Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2012

Hỏi đáp Y học: Mề đay và phù mạch

Hỏi đáp Y học: Mề đay và phù mạch

Bác sĩ Hồ Văn Hiền
CỠ CHỮ
Thính giả Nguyễn Long, email đến Chương trình Hỏi đáp Y học với câu hỏi như sau:

"Cháu là nam, 23 tuổi. Từ khi cháu dọn đến sống ở nơi mới (Silver Spring, MD) thì thấy có tình trạng bị nổi dị ứng ngứa.

Dị ứng của cháu bắt đầu từ khoảng cuối tháng 6 và đến giờ vẫn chưa khỏi. Dị ứng nổi không quá dày đặc nhưng gần như ngày nào cũng có, có ngày thì nổi những vết nhỏ như muỗi đốt và có ngày thì nổi thành mảng sần. Dị ứng thường nổi ở vùng cánh tay, đùi, quanh thắt lưng, và thỉnh thoảng quanh cổ chân. Dị ứng thường bộc phát vào buổi tối khoảng 8-9 giờ, khi cháu ăn xong cơm tối.


Cháu có uống thuốc Allergy Relief của CVS pharmacy, loại loratadine tablets usp, 10mg/antihistamine. Cháu uống thuốc này mỗi khi dị ứng kéo dài. Sau khi uống thuốc khoảng 1 tuần thì tình trạng di ứng biến mất nhưng 1 tuần sau lại tái phát. Tình trạng này kéo dài từ cuối tháng 6, đầu tháng 7 đến giờ. Nhà cháu ở không nuôi chó mèo.
Xin hỏi bác sĩ tình trạng dị ứng của cháu có thể chữa dứt được hay không và nên uống loại thuốc gì để điều trị? Xin cám ơn bác sĩ.
"

Chúng tôi đã chuyển thắc mắc cho bác sĩ Hồ Văn Hiền, và sau đây là phần giải đáp của bác sĩ Hiền:
Lắng nghe giải đáp của bác sĩ


Mề đay & phù mạch; mề đay mãn tính
Hives (urticaria), angioedema, and chronic urticaria


Thính giả ở Mỹ, tôi xin nhấn mạnh là cuộc nói chuyện này hoàn toàn có tính cách thông tin, để chúng ta cùng học hỏi, và không thể dùng để thay thế vai trò người bác sĩ riêng chữa bệnh cho thính giả.

Mề đay là những vết mẩn ngoài da,ngứa, đỏ, sần lên, có thể sờ được (wheals,welts),lớn bẳng một vết muỗi đốt, hay to hơn, bằng đồng tiền, có thể nối liền với nhau, lan rộng và bao phủ một vùng da của cơ thể.mỗi mụt (wheal) mề đay tồn tại vài phút hoặc vài giờ, rồi xuất hiện đợt khác, chừng 3 ngày thì hết.

Đi kèm theo, hoặc riêng rẽ, có thể một hiện tượng liên hệ gọi là angioedema (“phù mạch” [angio=mạch máu; edema là phù]):một vùng ở mặt, tay hay chân bị sưng vù lên, hông ngứa, không đỏ, ngưng lại tê (numb), rát và đau.Nếu sưng nhiều, kèm theo sưng ở môi, họng, sưng thanh quản có thể làm người bệnh khó thở, nghẹt thở, có thể chết được (laryngeal edema).

Những vết mề đay không nằm cố định một chỗ mà di chuyển chỗ này qua chỗ khác, như một đám mây, rồi từ từ biến mất, có thể chỉ trong vài giờ, tuy có thể tái phát lại. Nếu kéo dài quá 6 tuần, chúng ta gọi là mề đay hay angioedema mãn tính (kinh niên, chronic).

Người ta ước lượng 20% trong chúng ta có thể bị mề đay. Mề đay cấp tính thường do dị ứng (do thức ăn, thuốc uống, xà phòng tắm, giặt). Trong khoảng nửa số trường hợp, chúng ta không biết được nguyên nhân gây ra mề đay (idiopathic urticaria).

Dị ứng là gì?

Theo nghĩa trong y khoa không phải cái gì ngứa cũng do dị ứng. Theo phân tích chữ allergy: all [allos]= khác, khác thường, ergy[do ergon]=hoạt động, chúng ta dùng: dị=khác, ứng=đáp lại, đối lại.

Nói cách khác, dị ứng là một phản ứng bất thường của hệ miễn nhiễm của một cơ thể đối với một chất mà bình thường không gây hại.

Do một lý do chưa được hiểu rõ, khi tiếp xúc với một chất nào đó nào đó thường vô hại với người khác (gọi là “kháng nguyên” hay allergen), cơ thể bị dị ứng có những kháng thể (antibodies, IgE) tương ứng với chất đó trong những tế bào chuyên biệt (basophils, mast cells), những kháng thể này kết gắn (binding) với các allergen đó, gây cho tế bào này sản xuất ra những chất hoá học như histamin, leukotriens, gây ra những hiệu ứng như sưng, đỏ, ngứa thường thấy trong hoàn cảnh có hiện tượng dị ứng.

Dị ứng có thể do di truyền quyết định một phần. Một số lý thuyết cho rằng trong quá khứ xa xưa, cơ thể chúng ta phát triển được cơ chế của dị ứng (kháng thể IgE chống các allergen) là do chúng ta cần chống lại lượng ký sinh trùng mà cơ thể chúng ta phải đối phó khắp mọi nơi.Hiện nay, vì trong xã hội tiến hoá văn minh, chúng ta ít khi còn phải đối phó với các ký sinh trùng nữa, cơ chế phòng thủ, miễn nhiễm này trở thành một sự phiền toái cho cơ thể chúng ta, có khi gây nguy hiểm.

Trong trường hợp phản vệ (anaphylaxis),có những triệu chứng như khó thở, sưng đường hô hấp, hạ thấp huyết áp (hypotension), ói mửa, đau bụng, shock, có thể gây chết người nếu không chữa chị nhanh chóng..( Căn gốc Hy lạp:ana=ngược lại, phylaxis=bảo vệ, canh chừng do đó anaphylaxis được dịch theo Hán Việt là "phản vệ")

Mề đay có thể do nhiễm trùng siêu vi, nhất là ở trẻ em.

Trong trường hợp mề đay kéo dài,trên 6 tuần, mãn tính (chronic urticaria), chỉ một số nhỏ (5-10%) trường hợp là do dị ứng mà thôi.

Mề đay mãn tính có thể do cơ chế tự miễn nhiễm (autoimmune mechanism). Cơ thể người bệnh sinh ra những kháng thể chống các tế bào basophil và mast cell của mình, làm cho các tế bào này phát động các phản ứng gây ra sưng, đỏ, ngứa ngáy ngoài da.

Ngoài ra, chronic urticaria cũng có thể gây ra bởi stress, nóng,lạnh,nắng, làm việc, tập thể dục mệt nhọc, mổ hôi ra nhiều, nước lạnh (aquagenic urticaria), rung, dao động (physical vibrations).

Chữa trị:

Mề đay nhẹ, có thể không cần chữa trị.Có thể tắm nước lạnh cho đỡ ngứa, tránh nước nóng. Nếu nghi do thức ăn, uống hay một chất, thuốc nào đó, ngưng dùng ngay. Nghỉ ngơi, tránh ra nắng nóng, tránh ra mồ hôi.

Nếu ngứa nhiều, có thể dùng thuốc kháng histamin (antihistaminic drugs). Thuốc mua tự do (over the counter) ở Mỹ như:

•    Diphenhydramine (Benadryl) dạng viên 25mg/ viên, hoặc dạng xy rô (syrup)12.5 mg/ 5ml (12.5mg /teaspoon). Người lớn uống chừng 1-2 viên, 6 giờ uống lại, nếu cần. Cần theo đúng hướng dẫn trong toa kèm theo thuốc.

•    Cetirizine (Zyrtec) là một thuốc chống histamin (anti-histaminic), cũng bán tự do, ít buồn ngủ hơn, chỉ cần uống 1 lần trong 24 giờ.

Mề đay có thể đi kèm theo các triệu chứng cấp tính, ảnh hưởng toàn thân của anaphylaxis (phản vệ), có thể nguy hiểm, như:
•    -khò khè (wheezing), khó thở, hụt hơi (short of breath)
•    -chóng mặt, muốn ngất xỉu
•    -đau bụng, ói mữa, buồn nôn
•    -angioedema, sưng môi,miệng, sưng thanh quản nói ở trên

Cần chữa trị cấp cứu. Nếu có Epipen bs đã cho mua sẳn, cần chích Epipen theo hướng dẫn, có albuterol inhaler, (Ventolin, Pro-Air) cần hít thuốc để giảm co thắt cuống phổi, phế quản. Gọi 911 nếu cần.

Trường hợp nhẹ nhưng kéo dài, tái đi tái lại đã lâu, nên đến bs khám để tìm hiểu nguồn gốc bệnh trạng, chữa trị và theo dõi thích ứng. Nói chung, nếu không có dấu hiệu gì khác, trong các trường hợp mể đay mãn tính, thuốc chống histamin loại không làm buồn ngủ (non- sedating antihistaminic) như loratidin (Claritin),   fexofenadin(Allegra) cũng đủ kiểm soát bệnh.

Ngược lại, những thuốc: diphenhydramine (Benadryl), cetirizine
 (Zyrtec)có thể gây buồn ngủ, lừ nhừ, không đủ tỉnh táo, nhanh nhẹn để lái xe, làm việc dùng máy móc nguy hiểm.

Chúc bệnh nhân may mắn.

Bác sĩ Hồ văn Hiền
Hien V. Ho, MD, FAAP

--------------------------------------------

Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi Đáp Y Học này.

Quý vị có thể nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com, bấm vào mục Hỏi Đáp Y Học trong phần chuyên mục. Các bài giải đáp y học khác cũng được lưu trữ trong phần này.

Chúng tôi vẫn dành đường dây điện thoại miễn phí để tiếp nhận các thắc mắc khác của quý thính giả về sức khỏe và y học thường thức. Số điện thoại miễn phí dành cho mục Hỏi Đáp Y học là 202-205-7890, ngày giờ nhận câu hỏi là thứ ba và thứ năm mỗi tuần, từ 8 giờ 30 đến 9 giờ 30 tối, giờ Việt Nam. Quý vị cũng có thể gửi câu hỏi cho chúng tôi qua điện thư ở địa chỉ vietphapclinic@yahoo.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét