Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012

Nguy cơ suy cổ tử cung khi mang thai

Nguy cơ suy cổ tử cung khi mang thai


Cổ tử cung được đóng kín bằng một nút nhày để bảo vệ em bé và chỉ mở ra khi bạn sắp sinh. Nếu cổ tử cung bị yếu (suy cổ tử cung) bạn sẽ đứng trước nguy cơ sảy thai hoặc sinh non rất cao. Những ai có nguy cơ bị suy cổ tử cung cao nhất?
 
 
 

Cổ tử cung là đoạn cuối tử cung, hẹp, hình ống, kéo dài vào âm đạo. Khi bạn không có thai, ống cổ tử cung vẫn còn mở một chút để cho phép tinh trùng đi vào tử cung và kinh nguyệt chảy ra ngoài. Khi mang thai, các dịch tiết lấp đầy cổ tử cung và hình thành một hàng rào bảo vệ em bé gọi là nút nhày. Trong thời gian mang thai bình thường, cổ tử cung vẫn vững chắc, dài, và kín cho đến cuối giai đoạn thai kỳ thứ ba. Vào thời điểm đó, cổ tử cung thường bắt đầu mềm, mỏng đi (ngắn đi), và giãn ra (hiện tượng xóa cổ tử cung)  khi cơ thể bạn chuẩn bị chuyển dạ.
 
  
Suy cổ tử cung là gì?

Nếu cổ tử cung của bạn mềm và yếu hơn bình thường, hoặc ban đầu là ngắn bất thường, nó có thể mỏng dần và giãn ra mà không có các cơn co thắt trong giai đoạn thai kỳ thứ hai hoặc đầu giai đoạn thứ ba khi chịu áp lực tăng lên của em bé đang lớn dần trong tử cung. Tình trạng này được gọi là suy cổ tử cung, và có thể dẫn đến
sẩy thai trong giai đoạn thai kỳ thứ hai; vỡ ối non (hiện tượng vỡ ối trước khi bạn đủ tháng và trước khi bạn bước vào giai đoạn chuyển dạ), hoặc sinh non (trước 37 tuần). Nó đặc biệt làm tăng nguy cơ sinh non sớm, tức là sinh trước 32 tuần.
 

 
 
Làm thế nào để nhận biết suy cổ tử cung?

Trước đây, bạn sẽ được chẩn đoán bị suy cổ tử cung sau khi bị sảy thai nhiều lần vào giai đoạn thai kỳ thứ hai, ba hoặc sinh non sớm không rõ nguyên nhân. Bây giờ, nếu bạn có nguy cơ bị suy cổ tử cung, bác sĩ sẽ đề nghị bạn siêu âm qua âm đạo thường xuyên bắt đầu từ tuần 16-20 để đo độ dài của cổ tử cung và kiểm tra các dấu hiệu xóa cổ tử cung sớm.

Nếu bác sĩ nhận thấy cổ tử cung có những thay đổi đáng kể, bạn sẽ có nguy cơ sinh non cao hơn nhiều. Cổ tử cung càng ngắn, thì các nguy cơ của bạn càng cao. Tuy nhiên, việc chẩn đoán tình trạng này vẫn còn phức tạp, và người ta còn nhiều nhiều tranh cãi xem chiến lược điều trị nào sẽ giúp ngăn ngừa nguy cơ sẩy thai muộn hoặc sinh non. 
 
Một lợi ích của việc cảnh báo sớm về sự thay đổi của cổ tử cung là cho bạn thời gian để dùng corticosteroid, giúp giảm thiểu các vấn đề sức khỏe ở trẻ sinh non. Hãy đi khám ngay nếu bạn có bất cứ triệu chứng nào sau đây:
 
- Thay đổi lượng hoặc kiểu dịch tiết âm đạo, đặc biệt khi dịch nhớt hoặc loãng.
 
- Âm đạo ra máu hoặc chảy máu.
 
- Co cứng bụng (đau bụng) như thời kỳ kinh nguyệt.
 
- Cảm thấy nặng nề hoặc đau tức vùng chậu.
 
 
Những ai có nguy cơ bị suy cổ tử cung nhất?
 
Bạn có nhiều khả năng mắc phải tình trạng này nếu:
 
- Bạn từng bị sẩy thai trong giai đoạn thai kỳ thứ hai không rõ nguyên nhân hoặc sinh non tự phát sớm trong lần mang thai trước đó mà không phải do chuyển dạ sớm hoặc đứt nhau thai. Nếu bạn đã bị sảy thai ở giai đoạn muộn nhiều lần hoặc sinh non tự phát sớm thì nguy cơ suy cổ tử cung rất cao.
 
- Bạn từng được thực hiện một thủ thuật trên cổ tử cung như sinh thiết cổ tử cung hoặc cắt mô cổ tử cung bằng vòng nhiệt điện.
 
- Cổ tử cung của bạn đã bị tổn thương trong một lần sinh trước đó hoặc sau khi nạo hút thai.
 
- Cổ tử cung của bạn ngắn bất thường.
 

Phải làm thế nào khi bị suy cổ tử cung?

Nếu siêu âm cho thấy cổ tử cung của bạn ngắn bất thường và thời gian mang thai hiện tại của bạn ít hơn 24 tuần, bác sĩ có thể đề nghị bạn sử dụng phương pháp khâu cổ tử cung – bác sĩ sẽ khâu một dải chỉ chặt xung quanh cổ tử cung của bạn để củng cố và giữ cho nó đóng chặt. Tuy nhiên, còn nhiều tranh cãi về việc có nên sử dụng biện pháp khâu cổ tử cung trong tình huống này hay không.

Một số nghiên cứu gần đây nghi ngờ hiệu quả của thủ thuật này trong việc ngăn ngừa sẩy thai, vỡ ối sớm hoặc sinh non, ngoại trừ trong một số ít trường hợp. Ngoài ra, chính các thủ thuật cũng có thể gây ra vấn đề dẫn đến sinh non, bao gồm nhiễm trùng tử cung, vỡ ối, và "kích thích" gây ra các cơn co thắt tử cung.
 
Các chuyên gia đang cố gắng tìm hiểu xem, trong một số tình huống nhất định, liệu những lợi ích của phương pháp khâu cổ tử cung có lớn hơn rủi ro hay không. Những phụ nữ được hưởng lợi ích từ phương pháp này thường là những người đã có ba lần sảy thai vào giai đoạn thai kỳ thứ hai hoặc đã từng sinh non không rõ nguyên nhân. Nếu bạn thuộc nhóm này, bạn có thể được khâu tử cung vào tuần thứ 13-16, trước khi cổ tử cung của bạn bắt đầu thay đổi. Một thủ thuật khâu tử cung tiến hành vào thời điểm đó sẽ gặp ít rủi ro hơn nếu thực hiện vào thời điểm muộn hơn trong thai kỳ - sau khi cổ tử cung của bạn đã bắt đầu thay đổi.

Khâu cổ tử cung được thực hiện bằng cách gây mê toàn phần, gây tê cột sống, hoặc gây tê ngoài màng cứng. Bạn có thể được về nhà ngay vào ngày hôm đó hoặc ngày kế tiếp. Bác sĩ sẽ yêu cầu bạn nghỉ ngơi trong một vài ngày, trong thời gian này bạn có thể bị chảy máu nhẹ hoặc co tử cung. Bạn sẽ cần ngừng quan hệ tình dục trong một thời gian (hoặc toàn bộ thời gian còn lại của thai kỳ). Bác sĩ sẽ cho bạn dùng thuốc để tránh nhiễm trùng, chuyển dạ sớm, và tiếp tục kiểm tra cổ tử cung của bạn thường xuyên để xem xét các dấu hiệu thay đổi trong thời gian tiếp theo cho đến khi mũi khâu được cắt ra (thường ở tuần thứ 37). Đến thời điểm đó, bạn có thể nghỉ ngơi và chờ quá trình chuyển dạ bắt đầu.
 
Một số bác sĩ chỉ định thêm cho bệnh nhân nằm nghỉ tại giường hoặc dùng biện pháp này để thay thế cho việc khâu cổ tử cung. Mặc dù không có bằng chứng chắc chắn về hiệu quả của cách thức nằm nghỉ trên giường, ý kiến này dựa trên giả thuyết rằng việc giữ cho trọng lượng của tử cung không tác động lên cổ tử cung đang suy yếu có thể hữu ích. Bạn cũng sẽ được yêu cầu kiêng quan hệ tình dục.
 
 
DS. Trần Lan lược dịch


Ý kiến phản hồi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét