Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2012

Bác sĩ gia đình không chỉ chữa bệnh, kê toa

Bác sĩ gia đình không chỉ chữa bệnh, kê toa

Chủ Nhật, 25/11/2012 22:21

Bộ Y tế đang xây dựng thí điểm đề án bác sĩ gia đình. Đây được xem là giải pháp giảm quá tải bệnh viện

Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh lợi ích của mô hình bác sĩ gia đình (BSGĐ) trong việc chăm sóc sức khỏe ban đầu. Đó là phát hiện bệnh sớm, giảm thời gian và chi phí điều trị… Tuy nhiên, ở Việt Nam, đến nay BSGĐ vẫn còn khá mới mẻ đối với số đông người dân.
Bác sĩ “đa năng”
Theo PGS-TS Phạm Lê An, Trưởng Trung tâm Đào tạo BSGĐ (Trường ĐH Y Dược TPHCM), xuất hiện ở Việt Nam khoảng 10 năm nay nhưng khái niệm về BSGĐ còn khá mới mẻ trong suy nghĩ của nhiều người. “Không ít người vẫn nghĩ rằng BSGĐ là những người khám chữa bệnh theo yêu cầu và phục vụ người bệnh tận nhà, dành cho các gia đình khá giả. Nhưng thực tế, chữa bệnh tại nhà chỉ là một hoạt động rất nhỏ của y học gia đình và BSGĐ có ích cho mọi người, nhất là người có thu nhập thấp” - PGS-TS An cho biết.
 
Việc triển khai mô hình bác sĩ gia đình nhằm tăng cường chất lượng cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu
BSGĐ chính là đội ngũ bác sĩ đa khoa 6 năm và bác sĩ chuyên khoa khác được đào tạo thêm về chuyên ngành y học gia đình để bảo đảm việc chăm sóc sức khỏe cho mọi cá nhân, không phân biệt tuổi tác, giới tính hay loại bệnh tật. Là người đầu tiên tiếp xúc với bệnh nhân, vì thế BSGĐ được trang bị đầy đủ kiến thức về điều trị ngoại trú các chuyên ngành nội khoa, ngoại khoa, sản khoa và nhi khoa, về những vấn đề sức khỏe thường gặp. Tại phòng khám ngoại trú, các BSGĐ điều trị bước đầu những vấn đề sức khỏe thường gặp như các chuyên khoa và họ có kinh nghiệm lâm sàng để định hướng cho bệnh nhân đi đúng chuyên khoa cần khám nếu tình trạng bệnh nhân vượt quá khả năng chuyên môn. “Quan trọng hơn, BSGĐ tiếp cận những người khỏe còn lại trong gia đình thông qua lòng tin từ các bệnh nhân họ đã điều trị tốt, để giúp họ dự phòng, phát hiện sớm nguy cơ bệnh tật để phòng ngừa, tầm soát định kỳ những bệnh lý có nguy cơ cao theo nhóm tuổi, theo cộng đồng dân cư thông qua bệnh án y học gia đình...” - PGS-TS An nhấn mạnh.
Theo TS Nguyễn Phương Hoa, Phó trưởng Bộ môn Y học gia đình Trường ĐH Y Hà Nội, một nghiên cứu tại Anh đã chỉ ra rằng nếu tăng thêm một BSGĐ cho cộng đồng dân cư 10.000 dân sẽ giảm được 6% tỉ lệ tử vong chung. Các đánh giá cho thấy chỉ khoảng 10% các cuộc khám đầu tiên của bệnh nhân với BSGĐ cần chuyển khám chuyên khoa và chuyển viện. Vì thế, nếu y tế gia đình tuyến cơ sở bảo đảm chất lượng phục vụ sẽ giải quyết khoảng 80% yêu cầu chăm sóc sức khỏe. Bởi với kỹ năng, kiến thức được trang bị, BSGĐ sẽ cùng lúc giải quyết được nhiều vấn đề sức khỏe, bệnh tật xảy ra đồng thời trên một bệnh nhân. Đặc biệt, không chỉ khám bệnh, kê toa, dự phòng bệnh tật, BSGĐ còn quan tâm đến các yếu tố tâm lý, xã hội để đưa ra hướng điều trị phù hợp với hoàn cảnh, khả năng tài chính của người bệnh.
Giảm chi phí điều trị
Năm 2000, Việt Nam đã triển khai thí điểm mô hình đào tạo BSGĐ. Đến nay, đã có 7 trường đại học y đào tạo BSGĐ và có hơn 500 bác sĩ chuyên ngành này đã tốt nghiệp. Tuy vậy, vai trò trong tầm soát, dự phòng và điều trị bệnh của BSGĐ vẫn rất ít người biết đến. Theo PGS-TS Phạm Lê An, năm 2002, Trường ĐH Y Dược TPHCM bắt đầu đào tạo chuyên ngành y học gia đình, đến nay đã được hơn 11 khóa. Nhà trường vẫn thường xuyên cập nhật kiến thức, kinh nghiệm cho đội ngũ này nhưng vì Việt Nam chưa tổ chức được một hệ thống y tế gia đình lồng ghép ở các tuyến nên đến nay, họ vẫn chưa được hành nghề một cách đúng nghĩa. Trong khi đó, tại Hà Nội, sau khoảng 10 năm thành lập, trung tâm BSGĐ vẫn phát triển chủ yếu mảng tiêm chủng, xã hội hóa hơn là BSGĐ.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cũng thừa nhận chưa có sự quan tâm đúng mức tới y học gia đình. Lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng cần đẩy nhanh hơn nữa việc đào tạo hệ thống BSGĐ để mạng lưới chăm sóc sức khỏe tại nhà đạt được hiệu quả cao nhất.
PGS-TS Phạm Lê An nhận định sự có mặt của BSGĐ trong mạng lưới y tế Việt Nam sẽ giúp việc chăm sóc sức khỏe ban đầu hiệu quả hơn. Khi ấy, các bệnh viện chuyên khoa chỉ tập trung xử trí những ca bệnh khó và đóng vai trò là tuyến trên thực sự. Việc đánh giá đúng bệnh, cần chữa trị ở đâu sẽ giúp người bệnh tránh cảnh chờ đợi và giảm các chi phí do giảm tỉ lệ chuyển tuyến không cần thiết, góp phần giảm tải bệnh viện. Ông Trần Quý Tường, Phó Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh - Bộ Y tế, cho biết sắp tới đây, khi đề án BSGĐ được thông qua, Bộ Y tế sẽ xây dựng các tiêu chí để người bệnh sẽ được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán khi thăm khám tại các cơ sở này. n
 
Thí điểm ở 7 tỉnh, thành
Hiện Bộ Y tế đã xây dựng đề án thí điểm mô hình phòng khám BSGĐ giai đoạn 2012-2016 ở 7 tỉnh và TP gồm: Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa và Tiền Giang. Theo ông Trần Quý Tường, việc triển khai thí điểm này nhằm tăng cường chất lượng cung ứng dịch vụ chăm sóc ban đầu. Người dân thay vì đến bệnh viện lớn để khám những bệnh thông thường thì có thể tìm đến phòng khám BSGĐ để được thăm khám, tư vấn một cách liên tục và toàn diện. Đề án này sẽ hướng tới mục tiêu có tối thiểu 50% bệnh viện tuyến Trung ương, 100% số cơ sở y tế tuyến quận, huyện, thị trấn và 10% phòng khám đa khoa tư nhân tham gia triển khai mô hình phòng khám BSGĐ.
Bài và ảnh: NGỌC DUNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét