Y tế nước ta đi ngược “phòng bệnh hơn chữa bệnh”!
“Người xưa có câu “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Tuy nhiên, hệ thống y tế ở nước ta hiện nay đang đi ngược phương châm này. Hệ thống y tế dự phòng không được quan tâm đúng mức, thậm chí vị thế quá thấp so với hệ thống điều trị”.
Ngày 27/10, TS.BS Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế Công cộng TPHCM đưa ra quan điểm trên tại Hội nghị Khoa học Y tế Công cộng TPHCM lần thứ I.
Mức chi cho hoạt động y tế công cộng quá thấp
Theo TS.BS Lê Trường
Giang, hệ thống y tế công cộng ngày càng đối mặt với nhiều thách thức
cùng với sự xuất hiện của nhiều loại dịch bệnh mới như: H5N1, SARS, tay
chân miệng do EV71…, các loại dịch bệnh cũ còn tồn tại và có nguy cơ
bùng phát; sự gia tăng của các bệnh mạn tính không lây như: tim mạch,
ung thư, tiểu đường, tâm thần; tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt,
vấn đề mất an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng gia tăng.
Do đó, đòi hỏi đối với
hoạt động phòng chống dịch bệnh ngày càng gia tăng. Áp lực công việc cho
hoạt động này cũng ngày càng gia tăng, nhưng hệ thống y tế công cộng
chưa được sự quan tâm đúng mức.
Các bệnh mạn tính không lây như tim mạch, ung thư, tiểu đường... ngày càng gia tăng.
Tại TPHCM, ngân sách
chi cho hoạt động y tế công cộng chỉ đạt bình quân 25,8% tổng chi cho sự
nghiệp y tế, thấp hơn định mức mà Quốc hội đề ra (ít nhất là 30%). Mức
này thấp hơn nhiều so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (chi phí
cho y tế dự phòng phải lớn hơn 50%).
Do thiếu sự quan tâm,
hoạt động y tế dự phòng hiện nay cũng rất yếu. Các trung tâm y tế dự
phòng quận/huyện không được ký hợp đồng bảo hiểm y tế; mạng lưới cấp cứu
ngoại viện chỉ đáp ứng dưới 1% nhu cầu của người dân và không đủ khả
năng ứng phó trước thiên tai, thảm họa; đầu tư phòng xét nghiệm y khoa
dàn trải, không đảm bảo chất lượng xét nghiệm; cơ sở vật chất, trang
thiết bị, phương tiện thực địa của hệ thống y tế công cộng quá thiếu và
lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu hoạt động.
Ngoài ra, nguồn nhân
lực y tế công cộng cũng vừa thiếu vừa yếu, các chính sách đối với cán bộ
y tế công cộng chưa thỏa đáng cả về thu nhập lẫn nâng cao năng lực,
dịch vụ y tế công cộng có thu phí chưa phát triển nên hệ thống hoạt động
chủ yếu vẫn theo chế độ bao cấp…
Cần thay đổi tư duy quản lý, đầu tư cho y tế công cộng
TS.BS Lê Trường Giang
cho biết thêm, cơ chế chính sách Nhà nước trên thực tế không thể hiện
được quan điểm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Nhà nước đã quan tâm cho cán
bộ dự phòng được hưởng phụ cấp đặc thù nghề nghiệp với mức cao nhất là
70% mức lương nhưng trên thực tế thu nhập chính thức của cán bộ y tế dự
phòng luôn thấp hơn nhiều so với cán bộ y tế điều trị.
Nhà nước xác định giá
trị xã hội của hệ thống y tế công cộng thấp hơn hệ thống y tế điều trị
thể hiện qua việc xếp hạng cơ sở y tế. Hiện nay, Trung tâm Y tế Dự phòng
TPHCM cũng chỉ được xếp hạng tương đương với một bệnh viện loại 3 (bệnh
viện tuyến quận/huyện), trong khi phần lớn các bệnh viện thành phố đều
được xếp hạng 1 từ nhiều năm qua.
Trước tình hình đó, Hội
Y tế Công cộng TPHCM kiến nghị, cần có chiến lược tổng thể, toàn diện
và lâu dài để phát triển nguồn nhân lực y tế công cộng. Cải cách hệ
thống đào tạo cán bộ y tế công cộng theo hướng vừa đa dạng vừa chuyên
sâu: bác sĩ gia đình, bác sĩ y học dự phòng, cử nhân y tế công cộng, các
cán bộ tâm lý, xã hội…
Bên cạnh đó, cần tăng
cường chính sách chăm lo cho cán bộ y tế công cộng cả về thu nhập lẫn
bồi dưỡng nâng cao tay nghề, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động y tế công
cộng theo hướng phát triển hệ thống dịch vụ y tế công cộng có thu phí;
đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho hệ thống y tế
công cộng.
Theo Bùi Hương
Kiến thức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét