Thứ Bảy, 7 tháng 6, 2014

Nhuộm tế bào phát hiện Ung thư sớm cổ tử cung

Phương pháp tế bào học nhuộm kép phát hiện tổn thương tiền ung thư cổ tử cung

ThS. BS. Trần Thị Liên Hương (dịch)
Phòng Kế hoạch tổng hợp - BV Từ Dũ

Theo kết quả nghiên cứu PALMS được thực hiện tại châu Âu, phương pháp tế bào học nhuộm kép với sự kết hợp 2 dấu ấn sinh học p16/Ki-67 giúp cải thiện khả năng phát hiện các tổn thương tiền ung thư cổ tử cung, đặc biệt ở phụ nữ trẻ.
Trong bức email TS. Ruediger Ridder, Tập đoàn Y khoa Ventana, Tucson, Arizona, gửi Reuters Health có đoạn: “Ngày càng có nhiều dữ liệu và bằng chứng cho thấy sự kết hợp phương pháp tế bào học nhuộm kép p16/Ki-67 và test HPV có thể là một phương thức hiệu quả nhằm sàng lọc các tổn thương tiền ung thư cổ tử cung”.
“Sự kết hợp 2 test này có thể loại trừ bệnh (giá trị tiên đoán âm) và xác định phụ nữ có tổn thương tiền ung thư (giá trị tiên đoán dương) rất hiệu quả”, TS. Ridder nói.
Biểu hiện quá mức của p16 thể hiện sự biến đổi ở tế bào kí chủ do nhiễm HPV và các tổn thương tiền ung thư, trong khi đó sự hiện diện của Ki-67 trong cùng một tế bào là dấu hiệu xác nhận sự mất điều hòa chu kỳ tế bào. Tế bào bình thường sẽ không đồng thời có sự biểu hiện của cả p16 và Ki-67.
TS. Ridder và đồng nghiệp so sánh phương pháp nhuộm kép p16/Ki-67 với Pap trên một quần thể dân số châu Âu được thực hiện sàng lọc ung thư cổ tử cung thường quy gồm 6.798 phụ nữ tuổi từ 18 đến 29 và với test HPV ở 20.450 phụ nữ từ 30 tuổi trở lên.
Theo một báo cáo online ngày 4 tháng 10 trên tạp chí của Viện Ung thư quốc gia, tỷ lệ dương tính hiện hành của test nhuộm kép là 5,4%, tương đồng với tần suất ASCUS (5,2%) và bằng một nửa tỷ lệ hiện mắc HPV (10,7%).
Dựa trên 181 trường hợp tổn thương trong biểu mô cổ tử cung từ mức độ 2 trở lên (CIN2+) đã được xác nhận qua sinh thiết, người ta thấy rằng độ nhạy của phương pháp tế bào học nhuộm kép là 86,7%, cao hơn có ý nghĩa so với Pap (68,5%). Độ đặc hiệu của phương pháp này (95,2%) tương tự Pap (95,4%).
Độ nhạy của test nhuộm kép cao hơn có ý nghĩa so với Pap ở cả 2 nhóm (18-29 tuổi và từ 30 tuổi trở lên), tuy nhiên test HPV lại nhạy hơn có ý nghĩa so với nhuộm kép (93,3% so với 84,7%) ở nhóm lớn tuổi hơn mặc dù ở nhóm này, độ đặc hiệu của test HPV thấp hơn (93,0% so với 96,2%).
Nhóm phụ nữ dưới 30 tuổi có kết quả âm tính (ngoại trừ HPV) không được soi cổ tử cung sau đó. Do đó cần thêm các dữ liệu theo dõi qua thời gian để đánh giá nguy cơ phát triển thành CIN grade cao sau khi có kết quả nhuộm kép âm tính.
Theo TS. Ridder, “ở phụ nữ lớn tuổi, phương pháp nhuộm kép có thể được dùng để chọn lọc những trường hợp có test sàng lọc HPV dương tính, những người này sẽ được lợi ích nhiều nhất nếu được soi cổ tử cung ngay lập tức sau đó để theo dõi chẩn đoán thêm. Ở phụ nữ trẻ, nhuộm kép có thể là phương pháp sàng lọc đầu tiên, test HPV là bước tiếp theo ưu tiên cho những người có test nhuộm kép dương tính”.
“Với phương pháp nhuộm kép, cộng đồng y khoa sẽ có thêm một lựa chọn mới có thể cải thiện cách thức sàng lọc ở phụ nữ nhằm phòng tránh ung thư cổ tử cung”, TS. Ridder kết luận. “Cần có sự đánh giá phương thức kết hợp các test một cách tốt nhất ở tầm quốc gia. Điều này có thể thay đổi tùy thuộc vào chương trình tầm soát hiện có và phương thức tính toán riêng ở mỗi quốc gia”.
“Để áp dụng test p16/Ki-67 trên lâm sàng, chúng ta cần phải giải quyết một số vấn đề như tính khả thi của việc thực hiện nhuộm thường quy, đào tạo và bằng cấp của nhà tế bào học và chuẩn hóa các tiêu chí trên lâm sàng”, theo TS. Mahboobeh Safaeian và TS. Mark E.Sherman – Viện Ung thư quốc gia, Bethesda, Maryland.
“Thêm vào đó, ngày càng có nhiều phụ nữ đã tiêm chủng được tầm soát, dẫn đến kết quả của test có thể thay đổi, do đó việc đánh giá lại các phương pháp là cần thiết. Tuy nhiên, việc quan trọng không kém là phát triển các phương thức tính toán sàng lọc đơn giản mà hiệu quả”.
Nguồn:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét