Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2012

Biến phòng khám tư thành bác sĩ gia đình

Biến phòng khám tư thành bác sĩ gia đình
SGTT.VN - Phát triển các phòng khám tư hiện nay thành hệ thống bác sĩ gia đình. Đây là một trong những đề xuất của TS.BS Dương Quang Trung (viện Nghiên cứu và phát triển sức khoẻ cộng đồng) và nhóm cộng sự trong đề tài về hiện trạng phòng khám tư tại TP.HCM, vừa được sở Khoa học và công nghệ nghiệm thu.
Trao đổi sâu hơn với phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị, ông Trung giải thích: “Cách này vừa góp phần phát hiện bệnh dịch, vừa là cơ sở thực tập và chăm sóc sức khoẻ ban đầu”.
Phát triển các phòng khám tư thành hệ thống bác sĩ gia đình còn như là một cách giúp việc săn sóc sức khoẻ ban đầu của người dân tốt hơn. Trong ảnh: khám bệnh cho người dân tại khoa y học gia đình, bệnh viện Bình Tân, TP.HCM. Ảnh: Thanh Hảo
Ông có thể nói cụ thể hơn?
Trong ngành y tế có y tế công lập và tư nhân, dĩ nhiên nó có sự cạnh tranh nhất định. Nếu chúng ta biết tổ chức tốt thì nó bổ sung cho nhau, giải quyết được nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề đang gây bức xúc hiện nay là quá tải, do nhu cầu lớn nhưng dịch vụ cung ứng lại chưa đủ sức.
Nghiên cứu cho thấy, phòng khám tư giúp xây dựng và ổn định mạng lưới y tế toàn thành phố. Cụ thể là làm giảm chi phí, thời gian, giảm quá tải cho bệnh viện vì phòng khám tư chia sẻ khá nhiều bệnh nhân ngoài giờ. Số liệu tại một bệnh viện cho thấy tại đây có khoảng 500.000 lượt khám/tháng, mặc dù đã có phòng mạch tư hay một vài phòng khám tư chia sẻ khoảng 1.000 bệnh nhân/ngày. Do đó, nếu bỏ phòng mạch tư thì sẽ tạo ra một khoảng trống rất lớn trong phục vụ, vì bệnh nhân nhẹ không cần đến bệnh viện. Ví dụ: xử lý trước và sau mổ, khám bệnh ban đầu.
Ngoài ra phòng khám tư còn đóng góp cho y tế địa phương trong việc tư vấn các loại bệnh, tham gia khám chữa bệnh của trạm y tế khi có yêu cầu, một số còn tham gia như bác sĩ gia đình. Một số huyện ngoại thành, phòng khám tư gần như trực suốt đêm, bệnh nhân có thể gõ cửa bất cứ lúc nào.
18% bệnh nhân không hài lòng
Nghiên cứu trên thu thập tài liệu tại 250 phòng mạch tư, phỏng vấn 250 bác sĩ ở 21 quận/huyện và 750 bệnh nhân đang khám tại 250 phòng mạch. Theo khảo sát, 67% bệnh nhân không đi khám bệnh viện công do không có thời gian, 14% do phải chờ đợi; 40% bệnh nhân đến khám phòng mạch tư do bạn giới thiệu, 22% do điều trị nhiều nơi không khỏi, 18% do bệnh nhân khác giới thiệu và do bác sĩ giới thiệu chỉ chiếm 3%. Những lý do chính khiến người dân đánh giá phòng mạch tư tốt hơn phòng khám công là biết được trước uy tín bác sĩ (66%); có thể trao đổi (69%), và được theo dõi sát hơn (40%); 35% bệnh nhân cho rằng đảm bảo được sự kín đáo riêng tư. Tuy nhiên, 18% bệnh nhân không hài lòng, chủ yếu vì phải đợi lâu và đông bệnh.
Bác sĩ khám tư chủ yếu là bác sĩ chuyên khoa, nếu thành bác sĩ gia đình có khả thi?
Chúng tôi cho rằng rất khả thi. Hiện nay Việt Nam chỉ có khoảng 6 – 7 bác sĩ/10.000 dân, không nhiều như nước ngoài từ 20 – 30 bác sĩ/10.000 dân. Thống kê của sở Y tế cho thấy, năm 2011 TP.HCM có trên 12.000 cơ sở hành nghề ngoài công lập, trong đó có gần 6.000 phòng mạch tư nhân. Cho nên chúng tôi nghĩ, thay vì đào tạo bác sĩ gia đình phải mất ít nhất sáu năm, thì nên tận dụng mạng lưới chuyên môn này, trong đó có những thầy thuốc rất giỏi. Chưa kể phòng khám tư thực tế còn có mục đích tăng thu nhập của bác sĩ hiện nay. 70% bác sĩ được khảo sát trong đề tài nghiên cứu cho biết mở phòng mạch tư vì thu nhập tại bệnh viện công không đủ sống. Chúng tôi cũng cho rằng, cần có lộ trình xem phòng khám tư là một nhánh của ngành y tế, gắn phòng khám tư với hệ thống công; cho phép phòng khám tư khám bảo hiểm y tế...
Nhưng thực tế phòng khám tư cũng có không ít tiêu cực, bất cập?
Theo khảo sát, tuy rải rác có những than phiền y đức, lấy giờ công để đi làm tư, nhưng qua theo dõi của các lãnh đạo bệnh viện, hiện tượng này không phổ biến. Cung cấp thuốc tại phòng khám tư cũng là một tồn tại. Tuy nhiên theo 2/3 bệnh nhân được khảo sát, việc này là cần thiết vì thuận tiện, đỡ tốn thời gian... Để hạn chế tiêu cực, chúng tôi cho rằng, cần tăng cường việc giám sát bằng các giải pháp như có một hội đoàn nghề nghiệp như y sĩ đoàn, giúp cho việc quản lý nhà nước hiệu quả và tích cực hơn.
Để chuyển được phòng khám tư thành hệ thống bác sĩ gia đình, theo ông cần những gì?
Cái quan trọng đầu tiên là cần có chủ trương của bộ hoặc sở Y tế thành phố về vấn đề này. Có chủ trương rồi thì mới làm được. Thứ hai, xét ngay những trường hợp nào đủ tiêu chuẩn thầy thuốc gia đình thì cho phép khám bảo hiểm y tế. Tôi cho rằng nếu có chủ trương này sẽ thúc đẩy nhanh quá trình chuyển sang thầy thuốc gia đình. Mặt khác, khi phòng khám tư có bảo hiểm y tế thì người dân tới đó sẽ yên tâm hơn. Thứ ba, phải có hẳn một lộ trình cụ thể tập huấn về thầy thuốc gia đình với mạng lưới phòng khám tư.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét