Sùi mào gà - tai họa của thai phụ
Virus HPV đang tấn công tế bào. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống. |
Căn bệnh lây qua đường tình dục này có thể khiến thai phụ bị chảy máu khó cầm khi sinh nở hoặc lây nhiễm cho con.
Bệnh sùi mào gà do virus HPV gây ra, hay gặp nhất ở
những người sinh hoạt tình dục sớm; ân ái bằng các động tác thô bạo gây
tổn thương cơ quan sinh dục, có nhiều bạn tình, mắc các bệnh lây qua
đường tình dục khác, hút thuốc lá; dinh dưỡng kém, suy giảm miễn dịch.
Sùi mào gà lây truyền qua đường tình dục và từ mẹ sang con
Đường tình dục: Nguy cơ lây bệnh tăng lên
cùng với số lần và số bạn tình. Một nghiên cứu cho thấy, nếu có một bạn
tình, tỷ lệ bệnh là 17%; nhưng có 5 bạn tình thì con số này là 81%.
Từ mẹ sang con: HPV có ở niêm dịch miệng, họng, đường hô hấp trên, đường tiêu hóa trên, dịch ối và đó là đường làm lan rộng sự lây nhiễm.
Sau khi xâm nhập tế bào cận đáy, HPV kích thích tăng
sinh tế bào đáy, tạo thành những nốt sùi giống như mào gà. Một số trường
hợp không có triệu chứng lâm sàng.
Phụ nữ mang thai bị sùi mào gà thường có những mụn nhỏ
sần sùi ở tầng sinh môn, ở môi lớn hay mép sau âm hộ, không gây đau. Có
những trường hợp các nụ sùi mào gà mọc nhiều ở âm đạo, cổ tử cung nhưng
không phát hiện được. Thai phụ thấy tự nhiên ra huyết hoặc khi tắm rửa,
thai phụ cho tay vào âm đạo thấy sần sùi, chảy máu.
Một số trường hợp sùi mào gà hợp thành đám lớn, có khi
chiếm hết cả thành âm đạo hay cổ tử cung, gây chảy máu nhiều. Ở người
có thai, có lẽ do sự giảm miễn dịch nên sùi mào gà phát triển nhanh hơn.
Bệnh gây nguy hiểm cho hai mẹ con
Sùi mào gà ở thai phụ có thể gây những tai họa: Chảy
máu khó cầm nguy hiểm đến tính mạng; phải mổ lấy thai; lây bệnh từ mẹ
sang con trong khi sinh đẻ. Ngoài ra, người mẹ còn có nguy cơ bị ung thư
cổ tử cung, âm đạo, âm hộ, hậu môn.
Vì vậy, cần điều trị khỏi bệnh trước khi sinh con. Nếu
những nốt sùi còn ít và nhỏ, có thể cắt bỏ, đốt điện hay điều trị
laser. Tuy nhiên, những biện pháp đó chỉ loại bỏ các nốt sùi chứ không
tiêu diệt được virus. Đối với các nốt sùi ở âm hộ, âm đạo, có thể chấm
dung dịch trichloactic acid lên đến khi tổn thương chuyển màu trắng.
Nếu có nhiều nốt sùi ở âm đạo, cổ tử cung, âm hộ thì
nguy cơ chảy máu nhiều khi sinh rất lớn, nên mổ lấy thai chứ không đẻ
đường dưới. Dùng kháng sinh uống để chống bội nhiễm khi có chảy máu.
Tất cả phụ nữ bị sùi mào gà cần được làm xét nghiệm để
sàng lọc ung thư cổ tử cung. Sau khi sinh, bệnh nhân phải được quản lý
và theo dõi chặt chẽ bằng soi cổ tử cung, xét nghiệm tế bào âm đạo, cổ
tử cung và khi cần thì sinh thiết để chẩn đoán.
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét