Thứ Bảy, 14 tháng 6, 2014

Bầu Kiên với Tội Kinh doanh trái phép Rồi hàng ngàn doanh nghiệp Việt Nam sẽ từ từ sụp đổ

Vụ án của Bầu Kiên đã có phản quyết của Toà sơ thẩm và dư luận đang chờ xem liệu Bầu Kiên có kháng án để tiếp tục kêu oan hay không. Nhưng dù có kháng án, có được giảm nhẹ tội thì dư luận vẫn còn đợi chờ nhiều hơn nữa từ Nhà nước và giới Luật sư một câu trả lời thật sự rõ ràng cho câu hỏi “Đầu tư góp vốn thành lập doanh nghiệp có bị coi là kinh doanh trái phép?” 


Trả lời cho câu hỏi này, tưởng chừng như quá dễ dàng với chúng tôi, những người Luật sư, đang ngày đêm đang cày xới trên mảnh đất mà nói như Bộ trưởng Hà Hùng Cường, là “phức tạp nhất thế giới”, nhưng hoá ra lại không thể đưa ra đáp án cuối cùng. Và bản thân vô số các Luật sư cũng đang lo lắng cho chính cái thân phận của mình, bởi có nhiều Luật sư bên cạnh làm việc với tư cách là Luật sư, còn làm điều hành hoặc cổ đông của các công ty khác, nơi các Công ty đang góp vốn mua lại trái phiếu, cổ phiếu của doanh nghiệp khác. Mở rộng hơn, Luật sư còn lo lắng cho bản thân mình bởi đã tham gia góp vốn thành lập công ty luật, đã hưởng ứng lời kêu gọi của Chính Phủ cách đây không lâu để mua công trái !!!


Theo danh mục các ngành nghề kinh tế VN (ban hành kèm quyết định số 10/2007/QĐ-TTg ngày 23/01/2007) thì không có quy định cụ thể về ngành “kinh doanh tài chính”, mà chỉ liệt kê một số ngành nghề như: Hoạt động quỹ tín thác, các quỹ và các tổ chức tài chính khác,  hoạt động trung gian tiền tệ     … nghĩa là chẳng có nơi nào định nghĩa rõ như thế nào là “kinh doanh tài chính” và tất yếu là ai muốn đưa ra kết luận, nên gõ chữ tìm đúng một trong số các liệt kê mà văn bản đã nêu ra, nếu không có trong danh mục liệt kê thì không có cơ sở để kết luận một hành vi cụ thể nào đó được coi là “kinh doanh tài chính”. Nói cách khác, khi xác định hành vi kinh doanh tài chính, nên lựa chọn phương pháp chọn – bỏ (negative approach) mà theo đó, tổ chức/ cá nhận sẽ được coi là không có hành vi kinh doanh tài chính nếu hành vi đó không được liệt kê trong hệ thống mã ngành (về kinh doanh tài chính).

Theo Cáo trạng thì các hành vi cấu thành tội kinh doanh trái phép của “bầu” Kiên chủ yếu là: thông qua các doanh nghiệp do “bầu” Kiên là người đại diện để mua cổ phần và góp vốn các các công ty khác. Mmua trái phiếu chuyển đổi của Ngân hàng ACB, mua cổ phiếu của Techombank, Eximbank…và ký hợp đồng với ngân hàng ACB để kinh doanh vàng trạng thái trên tài khoản nước ngoài.


Việc tham gia góp vốn, mua cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu (kể cả trái phiếu Chính phủ) thực chất đều là hành vi đầu tư vốn để tìm kiếm lợi nhuận. Tuy nhiên, đó có phải là hành vi thường xuyên, liên tục để coi là có yếu tố kinh doanh hay không thì cần phải được xem xét kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, như đã đề cập ở trên đây, nói trái phép thì cần phải xem cái “phép” đấy nó nằm ở đâu để xác định là trái và trong khi chưa tìm thấy “phép” đấy nằm ở đâu mà kết luận là trái rõ ràng là phi lý. Chúng tôi đã dày công khảo cứu trên hầu hết các văn bản pháp luật Việt Nam, chỉ thấy các quy định về quyền tham gia góp vốn, mua cổ phần ….., và các văn bản quy định về nghĩa vụ thuế đối với cổ tức, lợi nhuận thu về từ việc chuyển nhượng giấy tờ có giá …. (gián tiếp xác nhận cho phép), mà không thấy quy định nào cấm tổ chức/ cá nhân tham gia mua cổ phần, cổ phiếu, tham gia góp vốn, mua – bán các loại giấy tờ có giá (trái phiếu…).


Bên cạnh đó, cũng cần xem xét tới yếu tố “sinh lợi” để cấu thành hành vi kinh doanh đang nằm ở chỗ nào trong câu chuyện này. Theo Luật Doanh nghiệp thì “Kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi”. Tuy nhiên, yếu tố sinh lợi ở đây cần phải được hiểu như thế nào?. Sinh lợi trực tiếp hay gián tiếp?. Bầu Kiên thông qua Công ty mà mình tham gia thành lập để thực hiện các hoạt động sinh lợi, nhưng những khoản lợi nhuận đó được ghi nhận là doanh thu của Công ty chứ không phải ghi nhận cho cá nhân Bầu Kiên. Gián tiếp thì các khoản lợi nhuận này sẽ một phần rơi vào túi Bầu Kiên sau khi đã trừ đi các khoản chi phí, nhưng việc xác định gián tiếp như vậy để cho rằng Bầu Kiên là người hưởng lợi thì có chính xác hay không?. Phải chẳng cần phải xác định Bầu Kiên chỉ phải chịu xử lý nếu là người hưởng lợi trực tiếp?. Câu trả lời vẫn còn bỏ ngõ và chờ các Luật sư, Luật gia vào cuộc.

Trên thực tế hiện nay, có vô số các cá nhân/ doanh nghiệp tham gia góp vốn vào doanh nghiệp khác dưới hình thức góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần ……. Và nghĩa là, số các doanh nghiệp/ cá nhân đó sẽ bị coi là có hành vi kinh doanh trái phép nếu vụ án của Bầu Kiên được sử dụng làm án lệ.

Nếu như vậy, câu chuyện sẽ trở nên vô cùng kinh khủng vì hàng trăm nghìn doanh nghiệp đang tồn tại hiện nay và hàng trăm nghìn nhà đầu tư sẽ bị coi là có hành vi kinh doanh trái phép.

Ls. Hà Huy Phong
Giám đốc Công ty Luật TNHH Inteco

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét