Thứ Tư, 6 tháng 6, 2012

'Một năm là đủ để bác sĩ quen nhận phong bì'

'Một năm là đủ để bác sĩ quen nhận phong bì'

Một cán bộ y tế có thể nhận phong bì của bệnh nhân không ngại ngần sau 1-3 năm công tác tại bệnh viện, đặc biệt ở khoa sản và ngoại, theo khảo sát của Tổ chức Hướng tới Minh bạch. Đây là thời gian thử thách vào biên chế.
> 'Cơ chế quản lý đẩy y bác sĩ đến chỗ nhận phong bì'
> Văn hóa phong bì bệnh viện: 'Hối lộ thì không, cảm ơn thì nhận'

Đây là một trong những kết quả của nghiên cứu định tính mới nhất mà Tổ chức Hướng tới Minh bạch - Cơ quan đầu mối quốc gia của Tổ chức Minh bạch Quốc tế cùng Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng công bố sáng 6/6 tại Hà Nội.
Nghiên cứu phỏng vấn 17 cán bộ quản lý, hoạch định chính sách, đại diện các tổ chức, 119 cán bộ y tế và bệnh nhân; đồng thời thảo luận nhóm (9 cuộc). Theo các chuyên gia, dù số lượng người tham gia nghiên cứu không nhiều, nhưng bằng phương pháp phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm, đã đi sâu tìm hiểu và khai thác được nhiều khía cạnh cũng như gốc rễ vấn đề.
Nghiên cứu được tiến hành tại 4 tỉnh là Hà Nội, Sơn La, Đăk Lăk và Cần Thơ từ tháng 8/2010 đến tháng 2/2011.
Kết quả cho thấy, "chi phí không chính thức" trong dịch vụ y tế bắt đầu phổ biến từ năm 2000 và ngày càng gia tăng, với hình thức chủ yếu là đưa tiền trực tiếp và để tiền trong phong bì. Các hình thức khác có thể là biếu quà bằng hiện vật và tặng “cơ hội” cho nhân viên y tế.
Hình thức tặng "cơ hội" cho bác sĩ mới xuất hiện mấy năm gần đây và chỉ có ở các thành phố lớn, như giới thiệu suất mua nhà giá gốc, xin học cho con vào trường danh tiếng, mua hàng nước ngoài...
"Cô bạn tôi, khi phải vào viện, đã tìm cách tiếp cận với một bác sĩ có vị trí cao và chỉ sau vài câu trò chuyện gợi mở về các 'cơ hội' có thể dành cho bác sĩ hay người nhà họ, cô đã khiến chính bác sĩ phải hỏi xin số điện thoại của mình và chỉ sau hai cuộc gọi thì hai người thân thiết như người nhà. Sau đó, mỗi lần cô ấy hay người thân, bạn bè... phải vào viện khám, chữa thì dù nửa đêm gọi, vị bác sĩ kia cũng sẵn sàng tới ngay", bà Trần Thị Thu Hà, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng - thành viên nhóm nghiên cứu, dẫn chứng.
Bà Hà cho biết, có sự chênh lệch lớn về giá trị các khoản tiền đưa theo phong bì giữa bệnh viện tuyến trên và tuyến dưới, giữa thành thị và nông thôn, dao động từ 50.000 đồng đến 5 triệu đồng, ngoại lệ lên tới vài chục triệu đồng.
Quá tải bệnh viện là một trong những nguyên nhân nảy sinh tình trạng phong bì. Hình ảnh tại bệnh viện K.
Quá tải bệnh viện là một trong những nguyên nhân nảy sinh tình trạng phong bì. Hình ảnh có tính chất minh họa tại bệnh viện K. Ảnh: Minh Thùy.
Về động cơ "lót tay" cho bác sĩ, trong khi hầu hết nhân viên y tế cho rằng các khoản này là do người bệnh tự nguyện đưa thì chỉ có một số ít bệnh nhân nói họ làm điều này xuất phát từ tấm lòng.
Khoảng một nửa số bệnh nhân được phỏng vấn cho biết họ đưa tiền hay quà vì thấy “mọi người đều làm như vậy” và 1/3 số người bệnh nói đôi khi nhân viên y tế đòi hỏi phong bì theo cách thức rất tinh vi.
Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy có nhiều lý do để bệnh nhân đưa, và nhân viên y tế nhận các khoản chi phí không chính thức. Với bệnh nhân, đưa phong bì là cách giúp họ được quan tâm và điều trị hoặc được điều trị với chất lượng tốt hơn, hoặc đơn giản là để khỏi cảm thấy xấu hổ. Còn nhân viên y tế nhận tiền hoặc phong bì thường là để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, để mở rộng quan hệ xã hội hoặc đơn giản là để không làm bệnh nhân thất vọng.
Những người được phỏng vấn - cả nhân viên y tế và các nhà hoạch định chính sách đều cho rằng các khoản chi phí không chính thức có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới dịch vụ y tế ở Việt Nam, làm xói mòn niềm tin và sự tôn trọng của bệnh nhân đối với hệ thống y tế, đồng thời có thể gây mâu thuẫn trong nội bộ khoa phòng của các cơ sở y tế.
Theo các nhân viên y tế, không có sự khác biệt trong chất lượng điều trị cho bệnh nhân, dù họ có hay không đưa phong bì. Tuy nhiên, các bác sĩ và điều dưỡng được phỏng vấn cũng cho rằng phong bì có thể giúp bệnh nhân được “tư vấn nhẹ nhàng” như tư vấn lâu hơn, thái độ giao tiếp tốt hơn, quan tâm hơn sau phẫu thuật.
“Từ khía cạnh công bằng trong chăm sóc sức khỏe, chất lượng điều trị chắc chắn bị ảnh hưởng khi ưu tiên điều trị không được thực hiện căn cứ theo tình trạng bệnh tật mà bị tác động bởi tiền bạc”, tiến sĩ Trần Tuấn, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng bày tỏ.
Theo ông, điều này cho thấy y tế là ngành dịch vụ có vô cùng nhiều quyền lực khi khiến người bệnh cảm thấy có lỗi nếu không biếu tiền người phục vụ mình. "Nhưng rõ ràng, một ngành dịch vụ mà vừa thu tiền vừa thu lòng biết ơn là không lành mạnh", ông nói.
Từ đầu tháng 10/2011, Công đoàn Y tế cũng phát động một phong trào thực hiện quy tắc ứng xử nhằm nâng cao y đức của nhân viên y tế, trong đó có nội dung bác sĩ nói không với phong bì. Theo đó, 5 bệnh viện lớn tại Hà Nội là Bạch Mai, Việt Đức, Phụ sản Trung ương, K và E đã ký cam kết thực hiện đầu tiên.
Sau hơn nửa năm đi vào thực tế, theo ghi nhận của VnExpress.net, tình trạng đưa và nhận phong bì vẫn khá phổ biến tại hầu khắp bệnh viện này.
Chờ tin người thân trước cửa phòng Hồi sức Bệnh viện Việt Đức Hà Nội, ông Lâm (Hưng Yên) cho biết, sau khi con trai mổ chấn thương sọ não vì tai nạn giao thông, ông đã "cảm ơn" bác sĩ bằng một phong bì 2 triệu đồng.
"Từ lúc cháu mổ xong và chuyển xuống phòng hồi sức thì lại tiếp tục phải 'nhờ' các bác sĩ dưới này. Đã vào viện là xác định phải đưa thêm cho bác sĩ rồi, nhất là khi tính mạng con mình lại ngàn cân treo sợi tóc", ông Lâm nói.
Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, tình trạng này cũng xảy ra tương tự.
"Đưa tiền trước là bác sĩ không nhận đâu, xong xuôi mọi việc thì họ không từ chối. Mổ thì 3 triệu, đẻ thường 1 triệu đồng, người trước bảo người sau, cứ thế mà theo thôi", một người đàn ông trẻ tuổi đứng đợi trước nhà G, Bệnh viện Phụ sản Trung ương chia sẻ kinh nghiệm đưa vợ đi đẻ. Anh cho biết, vợ anh sinh mổ, đã nhờ trước một bác sĩ quen và đưa phong bì đúng theo "luật bất thành văn" kể trên.
Cũng có những trường hợp, bản thân người bệnh cảm thấy áy náy nếu không "lót tay" cho bác sĩ. Có người thân sắp mổ tại Trung tâm phẫu thuật cột sống (Bệnh viện Việt Đức) anh Nguyễn Văn Hải quê Bắc Ninh cho biết, những người bệnh cùng phòng đều nói, các bác sĩ ở đây không nhận phong bì và bệnh của mẹ anh nhẹ nên không cần đưa, nhưng anh không yên tâm nếu "không có gì".
"Theo lịch thì mai mẹ tôi mổ, tôi đang nghĩ cách nào để bác sĩ nhận tiền cho", anh Hải thổ lộ.
Theo các chuyên gia, y tế là ngành dịch vụ có nhiều quyền lực khi khiến người bệnh cảm thấy có lỗi nếu không biếu tiền người phục vụ mình. Ảnh chỉ có tính chất minh họa: Minh Thùy.
Một cán bộ Công đoàn Y tế Việt Nam cho biết, đang tiến hành tổng kết hiệu quả của phong trào này. Theo bà, chưa thể nói là phong trào này có giúp giảm hiện tượng "phong bì" trong bệnh viện hay không, nhưng đây là dịp để khơi dậy y đức cũng như đào tạo lại thái độ ứng xử của nhân viên y tế. Sau khi tổng kết, có thể Công đoàn y tế sẽ nhân rộng việc thực hiện phong trào này tới nhiều bệnh viện tại Hà Nội và các địa phương khác.
Theo kết quả nghiên cứu của Tổ chức Hướng tới Minh bạch và Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng, các biện pháp đã áp dụng để kiểm soát chi phí không chính thức trong dịch vụ y tế (như hạ bậc hạnh kiểm và xử phạt hành chính người vi phạm; tạo cơ chế mở cho bệnh nhân phản ánh và góp ý...) đa phần mang tính hình thức và không mấy hiệu quả.
Giáo sư Nguyễn Đức Vy, nguyên giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Chủ tịch hội sản phụ khoa Việt Nam, cho rằng các biện pháp xóa phong bì chỉ khả thi khi đưa mức thu dịch vụ y tế ngang bằng với các nước trên thế giới hoặc quay về thời bao cấp; còn nếu như hiện nay, theo kiểu bệnh viện công - cơ chế tư thì sẽ không thể khắc phục được.
Ngoài ra, theo ông, muốn làm được điều này, bệnh viện phải tự chủ, giám đốc bệnh viện phải chịu hoàn toàn trách nhiệm quản lý, xử lý nhân viên của mình bằng kỷ luật nghiêm minh, sẵn sàng cho nghỉ việc ngay những cá nhân nhận phong bì hối lộ. Và có thể xây dựng một bệnh viện điểm hoàn toàn không có phong bì.
Minh Thùy


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét