chất có mủ.
Thai chết lưu không gây nguy hiểm gì lớn cho sức khỏe và tính mạng của người mẹ khi không có biến chứng. Đối với thai 1-2 tháng tuổi, khi chết sẽ tự tiêu biến đi, nhiều khi chính bà mẹ cũng không biết mình đã có thai và thai đã chết lưu. Nếu thai đã lớn từ 3-6 tháng sẽ dẫn đến sẩy thai hoặc đẻ non nếu thai trên 6 tháng.
Thời gian kể từ khi thai chết đến lúc sẩy hoặc đẻ ra ngoài ở mỗi thai phụ khác nhau. Nếu thai chết ở tuổi thai càng lớn thì thời gian lưu lại trong buồng tử cung càng ngắn. Quá trình sẩy hoặc đẻ của thai chết lưu diễn biến như các ca sẩy hoặc đẻ bình thường, nhưng thời gian dọa sẩy và chuyển dạ đẻ thường dài hơn và máu có thể ra nhiều hơn. Lúc này, người mẹ cũng có các cơn co bóp của dạ con gây đau, cổ tử cung phải mở hết thì thai mới có thể ra được. Tuy nhiên, một số trường hợp thai chết không bị sẩy ngay mà nằm lại trong tử cung một thời gian, do vậy nếu không lấy ra sớm thì bà mẹ có thể bị nhiễm trùng nặng hoặc gây nên rối loạn đông máu cho mẹ.
Thai chết lưu càng sớm được phát hiện và can thiệp thì càng ít gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ. Siêu âm là một trong những phương pháp có thể giúp phát hiện sớm hiện tượng này. Vì vậy, khi thấy các dấu hiệu bất thường trên, người mẹ cần đi khám ngay để được can thiệp kịp thời.
* Phòng tránh thai chết lưu
Phòng tránh hiện tượng thai chết lưu, trước khi thụ thai cả vợ và chồng cùng phải cẩn thận trong ăn uống, không dùng các chất kích thích, như: rượu, bia, thuốc lá, ma túy... Người mẹ cần tránh làm việc nặng, làm việc quá sức; tránh tiếp xúc với các loại hóa chất, môi trường ô nhiễm; ăn uống đầy đủ các dưỡng chất; nghỉ ngơi hợp lý; giữ cho tinh thần luôn được thoải mái; đi khám thai theo định kỳ để bác sĩ theo dõi sự phát triển của thai nhi cũng như sức khỏe của người mẹ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét