Tinh trùng không xuất ra ngoài, vậy nó đi đâu?
Thưa bác sĩ,
Năm nay cháu 17 tuổi. Mấy tháng trở lại đây,
đêm ngủ thỉnh thoảng cháu bị ra ướt hết cả quần. Sáng ra
cháu thấy uể oải. Nghe bạn bè bảo cháu bị bệnh mộng tinh,
nếu không chữa trị, tinh dịch sẽ xuất hoài cho đến khô cạn và…
chết.
Cháu không hề xem phim sex, không tơ tưởng đến bạn
gái, tại sao lại có chuyện kỳ cục như vậy? Bình thường nếu
không xuất ra ngoài thì tinh dịch chảy đi đâu để kho chứa không
bị “quá tải” dẫn đến “bể bờ bao” hay vỡ như bong bóng? (Bé Hai –
An Giang)
Trả lời:
Ở tuổi dậy thì, nhiều chàng trai mới lớn có hiện tượng xuất tinh không chủ định, thường xảy ra vào ban đêm, gọi là mộng tinh. Đây không phải là bệnh mà là hiện tượng sinh lý bình thường. Dấu hiệu này chứng tỏ bạn “đã lớn”. Vì là sự kiện xảy ra lần đầu tiên trong đời nên có thể khiến nhiều bạn trẻ bối rối do trước đó chưa có đầy đủ kiến thức.
Mộng tinh là cơ chế tự giải phóng tinh dịch. Bạn hãy hình
dung thế này: Tinh hoàn là nơi sản xuất ra tinh trùng; sau đó, tinh trùng sẽ
được dự trữ trong mào tinh và theo ống dẫn tinh lên túi tinh, hòa với các chất
dịch do ống dẫn tinh, túi tinh, mào tinh hoàn, tuyến tiền liệt... tiết ra tạo
thành tinh dịch. Còn túi tinh thì giống như một cái ly, khi chứa đầy tinh
dịch quá thì có thể "tràn" ra ngoài.
Bình thường, khi thức, con người có một cơ chế kiểm soát
tương đối tốt (do hệ thần kinh giao cảm phụ trách). Cơ chế ấy sẽ nhắc nhở
các bạn bạn "không được tràn" đồng thời điều khiển van hãm ở
đường niệu đạo đóng chặt, không để tinh dịch thoát ra ngoài.
Tuy nhiên, khi ngủ cơ chế kiểm soát này cũng… ngủ theo nên
không thể canh chừng để nhắc nhở bạn… kềm chế. Do vậy mà tinh dịch được
tự do thoát ra ngoài. Đây chính là lý do khiến việc “đang ngủ mà ướt dầm dề”,
hay còn gọi là mộng tinh.
Cũng có trường hợp không bị mộng tinh. Điều này không
có nghĩa là cơ thể không sản xuất tinh trùng mà là do tinh trùng không được
xuất ra ngoài thì sẽ được hấp thụ lại và cơ thể tiếp tục sinh ra tinh trùng
mới.
Bạn hãy yên tâm, hoàn toàn không có chuyện tinh dịch
sẽ xuất hoài cho đến khô cạn và… chết; càng không có chuyện “kho
chứa” bị quá tải sẽ dẫn đến sự cố “bể bờ bao” hay vỡ như bong bóng
đâu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét