Yêu sớm, yêu hết mình và những hậu quả
TG- Yêu sớm và quan niệm “yêu là cho” của một bộ phận giới trẻ ngày nay đã để lại những hậu quả hết sức đau lòng.
Nguyên nhân của “yêu sớm” được một số chuyên gia chỉ ra
rằng do các em chịu tác động từ thông tin qua sách báo, mạng internet
tràn lan, cùng với môi trường tiếp xúc với người khác giới trở nên dễ
dàng đã tác động đến việc “phát triển” sớm ở các em. Cùng với đó là tư
tưởng “yêu thoáng” nên dẫn đến hậu quả là không ít các trường hợp các em
làm mẹ tuổi học sinh.
Báo chí đã nhiều lần đề cập đến bi kịch của những mối
tình tuổi teen nhưng những lời cảnh báo này như “muối bỏ bể” trước tư
tưởng yêu hết mình ngày nay của những cô cậu học sinh.
Ảnh minh họa. |
"Vượt cạn" sau giờ học
Cụ thể, vào tháng 3/2012, cô học sinh lớp 12 ngoan hiền
ở Trường THPT Diễn Châu 2 (huyện Diễn Châu, Nghệ An) đã chuyển dạ trên
lớp rồi sinh ra một bé gái.
Trong buổi học sáng 10/3, D. bất ngờ đau bụng dữ dội,
các bạn phải đưa đến bệnh viện khám. Tại đây, cô nữ sinh lớp 12 này sinh
hạ một bé gái khỏe mạnh trong sự ngạc nhiên của mọi người.
Một nữ sinh lớp 10 ở Trường THPT Diệp Minh Châu, huyện
Châu Thành, Bến Tre cũng sinh một bé trai bé trai 2,5 kg sau khi đi học
thể dục về.
Nữ sinh này cho biết cha của cháu bé tên Tuấn, ở xã
Thành Triệu, huyện Châu Thành. “Khi em đi học, sau giờ nghỉ tiết, Tuấn
đến nhắn tin em để chở đi chơi. Em không ngờ là mình đã có thai”, bà mẹ
trẻ hồn nhiên tâm sự.
Nhiều giáo viên Trường THPT Ninh Giang, Hải Dương cũng
không thể quên được cái chết thương tâm của cô học sinh lớp 10 trường
này cách đây 2 năm: N.T.T yêu một học sinh lớp 12 cùng trường rồi có
bầu. Quá hoảng sợ, T đã uống thuốc trừ cỏ để… phá thai và phải đổi bằng
cả tính mạng.
Nghỉ học để làm mẹ
Việc các em học sinh vùng cao đang theo học bỏ dở hoặc
bị ép nghỉ học để lấy chồng không phải là chuyện lạ. Mỗi năm, có 4-6 em
học sinh của trường THCS Bán trú Pa Nang nghỉ học lấy chồng, làm mẹ.
Em Hồ Thị Hoa, lấy chồng năm 15 tuổi khi đang là học
sinh lớp 7 trường THCS Bán trú Pa Nang chia sẻ: “Lấy chồng được ba năm
rồi, có hai đứa con nhưng chưa đứa nào được làm giấy khai sinh hết. Em
mới 18 tuổi và chồng em cũng thế, hắn còn nhỏ lắm, chưa biết làm cha...”
Có trường hợp khác nữa là em Hồ Thị Dại, 17 tuổi, bỏ
học lấy chồng năm 2013 khi đang là học sinh lớp 8 trường THCS Pa Nang.
Em Dại hiện đang mang thai 7 tháng nhưng điều đáng nói ở đây là chồng
Dại vừa qua đời tháng 2/2014. Cuộc sống vốn không hề dễ dàng lại càng
thêm khó khăn với một cô gái trẻ như em. Dại tâm sự: “Nhà em nghèo lắm,
nhà chồng em cũng nghèo, giờ hắn chết rồi em muốn về với ba mẹ em. Ba mẹ
hắn lúc thì tốt lúc thì không tốt. Hàng ngày em vẫn đi làm rẫy để có
thứ mà ăn. Nếu không lấy chồng sớm chắc em không như bây giờ”
Ở xã nghèo Pa Nang, có những đứa trẻ lên bốn lên năm
vẫn chưa được khia sinh vì bố mẹ chưa đến tuổi được cho phép kết hôn.
Chính vì không được khai sinh mà bất kỳ chương trình chăm sóc trẻ em nào
cũng không được hưởng.
Ảnh minh họa. |
Giáo dục giới tính là một cuộc chiến
Điều mà rất nhiều chuyên gia e ngại trong "cơn lốc" giá
trị sống đang nhiều thay đổi, các em "tiếp thu" một cách thụ động lối
sống từ phương Tây trong tình trạng thiếu kỹ năng sống một cách trầm
trọng. Việc các em quan hệ tình dục sớm không chỉ do các em đua đòi, hư
hỏng như suy nghĩ của nhiều người mà còn do các em thiếu trầm trọng rất
nhiều kỹ năng. Trong đó có các kỹ năng cơ bản như quản lý cảm xúc cũng
như kỹ năng từ chối.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Chủ nhiệm Hội quán Các Bà Mẹ
cho hay, các em gái mới lớn đang thiếu nhìn nhận đúng giá trị bản thân
và kỹ năng bảo vệ mình. Chỉ cần một vài món có giá trị vật chất hay vài
lời nói ngon ngọt, vuốt ve là các em dễ dàng “đánh đổi”. Nhiều em quan
niệm rằng dâng hiến mới là yêu và cũng không thiếu trường hợp các em
quan hệ một cách tự nguyện với đối tượng “qua đường” nào đó.
Trẻ vị thành niên phá thai đang là một vấn đề nhức
nhối. Tuy nhiên, đến nay hai môi trường tác động nhiều đến các em là gia
đình và nhà trường lại đang bỏ ngỏ việc trang bị các kiến thức, kỹ năng
cho các em. Bố mẹ né tránh hoặc bỏ quên việc giáo dục, chỉ dẫn về kiến
thức giới tính cho con hay khoán trắng cho nhà trường. Việc giáo dục sức
khỏe giới tính, sinh sản nói riêng và kỹ năng sống nói chung cho học
sinh ở trường học lại đang còn quá nhiều vấn đề chưa giải quyết được.
Nhiều năm nay, Việt Nam được xem là một trong những
nước có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới và khu vực. Dường như trong
việc "cuộc chiến" giáo dục sức khỏe giới tính, sinh sản cho trẻ vị thành
niên hiện nay mỗi ngành y tế bận rộn nhất ở khâu bất đắc dĩ là… giải
quyết hậu quả cho các em.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét