Chủ Nhật, 8 tháng 6, 2014

Bệnh Phổ tắc nghẽn mãn tính ( COPD)

Hỏi đáp y học: COPD và mắt nhìn thấy hai đến ba hình

Bác sĩ Hồ Văn Hiền
Bác sĩ Hồ Văn Hiền
CỠ CHỮ
Chuyên gia phụ trách giải đáp thắc mắc y học kỳ này là Bác sĩ Hồ Văn Hiền, chuyên khoa nhi và y khoa tổng quát, có phòng mạch và đang làm việc cho các bệnh viện ở Bắc Virginia.

Thính giả Trần Văn Phương ở Sài Gòn, Việt Nam, gởi thư đến câu hỏi như sau:

Kính gởi Bác Sĩ Hồ Văn Hiền,

Trước hết cho tôi gửi một lời chào trân trọng nhất và những lời chúc tốt đẹp nhất của tôi đến với bác sĩ.

Tôi tên Nguyễn văn Quảng, 64 tuổi, hiện đang cư ngụ tại tỉnh Bình Phước, Việt Nam.

Tôi xin gởi đến Bác sĩ thắc mắc về những căn bệnh mà tôi đã và đang mắc phải và cũng xin được tư vấn cách chữa trị.

- Tháng 9/2010 khi tôi được xuất viện (BV Chợ Rẩy) được chẩn đoán COPD (tôi vẫn đang sử dụng các loại thuốc theo toa của BS bệnh viện cho đến bây giờ vẫn đang trong chiều hướng tốt). Nhưng khoảng cuối năm 2013, tự nhiên hai cánh tay của tôi dễ bị bầm tím mỗi khi bị va chạm dù là nhẹ (giống như bị chảy máu dưới da), ngoài ra trên thân thể của tôi không có chỗ nào bị như vậy cả, vết bầm này nó từ từ nhạt dần và biến mất khoảng 7 đến 10 ngày.

- Một căn bệnh nữa cùng xảy ra là hai con mắt của tôi hiện trông thấy vật thể nào cũng có hai hoặc ba hình cả, tôi che mắt phải nhìn bằng mắt trái thì thấy có 3 hình (1 hình rõ ở giữa còn hai hình mờ ở hai bên, khoảng cách của ba hình khoảng 30%) kế tiếp tôi che mắt trái nhìn bắng mắt phải vẫn thấy có ba hình như mắt kia nhưng khoảng cách thì 50%.

Xin bác sĩ cho biết là ba căn bệnh nêu trên có liên quan gì đến bệnh C.O.P.D không? Và có nguy hiểm gì không ?

Tôi rất mong muốn được biết mình đang bị bệnh gì và cách chữa trị ra sao.

Cuối thư xin cho tôi được gửi đến Bác sĩ lời cảm ơn rất nhiều.

 
Hỏi đáp y học: COPD và mắt nhìn thấy 2 đến 3 hình

Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:

COPD, chứng da dễ bầm & chứng nhìn một thành ba

1) Bệnh gọi là "COPD", viết tắt của "Chronic Obstructive Pulmonary Disease", tạm dịch là "Bệnh nghẽn phổi mạn tính". Bệnh này đặc biệt quan trọng đối với những xứ đang phát triển như Việt nam vì tỷ số người hút thuốc lá cao và tăng, môi trường ô nhiễm nặng do khói xe, khói kỹ nghệ, khói trong nhà do bếp than cũi, các chất khí hoá học.

Người bệnh thường tuổi trung niên hoặc người già. Bệnh nhân có thể có ít hoặc nhiều triệu chứng. Với thời gian, bệnh càng nặng thêm: ho dai dẵng, ho đàm, khó thở, bậm môi thở phì phò (lip pursing, puffing), cảm giác ngộp thở, hụt hơi, "hơi thở ngắn" (dyspnea, shortness of breath), nhất là nếu làm việc gì nhọc nhằn, thỉ dễ cảm thấy hụt hơi; thở khò khè, nghe như tiếng vi vu, "wheezing", do không khí đi từ phổi ra ngoài không thông suốt.

Trong đa số trường hợp thuốc nở cuống phổi, bệnh nhân được cho dùng thuốc hít (metered dose inhaler [MDI] or nebulizer). Bệnh nhân được cho dùng thuốc corticoid  là thuốc giảm viêm hít (hơi/dùng inhaler, hoặc bột hít). Chất giãn nở cuống phổi có tác dụng kéo dài salmeterol được bào chế chung với corticoid (fluticasone) trong thuốc bột hít ADVAIR Diskus, thịnh hành ở Mỹ.

2) Chứng da dễ bầm (easy bruising)

Dưới da chúng ta có những mao quản (capillaries, mạch máu nhỏ như sợi tóc) nuôi da. Nếu bị va chạm, những mạch máu này vỡ và máu chảy ra trong da, chất huyết sắc tố đỏ dần dần đổi qua chất màu tím đen, làm cho chúng ta thấy vết bầm đỏ, qua tím, đen. Dần dần, máu này được cơ thể hấp thụ và biến mất. Phụ nữ dễ bầm hơn đàn ông. Người già càng lớn tuổi càng dễ bị bầm, vì mỡ bao quanh và che chỡ các mạch máu càng ngày càng ít đi.

Những yếu tố khác có thể làm dễ bầm hơn:

●    Thuốc aspirin được dùng làm máu "loãng" hơn (“blood thinner”), khó đông hơn, trong mục đích giảm thiểu các bệnh đau tim do động mạch vành tắt nghẽn. Aspirin ức chế cơ năng các tiểu bản (platelets) trong máu. Các tiểu bản cần thiết để làm máu đông, bít mạch máu lại lúc chảy máu. Người uống aspirin dễ bị bầm hơn.

●    Một số bệnh nhân tim mạch được chích hay uống những thuốc khác để làm máu giảm khả năng đóng cục trong huyết quản (ví dụ: Warfarin hay Coumadin, Heparin, và (uống) Praxada). Những người này dễ chảy máu hơn bình thường.

●    Một số chất phụ dinh dưỡng (nutritional supplements) như ginkgo biloba (trái bạch quả), fish oil (omega 3 fatty acids) ở liều cao, hoặc dùng chung với aspirin có thể làm bệnh nhân dễ chảy máu, không những ở da, mà ở cả những bộ phận khác như dạ dày, ruột, óc. Thiếu vitamin C cũng dễ làm chảy máu trong da (bầm) đồng thời với chảy máu, sưng nướu răng, mệt mõi, đau xương.

●    Một số người được bác sĩ cho uống corticoid (corticosteroid, hormone vỏ tuyến thượng thận.) Ví dụ: prednisone, dexamethasone; hay thoa corticoid ngoài da có thể dễ bầm hơn bình thường. Bệnh nhân COPD (bệnh nghẽn cuống phổi mạn tính), suyễn, dị ứng, bệnh tự miễn nhiễm, viêm da dị ứng có thể đang dùng thuốc corticoid.

●    Người bệnh hay bị bầm ở hai cánh tay có thể vì đấy là những nơi dễ bị va chạm nhất. Nếu bị bầm ở những nơi khác (mặt, lưng, bụng), nơi khó bị va chạm, hay vết bầm tím lớn xảy ra thường xuyên, hay bắt đầu sau khi bắt đầu uống một thứ thuốc nào đó, hoặc kèm theo những triệu chứng khác như xanh xao, mệt mõi, sưng khớp (do chảy máu trong khớp), đau bụng, sốt,v. v…, hay trong gia đình có người cũng hay chảy máu, hay bầm, cần đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt.

Bác sĩ thường phải thử máu xem số tiểu bản (platelet count) có giảm hay không, xem máu có đông bình thường hay không, có thiếu máu hay không, sau khi khám toàn bộ và xem xét bệnh sử (nhớ đem theo danh sách tất cả thuốc men mình đang uống, nhớ xem trong gia đình có ai dễ bị chảy máu lúc sanh, lúc phẩu thuật hay không), và khám toàn diện bệnh nhân kỹ càng.

Nếu chỉ chảy máu trong da nhẹ, người già nên thu xếp các đồ đạc nơi mình sinh hoạt để tránh va chạm. Có thể mặc áo tay dài, vải dày hơn để che chở da lúc va chạm không tránh được. Cần ăn uống đầy đủ các vitamin (trái cây tươi), nhất là vitamin C.

Trong trường hợp thính giả, nên hỏi lại bác sĩ xem thuốc mình đang dùng có chứa aspirin và corticoid không. Nếu có, nên cẩn thận, không những về bầm da, mà về những nơi khác. Ví dụ: tránh dùng những thuốc NSAIDS (Non Steroid Anti Inflammatory Drugs) như ibuprofen, naprosyn (Aleve), indomethacin để trị đau nhức, uống những thuốc có thể làm xót ruột lúc đã có thức ăn trong bao tử. Nếu phân đen như dầu hắc (melena) thì đấy có thể là triệu chứng đã chảy máu trong đường ruột.

3) Chứng nhìn một thành ba (triplopia) là một triệu chứng thần kinh hiếm gặp. Trước đây bác sĩ thường nghĩ rằng đấy là những trường hợp hysteria, tuy không có cơ sở vật chất rõ ràng, lại do nhận thức của bệnh nhân bị rối loạn, gây ra triệu chứng vật thể. Chuyện nghi ngờ này dễ hiểu vì chúng ta chỉ có hai con mắt,và mỗi mắt ghi nhận một hình ảnh riêng rẻ. Bộ óc có nhiệm vụ kết hợp hai hình ảnh đó thành một hình ảnh có chiều sâu (3D image).

Nếu hai con mắt không di chuyển đồng bộ với nhau, hình ảnh của mắt này sẽ không ăn khớp với mắt kia và là cho bộ óc người bệnh ghi nhận 2 hình ảnh khác nhau cho một vật. Ví dụ: người bị bướu trong óc là các dây thần kinh điều khiển tròng mắt bị liệt hay rối loạn (extraocular muscles). Người đó sẽ thấy một thành hai (diplopia).

Trong khi đó thì hiện tượng nhìn một thành ba (triplopia) khó giải thích và hiếm hơn.
Một tường trình y học đăng trong báo JAMA Neurology, nhà khảo cứu bác sĩ James Keane tìm chứng này trong số 13,400 bệnh nhân trong 34 năm hành nghề, và tìm ra được 13 trường hợp.

Ông kết luận là phần đông triplopia do các cơ điều khiển cử động mắt bất bình thường đi đôi với tròng mắt giật (nystagmus), do liệt dây thần kinh sọ số 3, số 6 (do hư hại sau khi giải phẩu thần kinh, chấn thương, do bướu não, hay do dây thần kinh điều khiển cơ mắt thiếu máu (do áp huyết cao) (nerve ischemia), hoặc do nhồi máu cuống não (brain stem infarct). Hai trường hợp không tìm thấy nguyên nhân vật thể và định bệnh là do hysteria.

Những nguyên nhân khác của triplopia: giác mạc (cornea) hay thuỷ tinh thể (lens, ví dụ: cataract) rối loạn, lé (strabismus), ngộ độc, chứng multiplopia nguyên nhân ở não bộ (1)

Như trường hợp vị thính giả, trong lúc bịt mắt bên kia và chỉ nhìn một mắt, bệnh nhân vẫn thấy một thành ba; như vậy nguyên nhân nằm trong mỗi con mắt (ví dụ như cườm khô, giác mạc không bình thường, võng mạc không bình thường), chứ không phải do bộ óc không phối hợp hình ảnh từ 2 mắt. Người ta gọi đấy là true monocular triplopia (monocular là một mắt).

Cũng giống như bệnh bầm ngoài da, cườm mắt xảy ra sớm hơn và nhiều hơn ở người bệnh dùng corticoid như chúng ta đã bàn trong mục da dễ bầm ở trên. Hy vọng bác sĩ chuyên khoa mắt (ophthalmologist) sẽ giải quyết được vấn đề này. Ví dụ: trong trường hợp bị cườm khô mắt (thuỷ tinh thể bị đục,cataract), thay thuỷ tinh thể khác có thể giải quyết vấn đề (2).

Tóm lại bệnh nhân bị triplopia cần đi khám bác sĩ chuyên khoa thần kinh và bác sĩ chuyên khoa mắt để định bệnh chính xác.

Chúc bệnh nhân may mắn.

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét