Khoa sản không có bác sĩ sản khoa
Thời gian gần đây, nhiều nơi trong đó có TPHCM, rộ lên tình trạng tử vong mẹ lẫn thai nhi, rồi tầm soát tiền sản bỏ sót dấu hiệu bệnh... Có ý kiến cho rằng bác sĩ tắc trách, người lại nói là do tình trạng bỏ rơi tuyến dưới của ngành y tế.
Trong những ngày đi thực tế tại các bệnh viện quận/huyện của TPHCM, chúng tôi thật sự giật mình với những gì đang tồn tại.
Nhà
nước cần đầu tư đào tạo về nhân lực, trang bị máy móc ít nhất là đủ cho
một cuộc sinh nở bình thường cho bệnh viện quận/huyện (ảnh mang tính
minh hoạ). Ảnh: Trần Việt Đức
Bác sĩ chuyên nội khoa phụ trách khoa sản
Trong ba ngày từ 29 -
31/5, chúng tôi đã đi thực tế các khoa sản tại bệnh viện quận 7, 10, Nhà
Bè, Phú Nhuận, Gò Vấp của TPHCM; và ghi nhận hầu hết các bệnh viện
quận/huyện chỉ khám phụ khoa là chính, sản phụ đa số là những người sinh
thường và không có bệnh lý gì trước đó. Cơ sở vật chất thiếu thốn
nhiều, không có lồng ấp, không có đèn chiếu vàng da, máy đo tim thai...
Thiếu bác sĩ, đặc biệt những bác sĩ có tay nghề nên việc tầm soát và đỡ
sinh còn thiếu kinh nghiệm và nhiều rủi ro.
Ngày 29/5, tại bệnh
viện quận Gò Vấp, hai phòng tại khoa sản có khoảng mười bệnh nhân đang
nằm dưỡng thai, truyền nước, trong đó có tới 7 người là công nhân làm
tại quận Gò Vấp và quận 12. Chị N.T. Thương, một công nhân, cho biết chị
đã nằm dưỡng thai và dự sinh ở đây vì bác sĩ nói sinh thường. Trong quá
trình sinh nếu có gì khó khăn bệnh viện sẽ chuyển xuống bệnh viện nhân
dân Gia Định.
Chúng tôi giật mình
khi bác sĩ Phạm Đình Thảo, phó giám đốc bệnh viện Gò Vấp cho hay, khoa
sản của bệnh viện có 16 nữ hộ sinh đỡ đẻ, tất cả đều có trình độ trung
cấp, không có bác sĩ sản khoa nên bản thân ông là một bác sĩ chuyên khoa
2 về nội khoa phải điều hành khoa sản. Theo ông, mặc dù mỗi tháng bệnh
viện vẫn tiếp nhận sinh thường 20 - 30 ca, nhưng hầu hết là người nghèo.
Những người có điều kiện họ sẽ thêm tiền để lên Từ Dũ, Hùng Vương và
một số bệnh viện lớn chứ không chọn sinh ở quận, bởi ở bệnh viện
quận/huyện nói chung hiện nay bác sĩ sản khoa thiếu trầm trọng, cộng
thêm trang thiết bị chẩn đoán còn hiếm, khoa hồi sức sản khoa của bệnh
viện không đủ tiêu chuẩn. Một bệnh viện quận muốn giữ sinh những ca khó
thì bác sĩ sản khoa phải đứng đầu, người đỡ sinh phải có kinh nghiệm lâu
năm, khu mổ bắt con phải có phòng hồi sức, hồi sức sơ sinh, hậu phẫu
cho mẹ, phải có ngân hàng máu… Nhưng hầu hết những điều kiện trên, bệnh
viện quận/huyện hiện nay không đáp ứng được.
Tại bệnh viện quận Phú
Nhuận, khoa sản có mười giường ở tầng trệt nhưng chỉ có hai bệnh nhân
nằm truyền nước. Đã 11h trưa nhưng con số thứ tự khám phụ khoa dừng ở số
16. Phòng chờ sinh và cấp cứu sản khoa khoá cửa, phòng khám sản khoa
dừng ở con số 8 bệnh nhân. Phòng dịch vụ hậu sản không có bệnh nhân nằm.
Tương tự tại khoa sản của bệnh viện quận 7, Nhà Bè, mặc dù mặt bằng của
bệnh viện và khoa sản khá lý tưởng nhưng hầu hết các phòng bệnh đều
trống vắng, cơ sở vật chất chỉ đáp ứng cho một cuộc sinh thường, nếu có
tai biến y khoa có lẽ sẽ khó trở tay kịp.
Theo bác sĩ Nguyễn
Thanh Sơn, giám đốc bệnh viện quận Phú Nhuận, những ca sinh thường ở
bệnh viện này tháng cao nhất cũng chỉ khoảng 30 - 40 ca. Đa số những ca
này đều khoẻ mạnh và đã từng sinh con đầu bình thường bệnh viện mới dám
nhận. Đối với những ca khó, bệnh viện không dám giữ lại mà chuyển thẳng
lên bệnh viện Gia Định, Từ Dũ, Hùng Vương. Bác sĩ Sơn cho biết cả ba
phòng mổ của bệnh viện không đủ tiêu chuẩn khép kín, bác sĩ sản khoa chỉ
có hai người, trong đó một người nghỉ hưu được hợp đồng lại; trang
thiết bị, máy móc theo dõi sản khoa còn thiếu, kể cả máy đo tim thai…
Bao giờ?
Vào cuối tháng 5 vừa
qua, bộ Y tế đã tổ chức hội nghị tăng cường thực hiện đề án vệ tinh, đề
án đưa bác sĩ tuyến trên về cơ sở, trong đó có đề cập đến những tai biến
sản khoa xảy ra liên tục gần đây ở bệnh viện tuyến dưới. Bộ trưởng bộ Y
tế nhấn mạnh là phải tập trung xây dựng bệnh viện vệ tinh đối với những
chuyên khoa quá tải, trong đó có khoa sản tại Hà Nội và TP.HCM. Tuy
nhiên, như chúng tôi phản ánh ở trên, tại các bệnh viện quận/huyện của
TP.HCM, mặc dù không sử dụng hết công suất giường bệnh nhưng bác sĩ sản
khoa rất hiếm, phương tiện kỹ thuật không có.
Tại bệnh viện quận Gò
Vấp, bác sĩ Thảo cho rằng bác sĩ sản giỏi không chịu về bệnh viện quận,
đa số các bác sĩ học xong về bệnh viện quận thực tập hai - ba năm rồi
xin đi học chuyên khoa. Khi “đủ lông đủ cánh” thì “bay” mất. Bệnh viện
nhân dân Gia Định cũng đã từng xuống hỗ trợ bệnh viện Gò Vấp về chuyên
khoa sản, nhưng không thành công vì ở đây không có nhân sự phù hợp.
Với những gì đang diễn
ra, bác sĩ Thanh Sơn nhận định, khoa sản ở bệnh viện quận/huyện khó
phát triển vì bác sĩ ở bệnh viện quận ít được tiếp xúc với bệnh nhân,
không đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị nên họ không chuyên tâm vào phát
triển khoa sản.
Lãnh đạo các bệnh viện
tuyến quận/huyện mà chúng tôi tiếp cận đề xuất: Nhà nước cần trang bị
đầu tư đào tạo về nhân lực, trang bị máy móc ít nhất là đủ cho một cuộc
sinh nở bình thường cho bệnh viện quận/huyện. Bên cạnh đó, các bệnh viện
tuyến trên như bệnh viện Từ Dũ, Hùng Vương nên liên tục cho bác sĩ
xuống trao đổi kinh nghiệm, vừa làm vừa hướng dẫn cho các bác sĩ tuyến
dưới và nữ hộ sinh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét