Thứ Năm, 11 tháng 10, 2012

2.600 tỉ đồng phát triển bệnh viện vệ tinh

2.600 tỉ đồng phát triển bệnh viện vệ tinh


TT - Trong hội thảo trực tuyến “Phê duyệt đề án bệnh viện (BV) vệ tinh khu vực phía Nam” được tổ chức ngày 11-10, bảy BV tại TP.HCM đã báo cáo kế hoạch thực hiện đề án BV vệ tinh.
Các BV gồm Chợ Rẫy, Từ Dũ, Nhân Dân Gia Định, Chấn thương chỉnh hình, Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2 và Ung bướu.


Mạng lưới bệnh viện vệ tinh chuyên ngành nhi của Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2 ở khu vực phía Nam- Nguồn: Bộ Y tế - Ảnh: Minh Đức
Theo đó, BV vệ tinh là mô hình BV ở tuyến dưới do các BV có thương hiệu và uy tín ở tuyến trên xây dựng và chuyển giao công nghệ, kỹ thuật, nhân lực nhằm giảm tải cho những BV đang quá tải.
100 vệ tinh
Theo báo cáo của các BV tại hội thảo, khi triển khai các đơn vị vệ tinh ở địa phương sẽ xem xét kỹ các tiêu chí để quyết định có triển khai hay không. Các tiêu chí đó nhấn mạnh vào những yếu tố như: vị trí địa lý thuận lợi, mật độ dân cư đông, các BV tỉnh có chuyên khoa liên quan đến tình trạng quá tải của BV hạt nhân, có cơ sở vật chất, kỹ thuật tương đối và đặc biệt là có sự cam kết và quyết tâm thực hiện đề án của lãnh đạo địa phương đó. BV ở địa phương nào cam kết thực hiện BV vệ tinh thì UBND tỉnh đó đồng thời phải cam kết với Bộ Y tế để thực hiện một cách tốt nhất. Khi các tiêu chí này phù hợp, các BV hạt nhân mới nên triển khai BV vệ tinh ở đó để tránh tình trạng triển khai xong hoạt động èo uột vì không có đủ các yếu tố thuận lợi.
Theo đề án BV vệ tinh giai đoạn 2012-2020 của Bộ Y tế thì nguồn kinh phí thực hiện dự kiến là 2.600 tỉ đồng, trong đó 2.000 tỉ đồng dành cho xây dựng 100 vệ tinh và 600 tỉ đồng là kinh phí đào tạo, chuyển giao kỹ thuật. Nguồn từ đề án 1816 (đề án giảm tải BV tuyến trên), đề án BV vệ tinh, kinh phí đối ứng của địa phương và các nguồn hợp pháp khác.
Đề án của các BV đều được chia làm hai giai đoạn thực hiện: giai đoạn 1 sẽ tập trung xây dựng, thành lập các khoa và BV vệ tinh. Trong giai đoạn này các BV hạt nhân sẽ tập trung tư vấn, huấn luyện nhân sự và chuyển giao công nghệ cho các đơn vị vệ tinh của mình. Giai đoạn 2 các BV hạt nhân sẽ tập trung củng cố, duy trì hoạt động và nâng cao năng lực của các đơn vị vệ tinh.
Nên tập trung vào các ngành đang quá tải
Theo góp ý của lãnh đạo Bộ Y tế cho đề án của các BV, không nên triển khai quá nhiều các đơn vị vệ tinh vì sẽ gặp khó khăn khi không đáp ứng được nhân lực và vật lực. Khi triển khai các BV vệ tinh, các BV hạt nhân nên tập trung vào các chuyên ngành đang thường xuyên quá tải: ung bướu, sản khoa, nhi khoa, tim mạch và chấn thương chỉnh hình. Vấn đề về mua sắm trang thiết bị kỹ thuật, bộ cũng lưu ý các BV nên lựa chọn, tư vấn kỹ để đầu tư hiệu quả, tránh lãng phí.
Các BV cũng đã bày tỏ mong muốn Bộ Y tế nên xây dựng những chính sách, khung pháp lý và cơ chế hoạt động thống nhất cho các đơn vị vệ tinh để đề án được thực hiện tốt hơn, tránh sự chồng chéo trong chỉ đạo giữa bộ và sở.
Nguồn nhân lực: quyết định sự thành công
Một vấn đề mà các BV đều gặp khó khăn trong quá trình thực hiện đề án là nhân lực. PGS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn nhân lực để triển khai đề án. TP.HCM mặc dù đã có lợi thế là có riêng trường đào tạo cán bộ y tế (Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch) nhưng vẫn rất khó khăn để đáp ứng được nhu cầu về nhân lực cho các đơn vị vệ tinh.
Bác sĩ Phạm Xuân Dũng, phó giám đốc BV Ung bướu TP.HCM, cho biết mục tiêu đề án BV vệ tinh của BV Ung bướu là ở giai đoạn 1 sẽ đào tạo 60 bác sĩ thực hành ung thư cơ bản và nâng cao, 30 bác sĩ phẫu thuật cơ bản, nâng cao, 40 bác sĩ xạ trị, hóa trị và lực lượng đội ngũ điều dưỡng, y tá... Để đào tạo được đội ngũ nhân lực này, theo bác sĩ Dũng, là cả một vấn đề lớn, rất khó khăn chứ không hề đơn giản.
Tại hội thảo, một số ý kiến bày tỏ lo ngại nếu không đào tạo nhân lực và chuyển giao được kỹ thuật cho các đơn vị vệ tinh thì sau một thời gian đi vào hoạt động đơn vị đó sẽ không thể hoạt động được độc lập, phụ thuộc vào BV hạt nhân. Khi đó BV vệ tinh không những không làm được nhiệm vụ giảm tải mà còn trở thành gánh nặng cho BV hạt nhân. Vì vậy, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực tốt là cực kỳ quan trọng, quyết định sự thành công của đề án.

* BV Chợ Rẫy: dự kiến sẽ thực hiện đề án trong năm năm (2012-2017) với phạm vi thực hiện ở BV đa khoa của sáu tỉnh lân cận: Đồng Nai, Tiền Giang, Bình Dương, Sóc Trăng, Long An, Khánh Hòa. Và tiếp tục mô hình đơn vị vệ tinh tại sáu BV trong TP.HCM: 7A, Điều dưỡng và phục hồi chức năng, Chấn thương chỉnh hình và phục hồi chức năng, Đa khoa Phổ Quang 1, Tân Sơn Nhất, Ngoại thần kinh quốc tế để hỗ trợ, giảm tải cho BV Chợ Rẫy. Tổng kinh phí dự kiến cho đề án là 120 tỉ đồng.
* BV Từ Dũ: dự kiến sẽ thực hiện đề án trong bảy năm (2013-2020) với tám địa điểm: BV Phụ sản Tiền Giang, BV Đa khoa Cần Thơ, BV Lê Lợi (Bà Rịa - Vũng Tàu), BV Đa khoa Tây Ninh, BV Đa khoa Lâm Đồng, BV Ngọc Hồi (Kon Tum), BV Đa khoa Bình Định, BV Đa khoa Ninh Thuận, với kinh phí dự kiến là 201 tỉ đồng.
* BV Nhân Dân Gia Định: sẽ thực hiện trong bốn năm (2012-2016) với hai đơn vị vệ tinh tại BV Đa khoa Lâm Đồng và Trung tâm y tế liên doanh Việt - Nga, kinh phí dự trù là 28,3 tỉ đồng.
* BV Chấn thương chỉnh hình: dự kiến sẽ xây dựng các đơn vị vệ tinh của mình tại các tỉnh thành: Khánh Hòa, Đắk Lắk, Kiên Giang, Cần Thơ, Đồng Nai, chưa xây dựng được kinh phí dự trù.
* BV Ung bướu: sẽ thực hiện đề án trong vòng tám năm (2012-2020) tại năm đơn vị: BV Đa khoa Bình Định, BV Đa khoa Khánh Hòa, BV Đa khoa Đồng Nai, BV Ung bướu Cần thơ, BV Đa khoa Kiên Giang, với tổng kinh phí dự trù là 300 tỉ đồng.
* BV Nhi Đồng 1: sẽ thực hiện trong bốn năm (2013-2017) tại bốn đơn vị: BV Đa khoa Long An, BV Đa khoa Tiền Giang, BV Nhi Đồng Cần Thơ, BV Sản nhi Cà Mau, với kinh phí dự kiến hơn 41 tỉ đồng.
* BV Nhi Đồng 2: sẽ thực hiện đề án trong vòng tám năm (2012-2020) với kinh phí dự trù hơn 500 tỉ đồng tại BV Nhi Đồng Đồng Nai, BV Đa khoa Bà Rịa - Vũng Tàu, BV Sản nhi Đà Nẵng và một số BV ở Tây nguyên.
NGỌC NGA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét