Kỳ cuối - Bao giờ VN cho “xác định lại giới tính”?
Tags: Nguyễn Thu Nhạn, Hà Nội, khuyết tật bẩm sinh, xác định lại, luật dân sự, đổi giới tính, xác định rõ, phẫu thuật, chúng tôi, giáo sư, nghiên cứu, không thể, rối loạn, quyền, VN
Chúng tôi ra Hà Nội
tìm gặp giáo sư Nguyễn Thu Nhạn, người đã âm thầm đóng góp cho y học VN
những đề tài nghiên cứu về giới tính. Rất bất ngờ, giáo sư cho biết:
"Chúng tôi đã nghiên cứu vấn đề này từ những năm 1980 và đã có những ca
phẫu thuật xác định lại giới tính từ rất lâu rồi!".
Nhận dạng... từ thuở sơ sinh
Theo giáo
sư Nguyễn Thu Nhạn, từ những năm 1980 các nhà khoa học VN đã triển khai
nghiên cứu đề tài “Phát hiện sớm trẻ sơ sinh có giới tính mơ hồ do rối
loạn thượng thận bẩm sinh”.
Theo đó, có
khá nhiều trường hợp trẻ em nam sinh ra nhưng lại có buồng trứng và
ngược lại bé nữ nhưng lại có tinh hoàn và dương vật (ẩn), chỉ nhìn bên
ngoài không thể phát hiện nên thường được các bác sĩ sản khoa cũng như
cha mẹ xác định nhầm giới tính.
Từ bé, các
em chưa có khái niệm về giới nhưng càng lớn càng có ý thức hơn về giới,
nhất là giai đoạn dậy thì nhiều em đã bắt đầu sợ hãi khi tự cảm nhận
giới của mình không thuộc về thể xác.
Theo một số
liệu điều tra, tỉ lệ người VN mắc bệnh rối loạn thượng thận bẩm sinh
khiến giới tính không được xác định rõ ràng ngay từ khi sinh ra là
1/10.000 - 12.000 người (tỉ lệ này khá thấp so với công bố của nhiều
nước trên thế giới - NV).
Giáo sư Thu
Nhạn tâm sự: “Tôi đã tiếp xúc với nhiều ca, khổ lắm, thử đặt mình vào
hoàn cảnh đó mới hiểu nỗi bất hạnh khi phải sống trong một cơ thể không
hoàn chỉnh về mặt giới tính. Không chỉ cá nhân họ mà còn gia đình, cha
mẹ đều rất đau khổ.
Tôi đã từng
tiếp xúc với những bệnh nhân tuổi 19-20, họ tìm đến tha thiết đề nghị
được phẫu thuật, thậm chí bày tỏ sự mong muốn tìm đến cái chết nếu không
được trả lại cho họ đúng giới tính.
Nhưng đáng
tiếc là do luật pháp quy định, chúng tôi không thể can thiệp bằng phẫu
thuật ở giai đoạn này. Một thực tế khác cũng được đặt ra, nhiều bệnh
nhân tìm đến không vì bệnh lý mà vì rối loạn tâm lý dẫn đến rối loạn
nhân cách, với dạng này phải điều trị theo tâm lý hoặc tâm thần.
Do đó, theo
tôi, nên có những chẩn đoán sớm từ giai đoạn sơ sinh hay thậm chí sớm
hơn để có những bước can thiệp sớm bằng phẫu thuật. Để quá muộn, một khi
đã trưởng thành sẽ kéo theo nhiều hệ quả không lường được, nhất là về
mặt pháp lý”.
Chúng tôi
được biết tại Bệnh viện Nhi trung ương từ nhiều năm qua đã tiến hành
phẫu thuật xác định lại giới tính cho hơn 200 trường hợp bệnh nhi sơ
sinh có những bất bình thường ở bộ phận sinh dục.
Một câu lạc
bộ mang tên “CLB rối loạn giới tính do hormon thay đổi tăng sản thượng
thận bẩm sinh” cũng đã hình thành, quy tụ những đứa trẻ đã phẫu thuật để
các bác sĩ theo dõi quá trình trưởng thành, hình thành giới tính và
được đánh giá rất khả quan trong việc can thiệp sớm của y học.
“Trong
tương lai, bằng nhiều phương pháp, các bác sĩ VN sẽ tiến hành chẩn đoán,
xác định giới tính ngay trong giai đoạn người mẹ mang thai để tránh
được nhiều bi kịch khi không xác định được giới tính sau này” - giáo sư
Nguyễn Thu Nhạn khẳng định.
Còn theo
các bác sĩ Bệnh viện Bình Dân TP.HCM, trong thời gian qua cũng chỉ thực
hiện một vài trường hợp (như trường hợp vận động viên K. ở An Giang),
nhưng đó chỉ có thể gọi là “chỉnh giới tính” chứ chưa có ca nào phẫu
thuật để xác định lại giới tính mặc dù đã có hàng chục bệnh nhân đến yêu
cầu, các bác sĩ không thể thực hiện đơn giản chỉ vì luật pháp không cho
phép.
Như trường
hợp Nguyễn Thái Tài đã chạy khắp cửa, từ sở ra tới bộ, nhưng nơi nào
cũng lắc đầu. Khi Thái Tài phẫu thuật từ Thái Lan về thì địa phương cũng
không có ý kiến gì nhưng các quyền về nhân thân là không thể chứng minh
được!
Luật Việt sẽ thoáng hơn…
Từ nhiều
tháng qua, các đại biểu Quốc hội, các nhà làm luật, các chuyên gia khoa
học... VN đã có khá nhiều tranh luận về việc công nhận hay không công
nhận quyền xác định lại giới tính. Vấn đề này đã được đưa vào dự thảo Bộ
luật dân sự (sửa đổi) đang trình lên Quốc hội kỳ họp lần 7.
Ngay trong
khi chúng tôi có mặt ở Hà Nội, hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách
lần 5 đã nhóm họp (tháng 2/2005). Chúng tôi được biết trong hội nghị đã
có nhiều ý kiến cho rằng không nên qui định về quyền xác định lại giới
tính trong việc sửa đổi bổ sung Luật dân sự lần này vì đây là vấn đề còn
rất mới, chưa phổ biến, không phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội
cũng như văn hóa của người VN.
Có ý kiến
còn cho rằng sẽ rất phức tạp nếu cho xác định lại giới tính vì không thể
quản lý được (!?). Nhưng không ít ý kiến lại không đồng tình với việc
ngăn cản và cho rằng quyền xác định lại giới tính là một trong những
quyền về nhân thân.
Mỗi con
người cần được luật pháp bảo vệ quyền tự do cá nhân, vì khi người đó có
những khuyết tật bẩm sinh, chưa định hình chính xác giới tính của mình
thì họ cần phải được phẫu thuật và luật phải cho phép họ xác định lại
giới tính, do đó cần thiết phải đưa vào luật.
Nhiều vị
đại biểu còn tỏ ra am hiểu và cảm thông khi đề nghị bổ sung: “Không chỉ
khiếm khuyết về mặt hình thể mà còn phải qui định cả khiếm khuyết về mặt
tâm lý, vì nhiều người hình dáng thì bình thường nhưng tâm lý lại có
khiếm khuyết, cần phải qui định rõ...”.
Trao đổi
với thạc sĩ Dương Tuấn Lộc, giảng viên khoa Luật dân sự Trường Đại học
Luật TP.HCM, ông cho biết: “Theo tôi, điều 36 dự thảo Luật dân sự là
chưa cụ thể và đầy đủ. Theo dự thảo, chỉ có thể thay đổi (xác định) giới
tính khi có những khiếm khuyết sinh học, quy định này không phù hợp
trong trường hợp trước khi xác định lại giới tính cần có sự can thiệp y
khoa để xác định rõ giới tính.
Cần tạo cơ
sở pháp lý để các cơ sở y tế trong nước thực hiện việc phẫu thuật giới
tính một cách hợp pháp. Ngoài ra cần có những qui định riêng về việc xác
định lại giới tính cho người chưa thành niên: cần có hành lang pháp lý
riêng cho người chưa thành niên, trong đó cần làm rõ quyền của cha mẹ
hay người giám hộ trong trường hợp có liên quan.
Việc xác
định lại giới tính là một quyền nhân thân đặc biệt và thực tế cần được
bảo vệ, nhưng cần phải có một hệ thống, hành lang pháp lý rõ ràng cho
những người đang sống trong sự bất công của tạo hóa. Họ không thể đi mãi
suốt cuộc đời này để tìm bóng của chính mình...”.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét