Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2012

Syria : Nổi loạn, đàn áp, khủng bố hay là nội chiến

Syria :
Nổi loạn, đàn áp, khủng bố hay là nội chiến
________________________________________________________________________________________________ 
Việt Luận


   Tháng Ba năm 2011 một nhóm thiếu niên và trẻ em mang sơn vẽ bậy lên nhiều bức tường trong thành phố Darraa, nước Syria. Những chữ vẽ bậy này không phải để tinh nghịch như thường khi. Graffiti này đòi cải cách chính trị!
Guồng máy cai trị của tổng thống “cao ráo” Bashar al-Assad một mặt gởi quân đến Daraa giết chết ba thiếu niên “nổi loạn”; mặt khác ra thông cáo bỏ thiết quân luật đã có từ 48 năm và cho phép dân Syria được “biểu tình trong ôn hoà”. Sử dụng cùng một lúc bàn tay sắt với dân “khủng bố” trong nước và biện pháp ôn hoà để mê hoặc quốc tế được coi là sách lược chính của chế độ Bashar al-Assad.
Tháng Chín 2011, công an của Bashar al-Assad lôi một cô gái 18 tuổi ra khỏi đám biểu tình tại thành phố Homs, chặt đầu, chặt chân tay và vất xác bên đường. Trong khi đó, hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc họp ngày họp đêm mà không nặn ra nghị quyết ra hồn vì Nga, Trung cộng và Iran ngả về phía Bashar al-Assad. Khi quốc tế bó tay thì xe tăng và đại pháo sản xuất từ Nga nổ súng vào hai thành phố Hama và Homs. Liên Hiệp Quốc nói hơn 3,000 thường dân đã chết. Nhưng Bashar al-Assad chối và TV của chính phủ chiếu hình cô gái tưởng là đã bị công an chặt đầu, chặt chân tay và vất xác bên đường ở Homs vẫn... còn sống và tươi cười. Sau đó, tổng thống Bashar al-Assad nói với phóng viên Mỹ: chỉ có thằng điên mới chém giết dân chúng của mình.
Quả nhiên, thật khó kiểm chứng tin tức xuất phát từ Syria. Mới đây, người ta tìm thấy ở Houla 108 xác chết vương vãi mà phần lớn là phụ nữ và trẻ em. Chính phủ Damascus chối. Dân quân “Syria Tự do” chối. Ở Syria ngày nay, có nhiều ngôi làng thành làng ma: xác người vung vãi, nhà cửa loang lỗ. Nhưng khi nhân viên gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc tìm đến thì có thể bị ném đá hay bắn tỉa...
Suốt năm qua, đã có từ 8 ngàn cho đến 10 ngàn thường dân thiệt mạng vì súng đạn, tra tấn hay tù ngục tại Syria; nhưng Damascus tiếp tục đưa ra hết lệnh bỏ giới nghiêm, tổ chức phiên họp “hoà hợp quốc gia”, thả tù nhân chính trị, đón đặc sứ từ hai nước Ả Rập Kuwait và Bahrain, ngoại trưởng Nga và ngay đến cựu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan. Mới nhất, vào tháng Tư năm nay, Damascus đồng ý với kế hoạch hòa bình 6 điểm do cựu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đưa ra. Trong đó, hai bên đồng ý ngưng bắn. Nhưng không đợi chữ ký ráo mực dân quân “Syria Tự do” và quân đội Damascus lại đọ súng. Damascus cho máy bay trực thăng bay trên Homs để săn dân nổi loạn. Hoa Kỳ cho rằng Damascus đã dùng một số máy bay trực thăng do Nga vừa cung cấp để săn người. Ngược lại Nga cho biết: các máy bay trực thăng ấy đã được Damascus đặt mua từ lâu.
Rõ ràng Hoa Kỳ muốn dùng mấy chiếc trực thăng này để vẽ ra đường ranh mới trong cuộc xung đột tại Syria. Trước đây, người ta chỉ nói đến: nổi loạn, đàn áp và khủng bố... Mới nhất, lần đầu tiên quốc tế ấm ớ nhìn nhận Syria đang tiến tới “nội chiến”. Trong tuần qua, khi báo chí được hỏi có nội chiến tại Syria hay không -- ông Herve Ladsous, phụ tá tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đặc trách về gìn giữ hòa bình đã trả lời: “Tôi nghĩ... chính phủ đã mất nhiều phần lãnh thổ, nhiều thành phố về tay đối lập và chính phủ đang muốn lấy lại. Vì thế, loạn lạc ngày càng dâng cao”.
Thật vậy, sau 15 tháng nổi dậy, một phần dân chúng tại Syria đã thuộc về dân quân “Syria Tự do” và súng đạn của dân quân này ngày càng dồi dào và tối tân hơn. Vũ khí từ đâu? Người ta ngờ có dường dây chuyển vũ khí từ Qatar và Ả rập Saudi cho dân quân “Syria Tự do”. Về mặt chính thức Hoa Kỳ và NATO chưa chọn giải pháp can thiệp quân sự vào Syria như đã làm tại Lybia; nhưng người ta ngờ đàn em của Hoa Kỳ có thể đang giúp tiếp tế súng ống và đạn dược cho dân quân. Riêng Hoa Kỳ tiếp tục tài trợ và huấn luyện nhóm chống độc tài độc đảng sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại như Internet để tập hợp dân chúng dưới trướng một minh chủ.
Chừng nào nhóm chống đối (hay dân quân “Syria Tự do”) đoàn kết dưới trướng của một minh chủ như đã xảy ra tại Lybia thì quốc tế mới mạnh tay giải quyết xung đột bằng biện pháp mạnh. Bằng không, Syria sẽ là Bosnia, Lebanon hay Palestine thứ nhì với triền miên tin tức anh em một nhà hàng ngày mang vũ khí ngoại bang chém giết nhau.
Việt Luận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét