Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2012

Cuộc hội ngộ 40 em bé thụ tinh trong ống nghiệm

Cuộc hội ngộ 40 em bé thụ tinh trong ống nghiệm

Lần đầu tiên vùng đất Tây Đô cùng lúc gặp gỡ 40 em bé ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, tất cả đều phát triển bình thường, khỏe mạnh cả về thể lực lẫn trí lực.

Đây cũng là 40 em bé đầu tiên được Trung tâm IVF Mê Kông thuộc Bệnh viện phụ sản quốc tế Phương Châu tại Cần Thơ thụ tinh trong ống nghiệm thành công. Các bé đều còn nhỏ, bởi trung tâm chỉ mới hoạt động từ năm 2011 đến nay, song câu chuyện chia sẻ giữa các ông bố bà mẹ về nỗi khao khát con cái khi hiếm muộn và niềm hạnh phúc khi sinh được một đứa trẻ khiến nhiều người nghẹn ngào.
Cưới nhau từ năm 1995, anh Hồ Ngọc Tuấn và chị Cổ Thị Diễm ở Sóc Trăng mong mỏi có đứa con đầu lòng để cuộc sống gia đình thêm hạnh phúc. Một năm, 2 năm, rồi vài năm trôi qua mà tình yêu hai người vẫn chưa “đơm hoa kết trái”.
Năm 2000, cả hai quyết định khăn gói lên bệnh viện lớn ở TP HCM để khám, kết quả vẫn không khả quan. Về lại quê nhà tại Sóc Trăng, cứ nghe ai mách ở đâu có thầy hay thuốc tốt là anh chị không quản ngại xa xôi, tốn kém tìm đến, thuốc Tây, thuốc ta có đủ, nhưng vận may vẫn chưa đến. Tuy buồn nhưng hy vọng có con vẫn chưa bao giờ nguôi trong lòng hai vợ chồng.
Vợ chồng anh Tuấn đón 2 con đầu lòng sau 16 năm hiếm muộn. Ảnh: Hà Mai.
Đến năm 2011, một người bạn khuyên anh nên thử đến Bệnh viện phụ sản quốc tế Phương Châu TP Cần Thơ để được tư vấn và làm các xét nghiệm kiểm tra. “Đến đây chúng tôi được tư vấn nên làm thụ tinh ống nghiệm và quyết định thực hiện. Không ngờ chỉ cần làm một lần duy nhất mà vợ tôi đã mang thai. Mình đàn ông sao cũng được, nhưng nhìn cảnh bà xã phải mệt mỏi uống thuốc kích thích buồng trứng cả tháng trời không cầm lòng được”, anh Tuấn xúc động nói.
Và rồi điều mong đợi của hai vợ chồng cũng đến, chị Diễm sinh hạ được hai bé, một trai một gái rất kháu khỉnh. Hai bé đã được gần hai tháng tuổi và phát triển khỏe mạnh bình thường. “Chúng tôi thật hạnh phúc và vui mừng không thể tả được. Chờ đợi suốt 16 năm ròng, đến nay đã được làm cha làm mẹ mà còn hạnh phúc hơn khi trai gái đều có đủ”, chị Diễm vui vẻ nói.
Còn chị Lê Nguyễn, sống tại Cần Thơ, đã phải rất “kiên cường” để giữ lại được đứa con được thụ tinh ống nghiệm của mình. Mẹ chồng chị tâm sự: “Hai đứa cưới nhau năm 2009. Năm đầu chưa thấy tụi nó có con, cứ tưởng hai đứa kế hoạch. Nhưng qua năm sau vẫn thấy chưa có cháu bồng tui bắt đầu sốt ruột. Tham khảo sách báo, Internet…, rồi hai đứa nó đi khám nhiều nơi cuối cùng về Bệnh viện phụ sản quốc tế Phương Châu”.
Tại đây, chị thực hiện thụ tinh ống nghiệm và cấy đậu được 2 phôi. Đến tuần thứ 7 thì một phôi bị thoái hóa, chỉ còn lại một. Chưa hết đến tuần thứ 11 thì chị bị xuất huyết, bác sĩ chẩn đoán khả năng “dọa sảy thai” rất cao, khả năng bóc tách 30%. Vì vậy chị phải vào bệnh viện nằm dưỡng một tháng để bác sĩ theo dõi.
Qua một tuần nằm viện, chị choáng váng khi nghe bác sĩ thông báo khả năng bóc tách của thai là 40%, khả năng giữ em bé không cao vì thể trạng sức khỏe người mẹ quá yếu. Chị và gia đình quyết định phải giữ bé bằng mọi cách. Người mẹ “chiến đấu” với bản thân, luôn phải giữ tinh thần ổn định, tăng cường sức khỏe. Bên cạnh đó các bác sĩ áp dụng nhiều biện pháp chuyên môn để giữ bé. Sau một tháng thì chị khỏe mạnh và được xuất viện. Bé gái con chị được sinh lúc 37 tuần, nặng 2,7 kg trong niềm vui của gia đình và cả bác sĩ điều trị.
40 em bé đầu tiên chào đời bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm ở vùng sông nước Cửu Long. Ảnh: Hà Mai.
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Phó Chủ tịch Hội Phụ sản khoa và Sinh đẻ có kế hoạch Việt Nam, cho biết mặc dù đã tham gia chương trình thụ tinh ống nghiệm cho em bé đầu tiên tại Việt Nam vào năm 1998 nhưng lần nào được gặp hoặc xem hình ảnh về các bé thụ tinh ống nghiệm vẫn đem đến cho bà cảm giác xúc động. “Thật vui khi được chia sẻ cảm xúc với các bà mẹ lần đầu được thực hiện thiên chức của mình, đem lại hạnh phúc cho gia đình và cả xã hội”, bà nói.
Phân tích tác động xã hội từ thành công trong kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm của IVF, bà Phượng cho rằng những đôi vợ chồng hiếm muộn ở miền Tây được lợi thế có thể giảm chi phí đi lại, ăn ở so với điều trị tại các sơ sở y tế ở TP HCM, phôi thai cũng an toàn hơn do không phải di chuyển nhiều.
"Hơn nữa khác biệt về văn hóa, ẩm thực, hay tình trạng đông đúc chen lấn của các bệnh viện tuyến trên cũng ảnh hưởng không ít đến tâm lý bà mẹ, gây khó khăn cho quá trình điều trị”, bác sĩ Phượng nói.
IVF Mekong thuộc Bệnh viện phụ sản quốc tế Phương Châu TP Cần Thơ là trung tâm thụ tinh ống nghiệm đầu tiên tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long và là trung tâm thứ 2 của cả nước đạt tiêu chuẩn "phòng sạch - clean room) trong nuôi cấy phôi. Từ năm 2011 đến nay, trung tâm đã thực hiện được hơn 2.500 lượt khám, tư vấn hiếm muộn. Theo đó độ tuổi của bệnh nhân thụ tinh ống nghiệm từ 22 đến 45, số năm mong con 1-18 năm. Chỉ định thụ tinh ống nghiệm có đến 63,8% do tinh trùng yếu, dị dạng, 9,6% không tinh trùng, 5,3% tai vòi, 2,1% chưa rõ nguyên nhân và 19,2% do nguyên nhân khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét