Thông tin mới nhất về cúm chết người H7N9
(NLĐO) - Tân Hoa Xã ngày 3-4 đưa tin Trung Quốc có thêm một người chết do nhiễm cúm gia cầm H7N9, nâng tổng số người chết vì chủng cúm này lên đến 3 người.
Gà được làm sẵn và bày bán ở tỉnh An Huy, Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Theo thông tin mới nhất, bệnh nhân tử vong là một
trong ba người nhiễm cúm H7N9 ở tỉnh Chiết Giang đã được báo cáo ngày
2-4 vừa qua. Hiện chính quyền Trung Quốc đang ra sức xác định loại cúm
mới, đồng thời khởi động cơ chế chống cúm gia cầm trên toàn quốc.
Dưới đây là những thắc mắc thường gặp về cúm gia cầm chủng mới H7N9:
Cúm H7N9 từng bùng phát trong quá khứ?
Không, trước khi hoành hành gây chết người ở Trung Quốc, virus cúm H7N9 chưa từng gây bệnh ở người. Chủng cúm này thỉnh thoảng được tìm thấy ở các loại chim, gà.
Hầu hết các chủng cúm gia cầm không lây lan sang người, trừ cúm H5N1 đã khiến 600 người ở 15 quốc gia mắc bệnh từ năm 2003, theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ.
Chủng cúm tương tự H7N9 đã từng lây bệnh cho người?
Chủng cúm trong "gia đình" virus cúm H7 đã khiến hơn 100 người nhiễm bệnh trong 10 năm qua, theo một nghiên cứu mới đây trên Tạp chí Virus sinh học. Theo CNN, năm 2003, chủng cúm “họ hàng” với H7N9 là H7N7 đã bùng phát khiến 89 người Hà Lan nhiễm bệnh, một người chết.
“H” và “N” tương ứng với hai thành phần protein
trên bề mặt virus (kháng nguyên) là hemagglutinin và neuraminidase. Theo
Tiến sĩ Richard Webby - một chuyên gia về cúm gia cầm và bệnh truyền
nhiễm tại Bệnh viện Nghiên cứu trẻ em St. Jude, có tới 16 loại
hemagglutinin và 9 loại neuraminidase tạo ra nhiều sự kết hợp khác nhau.
Triệu chứng của người nhiễm cúm H7?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ba trong số những người nhiễm cúm gia cầm ở Trung Quốc có dấu hiệu nhiễm trùng đường hô hấp gây viêm phổi, khó thở.
Tiến sĩ Richard Webby cho biết nhiều chủng virus H7 trong quá khứ còn gây ra chứng viêm kết mạc (nhiễm trùng mắt).
Các nhà khoa học kiểm tra mẫu virus H7N9 tại
Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Bắc Kinh. Ảnh: Reuters
H7N9 có lây từ người sang người?
Theo WHO, tính đến thời điểm này, chưa có dấu hiệu cho thấy cúm H7N9 có thể lây lan từ người sang người.
Ba ca đầu tiên xuất hiện ở Thượng Hải và tỉnh An Huy của Trung Quốc cho thấy những người tiếp xúc thường xuyên với bệnh nhân không có dấu hiệu nhiễm virus. Tuy nhiên, theo thông tin từ CNN, một phụ nữ trong số 9 người nhiễm bệnh làm công việc tiếp xúc thường xuyên với gia cầm.
Hiện WHO và Trung Quốc đang mở cuộc điều tra về nguồn gốc lây lan của virus.
Bên cạnh việc cố gắng xác định nguồn gốc virus, các
quan chức y tế sẽ tìm kiếm thêm các trường hợp khác nhiễm cúm H7N9. Các
trường hợp thống kê hiện tại có thể là những ca nặng, biểu hiện triệu
chứng rõ rệt nên dễ dàng phát hiện.
Theo Tiến sĩ Richard Webby, có thể còn nhiều người đang mang virus cúm nhưng tình trạng nhiễm trùng ít nghiêm trọng hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét