Thứ Sáu, 23 tháng 11, 2012

Đồng tính nam-Từ góc nhìn của người không chuyên

Đồng tính nam-Từ góc nhìn của người không chuyên
Viết bởi ydiuvov vào lúc 09.12.2011 In Bài viết trang chủ, Nhật kí công tác, Những người tôi đã gặp với Không có bình luận
Cho đến thời điểm này, đồng tính vẫn được xem là chủ đề “hot” trên các trang báo, nhất là báo mạng. Nhưng điểm lại thì họ xuất hiện chủ yếu ở góc độ của bệnh tật, đồi trụy, mại dâm, đua đòi, phạm pháp ( Nếu không tin, mọi người chỉ cần nhờ giáo sư “biết tuốt” Google  tra cụm từ Đồng tính) . Cuộc sống, tình yêu của người đồng tính vẫn luôn gây tò mò cho cộng đồng xã hội. Đồng tính bao gồm: Đồng tính nam, đồng tính nữ. Chưa kể đến một vài nhóm khác nữa trong xã hội là người lưỡng tính và chuyển giới. Nhưng tôi chỉ viết về đồng tính nam bởi đồng tính nữ dù số lượng không hề kém đồng tính nam song họ khép kín hơn, ít bộc lộ và ít gây ồn ào hơn. Và thú thực một điều là đến thời điểm này, tôi vẫn chưa có dịp trò chuyện với những người đồng tính nữ.
Tôi tiếp cận với những người đồng tính nam đầu tiên thông qua những cuốn tự truyện của họ. Nguyên nhân xuất phát cũng như nhiều người chính là sự tò mò. Lần lượt hai cuốn sách: “Bóng” và “Thế giới không lạc loài” đều được tôi háo hức đón chờ và mua ngay khi xuất hiện. Cảm nhận chung thì “Bóng” là cuốn đáng để đọc hơn. “Thế giới không lạc loài” được viết bởi một phóng viên nên chất hiện thực ít nhiều giảm bớt . Và cuốn sách này sau đó gây tranh cãi dữ dội bởi báo chí, người thân của những nhân vật đã được đề cập. Tóm lại, hai cuốn sách này phần nào đã giúp tôi hình dung bước đầu cuộc sống, tình yêu, suy nghĩ của người đồng tính nam. Nhưng rồi 3 năm tiếp theo, tôi chưa lần nào có dịp chạm vào chủ đề này. Thỉnh thoảng cũng lướt vài trang mạng, có đọc dăm bài về đồng tính nhưng chả bài nào thật sự ấn tượng.
Cho đến một ngày đẹp trời tháng 7/2011, chị Mai, trưởng phòng thư kí gọi lên đưa cho cái giấy mời có cái tên rất cầu kì và loằng ngoằng: “ Bạo lực trên cơ sở xu hướng tình dục và bản dạng giới ở Việt Nam”. Thực lòng lâu lắm rồi mới có một cuộc hội thảo mà nội dung hay và thiết thực như vậy. Từ 8h sáng đến 12h30 trưa mà nội dung trao đổi vẫn còn nhiều và chưa ai có ý định ra về. Giải nghĩa nôm na về hội thảo là việc kì thị và phân biệt đối xử với người đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới ở Việt Nam”. Chị Hoàng Tú Anh, giám đốc Trung tâm sáng kiến sức khỏe và dân số ở trong vai trò chủ trì hội thảo khá tự tin trước những ý kiến của đông đảo khách mời. Đã quá trưa, hội thảo lại bùng lên cuộc tranh luận khi PGS-TS Lê Thị Quí, Giám đốc trung tâm Nghiên cứu Giới và phát triển hùng hồn phát biểu: “Tôi đồng ý chúng ta cần bình đẳng. Nhưng phải làm sao ngăn chặn được sự lây lan trong giới trẻ chứ tôi không thể tưởng tượng cả nước Việt Nam 86 triệu người mà hơn 70 triệu người là đồng tính”. Có nghĩa là mục đích khẳng định: “Đồng tính không phải là bệnh” được nêu ra từ đầu hội thảo đã sụp đổ hoàn toàn. Dư âm hội thảo vẫn còn theo tôi suốt những tuần sau đó với vài bài phản ánh, vài câu chuyện thu được bên lề. Cho đến khi tham dự khai trương tổng đài tư vấn 1900599830 của Trung tâm sáng kiến sức khỏe và dân số, gặp và trò chuyện cởi mở với một bạn trẻ có nick là Mein, tôi mới thực sự bắt tay vào chủ đề này. Trước hết đọc lại toàn bộ tài liệu của hội thảo, tìm kiếm thông tin trên mạng. Và như một sự tình cờ, người thân trong gia đình giới thiệu đọc cuốn tiểu thuyết nhan đề “ Lấp lánh” của nữ nhà văn Nhật Bản Ekuni Kaori thì tôi thực sự tự tin bắt tay dựng chương trình với chủ đề: “Hiểu để nói không bạo lực với người đồng tính”. Khách mời tham gia chương trình là bác sĩ Phạm Vũ Thiên, người có kinh nghiệm làm việc với nhóm đồng tính nam. Câu chuyện khá suôn sẻ, hữu ích và hấp dẫn. Có thêm một chi tiết tôi thấy mình cần phải tìm hiểu thêm. Bác sĩ Thiên khẳng định rằng trên thế giới, việc nên hiểu ĐỒNG TÍNH là gì vẫn là cuộc tranh cãi chưa có hồi kết. Và có người đồng tính thực sự, người đứng chấp chới ở ranh giới này thì có thể bị cuốn theo trở thành đồng tính nếu đặt trong môi trường này. Lại hoang mang, vậy là đồng tính có khả năng “lây truyền do lối sống?”. Đoạn này vẫn hơi mông lung. Nhưng kêt lại thì dù là kiểu gì đi chăng nữa, việc kì thị cũng sẽ là tiêu cực. Bởi lẽ có quá nhiều ẩn họa nếu người đồng tính phải ẩn mình. Tôi nghĩ rằng không nên cổ xúy nhưng cũng không định kiến với họ sẽ khiến vấn đề trở nên dễ dàng hơn. Người Việt chúng ta vẫn có thói quen săm soi, bình luận về người khác mà không biết rằng đôi khi chính họ cũng trở thành đối tượng để mổ xẻ, phân tích.
Chị Tú Anh trong một cuộc hội thảo đã nói với mọi người về người đồng tính đại ý rằng: “Đừng nghĩ rằng số đông luôn là đúng. Người đồng tính không là số đông. Nhưng trong nhiều trường hợp ta bỗng sẽ thành thiểu số”. Điều này chỉ cho đến khi tham dự triển lãm ảnh: “Khoảnh khắc cuộc đời” tôi càng thấm hơn những điều chị nói. Tôi và rất đông phóng viên nữa đã trở thành thiểu số trong cộng đồng người đồng tính có mặt ngày hôm ấy
Họ có vẻ bề ngoài hết sức bình thường. Các em trẻ thì vui tính. Một em có nick là Mưa ( Người đồng tính rất ít nói tên thật cho những người biết sự thực về họ) cười rất tươi, rất thoải mái khi đứng giữa nhóm bạn giống như mình. Mưa đang là học sinh, bố mẹ em chưa biết con mình đồng tính. Tóm lại Mưa còn rất hồn nhiên khi bộc bạch em rất thích cắm hoa, đi xem phim với nhóm bạn. Khánh, người duy nhất nói tên thật của mình có khuôn mặt, dáng dấp rất đàn ông, ăn mặc thời trang, chỉ có làn da trắng bóc và giọng nói với âm lượng nhỏ hơn bình thường. Khánh đã tốt nghiệp đại học giao thông, có công việc và mức thu nhập ổn định. Cuộc sống khá ổn, duy chỉ một điều: Bố mẹ chưa khi nào thẳng thắn trao đổi về vấn đề của con, dù qua nhiều biểu hiện cố tình hoặc vô tình, chắc chắn họ đã biết. Có nghĩa bố mẹ bạn vẫn trốn tránh sự thực. Chỉ thi thoảng có những câu hỏi khiến Khánh đau lòng: “Hai người đàn ông mà sống với nhau thì thế nào nhỉ” hay “Con không lấy vợ sau này bố mẹ già rồi chết thì ai chăm con”….Và có người đồng tính đã già và cả đời ông chỉ đến lúc này mới được “là chính mình”

Đọc lời khai mạc triển lãm, Phó đại sứ Mĩ đã bật khóc khi nói về người đồng tính và nỗi đau bị kì thị

Bác sĩ Phạm Vũ Thiên, người khởi xướng và trực tiếp triển khai triển lãm dù đã có văn bản trong tay nhưng quyết định nói vo vì hơn ai hết, anh là người hiểu thấu đáo về cuộc sống, tâm tư, suy nghĩ của người đồng tính nam
Cuộc triển làm ảnh lần này, tôi được tiếp cận với rất nhiều bạn đồng tính nam. Tôi không chụp chân dung một ai, chỉ có những bức ảnh tập thể bởi họ dù là bóng kín hay bóng lộ vẫn luôn thường trực một nỗi sợ hãi khi nhắc đến vấn đề này. Bởi sau đó, họ biết chắc rằng có rất nhiều cặp mắt soi mói, vô số lời bình luận, cả trăm câu chuyện thêu dệt. Và họ không muốn để người thân của mình phải một lần nữa đau lòng
Vấn đề chung lớn nhất của những đồng tính nam không hẳn ở sự kì thị của cộng đồng mà chính ở chỗ làm sao để bố mẹ không tổn thương khi biết sự thực. Tôi hoàn toàn thông cảm với những bậc làm cha, làm mẹ, nhất là khi người Việt Nam vẫn duy trì truyền thống trọng nam- Con trai có trọng trách nối dõi tông đường, thờ cúng hương hỏa cho tổ tiên. Làm sao không đau đớn, khổ sở khi biết cậu con trai, cháu trai duy nhất của dòng họ không phải là con trai, không yêu, không cưới phụ nữ và càng không thể có những đứa cháu để đời nối đời, nối dài gia phả. Việc đánh, trói, xích, bắt ăn ngủ ngay ở phòng thờ, không được gần mẹ vì sợ lây “chất đàn bà” là biện pháp được nhiều gia đình áp dụng. Phải làm việc đó, có lẽ họ cũng đau đớn, buồn khổ lắm. Lời khuyên của bác sĩ Phạm Vũ Thiên trong trường hợp này tôi cho là hợp lí. Anh nói rằng: Khi biết vấn đề của con mình. Cha mẹ hãy kìm lại để có thời gian trấn tĩnh. Rồi bắt đầu tìm hiểu vấn đề này theo cách nhìn của khoa học, có thể tìm đến các tư vấn qua điện thoại để có được cuộc nói chuyện với con thoải mái nhất. Đánh đập không thể làm thay đổi điều mà bản thân con cái họ cũng không hiểu sao mình mắc phải”.
Không định đưa về đồng tính nam trên Web cá nhân nhưng một ngày gần đây, khi trao đổi với một người bạn là bác sĩ chuyên về mảng vị thành niên về vấn đề này, anh la lên rằng: “Đừng nói về bọn ấy, kinh tởm, như là đấu kiếm ý” thì tôi thực sự muốn viết. Lâu nay mọi người vẫn nhìn người đồng tính ở hành vi tình dục mà bỏ hẳn việc họ vẫn là con người như bao người bình thường khác, đóng góp không nhỏ ở nhiều lĩnh vực trong xã hội. Đã đến lúc, người Việt Nam nên bỏ thói quen dò xét, đánh giá người khác vì tôi tin rằng một lúc khác, chính chúng ta sẽ bị đem ra bình luận, đánh giá. Không ai hoàn thiện và càng không ai muốn mình sinh ra là người đồng tính. Cho đến khi khoa học chưa lí giải được vì sao có người đồng tính thì hãy nghĩ đơn giả rằng: Chúng ta và họ đã làm nên sự phong phú cho xã hội này. Chỉ đơn giản thế. Xin kết thúc bài viết này bằng việc giới thiệu đến mọi người cuốn tiểu thuyết “Lấp Lánh” và bộ phim “Hotboy nổi loạn”- Rất đáng xem và đáng để suy ngẫm.
Ý Dịu - VOV đăng trên trang cá nhân http://ydiuvov.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét