Thứ Năm, 7 tháng 3, 2013

Tiêm thuốc để trắng da?

Chán với việc phải chờ đợi lâu từ các biện pháp làm đẹp truyền thống, nhiều chị em đã chọn cách tiêm thuốc vào tĩnh mạch để có làn da trắng và thân hình thon gọn nhưng kết quả thường không như mong đợi

Sở hữu gương mặt khá đẹp nhưng chị Hoàng Thúy V. (32 tuổi, ngụ Hà Nội) vẫn tự ti vì thân hình đã sồ sề sau vài lần sinh nở. Mặc dù đã tham gia nhiều khóa tập thể dục, uống thuốc giảm cân nhưng chị vẫn “phì nhiêu”. Một tháng trước Tết, tình cờ đọc mẩu quảng cáo về một loại thuốc tiêm làm ốm, nhanh chóng mang lại vóc dáng thon gọn mà không cần kiêng khem, chị Vân “nửa tin, nửa ngờ” rồi quyết thử với hy vọng Tết này sẽ đẹp hơn trong mắt bạn bè.
Ngứa ngáy, bứt rứt, biến dạng!
“Trước khi mua thuốc tiêm, tôi có gọi điện thoại đến công ty và được tư vấn muốn “tiêu” mỡ vùng nào chỉ cần tiêm thuốc trực tiếp trên vùng đó, tự khắc mỡ sẽ tan chảy thành nước. Chỉ cần tiêm hơn 10 mũi, sau 1-2 tháng, cơ thể sẽ giảm từ 5-7 kg” - chị V. kể. Hai tuần đầu tiêm thuốc, chị V. thấy “nhẹ nhõm” hẳn, đến tuần thứ ba, chị V. cảm thấy ngứa ngáy, bứt rứt; những vùng tiêm thuốc có dấu hiệu xơ cứng, vón cục, sưng phù. Cầu cứu bác sĩ trong những ngày giáp Tết, chị được chẩn đoán phản ứng vì thuốc tiêm giảm béo.
Bệnh nhân bị dị ứng sau khi sử dụng các sản phẩm làm trắng da
Chị V. không phải là nạn nhân của việc làm đẹp bằng thuốc tiêm, cách đây ít tháng, hình ảnh một thanh niên ở TPHCM với khuôn mặt biến dạng, mẩn đỏ lan ra hết vùng mặt và khắp cơ thể đến mức rỉ nước vàng gây đau buốt sau khi tiêm thuốc làm trắng da. Xuất hiện trong thời gian gần đây sau một số công nghệ tắm trắng, thuốc uống làm trắng nhưng phương pháp này đặc biệt gây chú ý bởi theo quảng cáo, thời gian trắng da được rút ngắn tối đa.
Các loại thuốc tiêm làm trắng da và tiêu mỡ được quảng cáo phổ biến trên mạng và bán tại nhiều spa được cho là có nguồn gốc từ Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan, Thụy Sĩ với thành phần chủ yếu là collagen, vitamin C, glutathione… đều được quảng cáo có tác dụng làm trắng da và làm sáng vết sẹo, tăng cường tính đàn hồi của da, ngăn chặn sự hình thành của mụn, ngăn ngừa lão hóa, chống nếp nhăn… Giá các loại thuốc này dao động từ 2-3 triệu đồng/hộp. Để “cải tạo” được làn da “trắng không tì vết”, liệu trình “điều trị” phải kéo dài trong 5-7 tháng với hàng chục lần tiêm. “Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều cách làm trắng da như tắm trắng, lột da, xài kem. Nhưng những cách trên không làm trắng những vùng nhạy cảm như nách, bẹn, háng mà khi tiếp xúc với ánh nắng dễ đen sạm trở lại. Thuốc tiêm trắng da là cách duy nhất để có nước da trắng, mịn màng” - chị V.A, một nhân viên chuyên phân phối các loại thuốc tiêm làm trắng và giảm cân, “nổ”.
Nguy cơ cao
Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Thái, Bệnh viện Việt Nam - Cuba (Hà Nội), tiêm trắng da là biện pháp truyền trực tiếp một số chất cần thiết như vitamin, khoáng chất hay các loại dược phẩm vào máu hoặc dưới da nhằm làm “gãy” các tế bào có nhiều sắc tố đen để da sáng hơn. Tuy nhiên, các sắc tố da có tác dụng chống lại các tia tử ngoại, nếu phá vỡ nó sẽ có nguy cơ ung thư da cao.
 
Một sản phẩm kem làm trắng da gây phản ứng được bệnh nhân cung cấp cho bác sĩ
“Cũng có chất làm trắng nhưng thực chất chỉ là tẩy sạch các tế bào chết khiến  người sử dụng cảm giác da sáng sủa, mịn màng hơn. Nếu tẩy nhiều quá thì sẽ gây phỏng nhẹ đối với da khiến da mỏng manh, dễ bị tổn thương dưới ánh mặt trời, có thể khiến da nổi mụn, bị nám. Ngay cả vitamin C có tác dụng chống lão hóa nhưng không có tác dụng làm trắng da tức thời, chuyển hóa sắc tố da tuyệt đối hay thay đổi sắc tố da từ vùng da sạm trở thành vùng da trắng như quảng cáo” - bác sĩ Thái cảnh báo.
Giới chuyên môn cũng cảnh báo: Chất glutathione có trong các loại thuốc được quảng cáo làm trắng da hiện chưa được khoa học kiểm chứng, thậm chí đang gây nhiều tranh cãi. Ngoài những công bố rằng glutathione có tác dụng chống  ôxy hóa, giúp trẻ hóa cơ thể, tăng cường hệ miễn dịch, giải độc cơ thể… thì cũng có những kết quả nghiên cứu nói rằng việc lạm dụng glutathione có thể gây suy thận, nhiễm độc máu, hoại tử biểu bì da, thậm chí tử vong.
Cảnh báo về nguy cơ tử vong do tiêm thuốc làm đẹp, bác sĩ Bùi Văn Khánh, Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng - Bệnh viện Bạch Mai, khẳng định việc tiêm trực tiếp các chất này vào tĩnh mạch không chỉ dễ gây phản ứng thuốc, tạo nên các triệu chứng như phát ban, nổi mẩn mà có thể bị sốc phản vệ và nhiễm độc, tử vong. Việc điều trị cho những bệnh nhân bị dị ứng các loại thuốc sẽ mất nhiều thời gian và vô cùng tốn kém.
Cảnh giác quảng cáo “nổ”
Giới chuyên môn cũng lưu ý: Làn da là một bộ phận rất nhạy cảm, cần được chăm sóc và bảo vệ kỹ lưỡng. Tiêm huyết thanh cần chi phí lớn, do đó mọi người nên tỉnh táo trước những chiêu bài quảng cáo, phóng đại sự thật về tác dụng, thời gian của các loại huyết thanh làm trắng. Trước khi có ý định làm đẹp bằng cách tiêm các loại thuốc hay huyết thanh, cần được thăm khám kỹ càng và có sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét