Thứ Hai, 30 tháng 4, 2012

Phòng tránh tai biến sản khoa: Siêu âm liên tục chưa đủ!

Phòng tránh tai biến sản khoa: Siêu âm liên tục chưa đủ!
(Dân trí) - Vì là thủ tục bắt buộc trước khi nhập viện sinh nở nên thực tế các xét nghiệm máu, nước tiểu… cũng thường chỉ được thực hiện ở thời điểm này. Còn trước đó, thai phụ chỉ quan tâm siêu âm ở đâu, càng nhiều càng tốt và tin rằng vậy là đủ…
 >> “Tai biến trong sản khoa đến rất bất ngờ!”
 >> TPHCM: Mẹ con sản phụ chết tức tưởi trong lúc sinh mổ
 >> Quảng Ngãi: Sản phụ tử vong vì bác sĩ không phát hiện ra bệnh?
  
Trong cả thai kỳ, chỉ cần siêu âm 3-4 lần là đủ!

Sau các ca tai biến sản khoa liên tiếp, tâm lý chung của nhiều thai phụ là tăng cường đi siêu âm. Chị Ngọc Dung (dự sinh tháng đầu tháng 6 này) cho biết, ngoài lịch hẹn của bác sĩ là 4 tuần 1 lần đi siêu âm, chị cũng thường tự đi siêu âm mỗi khi cảm thấy bất an. “Vì có thế nào là sẽ thấy ngay”, chị Dung chia sẻ.

Còn chị Thu Trang (thai được 15 tuần tuổi) thì cho biết, chị đã đi siêu âm 4 lần kể từ khi có thai để xem trứng đã xuống làm tổ đúng vị trí chưa (lúc thai 5 tuần tuổi), có tim thai không (lúc thai 8 tuần tuổi), kiểm tra nguy cơ down (lúc thai 12 tuần tuổi), xem thai bình thường không (lúc 14 tuần tuổi) và sau những ca tai biến sản khoa liên tiếp gần đây, chắc chắn chị sẽ đi siêu âm thai ít nhất 1 lần mỗi tháng cho yên tâm.

Các xét nghiệm phát hiện dị tật, tiểu đường thai kỳ cũng được chị em chú trọng nhưng các các xét nghiệm máu (xem có thiếu máu không), nước tiểu (để chuẩn đoán thai phụ có bị chứng huyết áp cao, viêm niệu đạo, viêm thận, nhiễm trùng máu), xét nghiệm gan (chẩn đoán viêm gan)… thì gần như bị bỏ qua. “Làm những xét nghiệm sớm này làm gì vì đằng nào đến lúc sinh cũng phải làm lại”, Chị Dung cho biết.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc bệnh viện Phụ sản TƯ, để phòng ngừa các tai biến trong sản phụ khoa, việc thăm khám không thể ngẫu hứng, tùy tiện được bởi mỗi giai đoạn lại có những nguy cơ khác nhau và có những tai biến đến “nhanh như sét đánh” mà đôi khi bác sỹ không trở tay kịp dù có đầy đủ trang thiết bị kỹ thuật cao.

Ông dẫn chứng, ở giai đoạn đầu khi mang thai, người phụ nữ hoàn toàn có nguy cơ bị mang thai ngoài tử cung (dẫn đến vỡ tử cung, sản phụ bị tử vong do mất máu).

Còn sang quý 2 của chu kỳ, bình thường người khỏe mạnh không có bệnh lý kèm theo thì thấy rất khỏe khoắn, thoải mái nhưng ở những phụ nữ mà có sẵn các bệnh như bệnh tim mạch, phổi, gan thì có nguy cơ bị các tai biến như suy tim cấp, phù phổi cấp. Chưa kể, nếu có bệnh liên quan đến huyết áp trong giai đoạn này thì thai phụ dễ có nguy cơ bị đột quỵ, xuất huyết não….

Tháng cuối của thai kỳ cũng thường xuất hiện nhiều biến chứng như rau tiền đạo (gây chảy máu); vỡ ối, vỡ tử cung (thường gặp ở phụ nữ đẻ nhiều lần hay đã từng phẫu thuật, tử cung không còn độ bền và chắc như tử cung của những người chưa sinh nở).

Vì vậy, để có được quá trình mang thai - sinh nở an toàn, sản phụ cần phải thăm khám thai một cách cẩn thận theo tư vấn của bác sỹ, đặc biệt là làm các xét nghiệm liên quan như đo huyết áp, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu, xét nghiệm gan…. Tuyệt đối không khám thai theo cảm tính, chỉ chăm chăm đi siêu âm bởi siêu âm chỉ có giá trị ở các tuần, mốc được hẹn.

H.Hải - N.Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét