Nhiều nghi kỵ từ vụ 12 người nhiễm HIV trong một ấp
Cùng lúc phát hiện nhiều người nhiễm virus căn bệnh thế
kỷ là chuyện chưa có tiền lệ ở một ấp vùng quê Bến Tre, làm dấy lên
nhiều nghi kỵ về quan hệ tình dục bừa bãi, thậm chí "đổ tội" cho một y
sĩ về hưu.
> Một ấp có trên 10 người nhiễm HIV chưa rõ nguyên nhân/ Truy tìm nguyên nhân một ấp có 12 người nhiễm HIV
Trong một lần chữa bệnh ở TP HCM, ông Cương ở ấp Phú
Đăng (xã Ngãi Đăng, Mỏ Cày Nam) bất ngờ đến thảng thốt khi nghe bệnh
viện thông báo mình bị nhiễm HIV. Tin này lan nhanh làm cả xóm xôn xao.
Ông Hà trong xóm cũng giật mình lo lắng, hoài nghi khi cũng có những
biểu hiện đau nhức, sốt nhẹ trong thời gian dài như ông Cương. Và, kết
quả xét nghiệm từ Viện Pasteur TP HCM xác định ông Hà cũng dương tính
với virus HIV.
Ngay sau đó, 28 người, cả đàn ông và phụ nữ trong ấp
này đã đến Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Bến Tre xét nghiệm thì
đến 9 (đều là đàn ông) dương tính với virus HIV.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết,
cả 11 trường hợp này được phát hiện từ đầu tháng 4, cùng với một người
được phát hiện bị HIV từ nhiều năm trước, tổng cộng 12 người. Mức độ
nhiễm bệnh của mỗi người khác nhau và đã có trường hợp bắt đầu chuyển
sang giai đoạn AIDS.
Một người vừa phát hiện nhiễm HIV ở ấp Ngãi Đăng. Ảnh: Trúc Giang. |
Phát hiện cùng lúc nhiều người nhiễm HIV, trong cùng
một thời điểm, ở cùng một ấp là điều chưa có tiền lệ ở Bến Tre. Một câu
hỏi lớn được đặt ra, vì sao một làng quê xa lắc như Ngãi Đăng lại có quá
nhiều người nhiễm HIV? Chỉ có 3 con đường lây nhiễm HIV là qua đường
máu, tình dục và từ mẹ sang con. Với những người đàn ông ở Ngãi Đăng thì
đã loại trừ khả năng thứ 3, từ mẹ sang con.
Hiện hầu hết bệnh nhân đều cho rằng mình bị lây bệnh
qua đường máu, và thủ phạm chính là ông y sĩ trong vùng. Họ cho rằng
trong thời gian điều trị bệnh ở phòng mạch riêng của y sĩ này, thấy ông
dùng chung một lọ thuốc để chích cho nhiều bệnh nhân và có thể virus HIV
đã lây nhiễm trong quá trình này.
Mặc khác, ở Ngãi Đăng đã có một gái mại dâm chết vì
HIV, nên giả thiết cũng không loại trừ khả năng họ lây nhiễm qua đường
tình dục.
Theo Sở Y tế tỉnh Bến Tre, y sĩ bị "đổ tội" từng là
cán bộ Đội vệ sinh phòng dịch Trung tâm Y tế huyện Mỏ Cày Nam và bắt đầu
khám chữa bệnh tại Ngãi Đăng sau khi về hưu. Ông này có lỗi là hành
nghề khám chữa bệnh nhưng không có chứng chỉ hành nghề và từng bị ngành
chức năng xử phạt. Nhưng, theo Sở Y tế, điều đó không đồng nghĩa với
việc khẳng định ông có sai sót trong chuyên môn để dẫn đến lây nhiễm HIV
hàng loạt.
Ông y sĩ này cũng minh chứng sự vô can của mình khi
cho biết đa số bệnh nhân của ông là phụ nữ và trẻ em, nhưng những người
bị nhiễm HIV mới phát hiện ở ấp đều là nam giới. Hơn nữa, hai người (một
nam, một nữ) chết vì AIDS trên địa bàn xã chưa từng là bệnh nhân của
ông.
Về nghi vấn “dùng chung lọ thuốc”, Phó Giám đốc Sở Y
tế Bến Tre Nguyễn Văn Thắng nói đây cũng có thể xem là một nguy cơ,
nhưng tỷ lệ rất thấp. Phòng mạch tư của viên y sĩ không dành riêng điều
trị cho nam giới, mà thông thường bệnh nhân nữ và trẻ em nhiều hơn. "Vì
vậy không có cơ sở để khẳng định viên y sĩ là thủ phạm của tình trạng
nhiễm HIV tập thể này", ông Thắng khẳng định.
“Nếu nói ở Ngãi Đăng có gái mại dâm chết vì AIDS nên
những người đàn ông ở đây nhiễm HIV là do quan hệ với gái mại dâm, thì
tôi không đồng tình”, ông Trần Tấn Đạt, Giám đốc Trung tâm phòng chống
HIV/AIDS nêu quan điểm. Theo ông Đạt, nếu những người nhiễm HIV ở Ngãi
Đăng không lây qua đường máu thì lây đường tình dục là mặc nhiên, nhưng
"hành vi nào mới là quan trọng. Đó là sự vô tình, thụ động hay cố ý thì
cũng phải được xem xét kỹ. Không phải hễ một người bị lây nhiễm HIV qua
đường tình dục là quy kết họ có quan hệ với gái mại dâm mắc bệnh".
11 người nhiễm HIV ở Ngãi Đăng dù mới phát hiện nhưng
có vài người trong số họ đã bắt đầu chuyển sang AIDS. Điều đó chứng tỏ
thời gian nhiễm virus của họ phải ít nhất từ 5 năm. Theo Phó Giáo sư,
Tiến sĩ Trương Xuân Liên, Trưởng Đoàn công tác của Viện Pasteur đến làm
việc với ngành y tế Bến Tre vào chiều 1/6, rất khó xác định nguồn gốc
lây nhiễm ở các bệnh nhân này. Lý do, khi lây nhiễm đã diễn ra từ rất
lâu thì việc xác định được cơ sở chắc chắn là không dễ.
Hiểu rõ nguyên nhân lây
nhiễm HIV để có giải pháp phòng tránh hợp lý là cần thiết, nhưng đó là
điều dành cho cộng đồng, những người chưa nhiễm. Còn với
những người đã nhiễm, truy tìm nguyên nhân không phải là yếu tố quan
trọng. Vấn đề chính là cộng đồng nhìn họ, đối xử với họ như thế nào.
“Bất kỳ người nhiễm HIV nào khi mới phát hiện cũng rất hoang mang, đó là
tâm lý của sự sợ bị kỳ thị, sợ bị bỏ rơi không ai chăm sóc. Những người
nhiễm HIV ở Ngãi Đăng luôn bảo rằng phải giải oan cho họ. Tôi đã nói
với họ rất nhiều lần rằng đây là một loại bệnh mà họ là nạn nhân và cần
được giúp đỡ chứ đâu có gì phải giải oan”, ông Trần Tấn Đạt chia sẻ.
Sự lây nhiễm HIV qua đường máu, tình dục và từ mẹ sang
con, nghĩa là virus không chừa bất kỳ ai. Những hoạt động hàng ngày có
liên quan đến máu như truyền máu, tiêm chích, bàn chải đánh răng, dao
cạo râu, hớt tóc... quan hệ tình dục không an toàn với người không biết
rõ lịch sử tình dục, đều có nguy cơ nhiễm HIV. Nhưng có những quan hệ
tình dục lành mạnh (với người yêu, vợ hoặc chồng) vẫn bị nhiễm HIV, nếu
người trong cuộc không biết mình mang virus. Hoặc, có những công việc
phải tiếp xúc hoặc vô tình tiếp xúc với máu có virus HIV thì vẫn có nguy
cơ bị lây bệnh.
"Vì vậy, người nhiễm HIV là nạn nhân của đại dịch HIV,
chứ không thể đánh đồng họ là tệ nạn xã hội", Phó giáo sư, tiến sĩ
Trương Xuân Liên nói và khẳng định điều cần làm bây giờ ở Ngãi Đăng là
ổn định tình hình, làm cho dân yên lòng và hạn chế bệnh lây lan.
Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Bến Tre là đơn vị duy
nhất của tỉnh được phép xét nghiệm khẳng định HIV. Ngay từ khi phát hiện
ca bệnh đầu tiên ở Ngãi Đăng, ngành y tế Bến Tre đã chủ động vào cuộc,
truyền thông, tư vấn cho bệnh nhân và gia đình họ hiểu biết sâu, rõ hơn
về căn bệnh này.
Ông Trần Tấn Đạt cho biết, trong hai tháng qua, các
bệnh nhân đã uống thuốc đều đặn, được tư vấn ổn định tâm lý. Vấn đề bây
giờ là họ đang rất khổ sở vì dư luận. Vì vậy việc tiếp tục tuyên truyền
để mọi người hiểu, chia sẻ và cảm thông, không kỳ thị với họ là điều
quan trọng.
“Cùng hành động để bảo vệ bệnh nhân nhiễm HIV, để bảo
vệ cộng đồng dân cư chứ không phải cố tìm nguyên nhân nhiễm bệnh của mỗi
bệnh nhân cho kỳ được. Người nhiễm HIV là nạn nhân của căn bệnh thế kỷ
chứ không phải là thủ phạm của một vụ án”, ông Đạt bức xúc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét