Thứ Bảy, 13 tháng 4, 2013

Hỏi đáp Y học: Viêm mũi dị ứng

Hỏi đáp Y học: Viêm mũi dị ứng

CỠ CHỮ
Chuyên gia phụ trách giải đáp thắc mắc y học kỳ này là Bác sĩ Hồ Văn Hiền, chuyên khoa nhi và y khoa tổng quát, có phòng mạch và đang làm việc cho các bệnh viện ở Bắc Virginia.

Thưa Bác sĩ,

Một số khán thính giả của đài VOA thắc mắc rằng khi mùa xuân đến có đủ loại hoa đua nở rất đẹp, đặc biệt như ở vùng Washington D.C. có hoa anh đào nở rực rất đẹp, nhưng lại khiến cho nhiều người bị dị ứng với phấn hoa, có người bị rất nặng, mắt đỏ, chảy nước mắt, nước mũi, khó thở v.v.

Xin hỏi về nguyên nhân gây dị ứng, các phương pháp phòng ngừa và chữa trị.


Kính nhờ Bác sĩ giải thích.

Bác sĩ Hồ Văn Hiền giải thích:
Hỏi đáp Y học: Viêm mũi dị ứng


Viêm mũi dị ứng (Allergic rhinitis)

Allergy được dịch là dị ứng. (Al (Hy lạp:allos) có nghĩa là khác, lạ, erg (ergon) là hoạt động). Người bị dị ứng phản ứng một cách khác thường với một chất antigen ( kháng nguyên) nào đó, và chất này gọi là allergen, có nghĩa nó gây ra những phản ứng quá mẫn (hypersensitivity reactions) ở người dị ứng.

Những kháng nguyên (antigen) gây ra phản ứng có thể là phấn bông, mốc meo (mold spores), chất bài tiết của các con rận li ti ( các con dust mites trong mền chiếu mà ta chỉ có thể thấy bằng kính hiển vi, chất bài tiết của chúng gây allergy), các vảy li ti của da, lông (animal danders) các thú nuôi trong nhà.

Allergen tiếp xúc với niêm mạc mũi của những người nhạy cảm (atopic individual), làm cơ thể sản xuất các IgE là những kháng thể phụ trách dị ứng, huy động các tế bào đến mũi, tiết ra chất histamine, làm mũi sản xuất ra chất nhớt (mucus), (chảy mũi), sưng (làm nghẹt mũi và ngứa). Nên để ý đến chất histamine này vì những thuốc chống dị ứng sẽ bàn sau có tác dụng chống histamine.

Những phản ứng này có thể làm tắc nghẽn các đường thoát chất nhớt của các xoang mũi làm người bệnh dễ bị viêm xoang mũi (sinusitis). Trong tai của chúng ta có một khoảng trống gọi là tai giữa (middle ear) nằm giữa màng nhĩ (tympanic membrane ) và tai trong (inner ear). Có một cái ống nối miệng với hai tai giữa, đem không khí vào tai giữa, giữ cho thoáng (ventilation). Người bị dị ứng mũi, hai các ống này có thể bị nghẹt lạI, Áp suất trong tai giữa giảm xuống làm người bệnh thấy lùng bùng tai. Hoặc trẻ con có thể dễ bị nhiễm trùng tai giữa vì dị ứng mũi cộng thêm các chứng đi kèm như adenoid hoặc hạnh nhân quá lớn.

Những thuốc trị bệnh này gồm những thuốc chống histamine (antihistaminic) như Benadryl (diphenhydramine). Benadryl tốt và an toàn cho trẻ con nhưng có thể gây buồn ngủ và phải uống nhiều lần trong ngày. Một số thuốc mới hơn nhưng đắt tiền hơn, không làm buồn ngủ: Claritin (loratidin), Allegra, Zyrtec, (hơi buồn ngủ) có thể chỉ cần uống một hai lần mỗi ngày, và trẻ con dùng được. Loratidin ở dạng xy rô, viên tan trên lưỡI, viên tác dụng 24 giờ, bán tự do ở Mỹ. Tôi đoán là các thuốc này lại càng dễ mua hơn nữa tại Việt nam, tuy nhiên tên thương mại có thể khác.

Một số thuốc giúp bớt nghẹt mũi (decongestant) như pseudoephedrine và phenylpropalamine có thể được dùng thêm lúc cần thiết để cho bệnh nhân bớt khó chịu và dễ thở hơn. Có thể dùng riêng như syrup hoặc viên nhai Sudafed, hoặc kết hợp với các chất kháng histamine như trong Dimetapp, Claritine D, Allegra D (D là viết tắt của decongestant).

Một số thuốc nhõ mũi để bớt nghẹt nhanh chóng như Neosynephrine, Afrin chỉ nên dùng ngắn hạn vì dùng lâu dài sẽ làm mũi nghẹt nặng hơn nữa vì các mạch máu nở lớn thêm (rebound vasodilation).

Môt loại thuốc nhỏ mũi an toàn là Cromolyn nasal solution (4%) có thể dùng để ngăn ngừa các triêu chứng, xịt mỗi bên mũi một hai cái, 3-6 lần một ngày, nhiều lần nên cũng khá bất tiện.

Hiện nay thuốc hiệu nghiệm nhất là các corticosteroid (corticoit) dưới dạng xịt mũi. Tên thương mại ở Mỹ là Nasonex, Flonase, Rhinocort, Nasacort. Thường lúc sơ khởi xịt một hoặc hai cái vào mỗi bên mũi, hai ba lần mỗi ngày. Ba bốn ngày sau, khi triệu chứng đã giảm, bớt lại liều thuốc còn xịt một cái mỗi bên, một lần mỗi ngày. Vì corticoit là một loại thuốc mạnh và có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng của các em bé, chúng ta nên tránh dùng ở trẻ em quá nhỏ, cẩn thận liều lượng và đừng dùng quá nhiều vì sốt ruột. Tuy nhiên theo kiến thức hiện nay, thuốc xịt vào mũi không hấp thụ vào máu ở mức đáng kể và có vẻ an toàn dưới sự giám sát của bác sĩ điều trị. Dùng thuốc lâu dài, quá liều quy định có khả năng thuốc ảnh hưởng đến mắt, gây cườm mắt (glaucoma, cataract) nhất là ở người già, những người đang mắc bệnh này.

(http://www.aaaai.org/ask-the-expert/development-cataracts-glaucoma.aspx)  

Thuốc chống leukotriene như montelucast (Singulair) đắt tiền, có thể giúp ích trong trường hợp khó trị. Ngoài ra bs có thể thử phản ứng ngoài da (skin tests)và nếu thấy cần thiết chích vào da những liều lượng rất nhỏ các kháng sinh (antigen, như phấn bông, bụi..) qua nhiều tháng, năm để cơ thể người bệnh làm quen với các chất đó và giảm khả năng dị ứng với chúng.

Những ý niệm trên hy vọng có thể giúp thính giả hiểu những nguyên tắc chung mà BS dùng lúc chữa bệnh dị ứng mũi bằng thuốc men, và do đó có thể hỏi BS về những điều mình muốn biết.

Bệnh này thường mãn tính, kéo dài. Bệnh có thể chỉ là một phiền toái nhỏ, nếu tránh các chất gây dị ứng (allergen), các nơi nhiều kháng nguyên (antigens) thì các triệu chứng giảm đi nhiều. Nếu không tránh được những thuốc chống dị ứng phổ biến như loratidin (Claritin), cetirizine (Zyrtec)) rẻ tiền và dễ mua tự do, ít phản ứng phụ. Tuy nhiên, những trường hợp nặng, có biến chứng như viêm xoang, chảy máu mũi liên tục, tái hồi, ảnh hưởng đến giấc ngủ, sự ăn, bú (của các em bé), cần được bác sĩ chăm sóc theo dõi kỹ lưỡng.Chữa trị có kết quả tốt có thể giúp phẩm chất đời sống thoải mái hơn (không ngứa ngáy, dụi mũi, hít hà liên miên, không há miệng thở lúc ngủ làm ngủ không ngon, thở bằng miệng có thể làm hô răng (malocclusion)), và không phải đợi lúc biến chứng như viêm xoang mũi, viêm tai giữa, mất thính giác mới cho uống thuốc.

Ngoài ra cũng nên để ý tới môi trường sống và tránh những yếu tố gây dị ứng mũi như:

●    vệ sinh nơi nhà ở, phòng ngủ:
●    thú nuôi trong nhà :chó, mèo, chim (pets).
●    giường chiếu bụi bặm,
●    cây kiểng,
●    chỗ ẩm thấp có thể dễ mốc meo
●    các chất hóa học, phân bón, xăng nhớt, đồ xịt chìu bàn ghế, thuốc sát trùng
●    nấu nướng nhiều trong nhà gây khói, các hơi từ chất đốt,
●    người lớn hút thuốc lá
●    garage, xe gắn máy nổ thong với nhà chính

Những yếu tố môi trường này rất quan trọng trong việc gây ra bệnh hoặc làm bệnh nặng hơn, từ dị ứng mũi cho đến những bệnh đi kèm như hen suyễn (asthma), viêm phế quản, sưng tai giữa (otitis media).

Chúc quý vị thính giả may mắn.

BS Hồ Văn Hiền

----------------------------------------

Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi Đáp Y Học này.

Quý vị có thể nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com

Chúng tôi vẫn dành đường dây điện thoại miễn phí để tiếp nhận các thắc mắc khác của quý thính giả về sức khỏe và y học thường thức. Số điện thoại miễn phí dành cho mục Hỏi Đáp Y học là 202-205-7890, ngày giờ nhận câu hỏi là thứ ba và thứ năm mỗi tuần, từ 8 giờ 30 đến 9 giờ 30 tối, giờ Việt Nam. Quý vị cũng có thể gửi câu hỏi cho chúng tôi qua điện thư ở địa chỉ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét