Ối, phục bạn thật đấy, không chồng thì thôi chứ tớ không chấp
nhận nổi cái ngữ ấy đâu. Một phút cũng không! Bỏ ngay đi bạn ạ! Hãy học
cách yêu lấy bản thân mình!”
Cắt đứt ngay, cắt đứt
luôn, phải biết quý trọng bản thân là mô típ thường thấy trong những mục
tâm sự nhan nhản trên các trang mạng xã hội. Nhà tư vấn mà không – ai –
biết – là – ai đấy, giấu mặt, giấu danh tính, nhưng không giấu được cái
nóng hầm hập của tuổi mười tám đôi mươi luôn sẵn sàng nhảy bổ vào
khuyên nhủ người khác bỏ vợ, bỏ chồng, bỏ người yêu. Tình yêu đối với
những người biết quý trọng bản thân là thế này: ai làm anh ta vui thì ta
đến, ai làm ta buồn thì ta đi. Đơn giản, rõ ràng, rành mạch, thẳng
băng. Những cuộc chia tay có lẽ vì thế ngày càng nhiều.
Hãy cẩn thận! Đừng để virus tình yêu tấn
công bạn. Virus có cái tên mỹ miều và ẩn nấp dưới danh nghĩa “nhân văn”
là quý trọng bản thân.
Quý trọng bản thân thì có gì là xấu chứ!
Tôi đang nghe hàng ngàn, hàng vạn các bạn trẻ đồng thanh, họ đã giương
sẵn cung tên và nhằm thẳng vào ai dám phản biện xu hướng thời đại này.
Họ nói chí phải! Một người không biết quý trọng bản thân thì chẳng thể
làm cho người khác quý trọng họ được. Nhưng nhiều khi, khái niệm ấy đã
bị đẩy lên cao quá đến mức người quý trọng bản thân trở thành phiên bản
của Narcissus trong thần thoại Hy Lạp – vị thần chỉ biết yêu cái bóng
của bản thân mình. Chuyện tình giữa nam thần Narcissus và nữ thần Echo
được coi là một trong những chuyện tình bi thảm nhất, bởi không thể tồn
tại tình yêu đôi lứa giữa họ, khi Narcissus chỉ mải mê ngắm cái bóng của
mình dưới mặt nước cho đến chết.
Hãy mặc kệ tôi, đấy là biểu hiện của
virus “quý trọng bản thân” phát tác ra thành lời nói. Tôi thích yêu,
thích sống thử, nhưng không thích cưới. Thì đã sao? Chẳng sao cả, khi
bạn đang trẻ trung phơi phới nhường kia. Bạn hoàn toàn có thể sống thử
đến lần thứ n, nếu như bạn vẫn còn tuổi trẻ. Bởi những người đã gặp
nhiều va vấp trong cuộc sống và thèm đến chết một vòng tay yêu thương
thực sự, họ sẽ không dám nói như bạn đâu. Họ chỉ ước được vặn ngược đồng
hồ thời gian, xóa hết những lời nông nổi họ đã nói vào cái thời xuân
xanh, xóa hết những hành động bất cần hậu quả mà họ đã làm, để được bắt
đầu lại.
Cũng như bạn, thời trẻ, họ luôn giương
cao khẩu ngữ quý trọng bản thân, đến mức quên đi rằng họ cũng cần phải
quan tâm đến xúc cảm của người khác nữa. Một chàng trai rời bỏ một cô
gái ngay khi nghe tin que thử thai của cô ấy lên 2 vạch. Một cô gái
quyết định bỏ đứa con chưa kịp thành hình của mình, chỉ vì hận người đàn
ông đã “quất ngựa truy phong”. Rất nhiều năm sau, khi mùa xuân lụi tàn,
những chàng trai, cô gái ngày nào có thời gian ngồi ngẫm nghĩ về hành
vi của mình. Nói một từ “ân hận” vẫn còn chưa đủ...
Tôi yêu thì tôi cưới, hôn nhân không
được như ý thì tôi bỏ. Thì đã sao? Chẳng sao cả. Luật pháp cho phép bạn
bỏ một người đàn ông, một người đàn bà, chỉ cần ghi vào tờ ly hôn một lý
do. Luật pháp không quan tâm đến cảm xúc của những đứa con mà bạn và
người ấy có. Nhưng có một tòa án lương tâm sẽ theo bạn đến hết cuộc đời.
Khi mà bạn nhìn vào đôi mắt thăm thẳm buồn của những đứa trẻ không được
sống trọn vẹn trong vòng tay yêu thương của bố mẹ. Khi mà bạn lạnh toát
người với ý nghĩ, giá như ngày ấy mình biết kìm nén hơn, bao dung hơn
và cố gắng vun đắp cho gia đình hơn...
Virus tình yêu đắc thắng mỉm cười khi
bạn ký vào tờ ly hôn và nói: Thế là nhẹ nợ! Phải rất lâu, rất lâu sau
đó, bạn phát hiện ra rằng, thời trẻ, bạn đã làm tổn thương nhiều người
mà chính bản thân bạn cũng không nhận ra. Sự “quý trọng bản thân” được
đẩy lên cao khiến cho bạn không còn nhìn thấy cảm xúc của ai khác ngoài
sự thắng lợi của bạn. Bạn nhiều cảm xúc, yêu ghét rõ ràng, khuôn mặt khả
ái, chuyên môn chẳng kém ai, nhưng tại sao bạn không giữ nổi tình yêu
bé nhỏ của mình? Tại sao bạn không tìm thấy hạnh phúc, trong khi những
người kém cỏi hơn bạn lại nắm giữ chúng trong bàn tay thô ráp của họ? Vì
bạn đang mải ngắm cái bóng dưới hồ nước, giống như Narcissus. Không có
sự dung hòa nào trong tình yêu của bạn cả, khi mà bạn chỉ say sưa soi
vào bản thân mình.
Những cuộc khủng hoảng tiền hôn nhân và
giai đoạn đầu hôn nhân diễn ra ngày càng nhiều. Bởi lẽ tuổi trẻ ít được
tiêm phòng để miễn dịch với thứ virus nhân danh “quý trọng bản thân”.
Dăm bữa, nửa tháng, lại có ai đó gọi cho tôi, than phiền: Em sắp bỏ
người yêu, em sắp bỏ chồng, bỏ vợ rồi. Em muốn họ sống thế này thì họ
lại sống thế khác. Em yêu bản thân và không muốn thay đổi mình, thì làm
sao bắt họ thay đổi những thứ thuộc về họ được, tuổi trẻ ơi? Hãy hạ mũi
tên xuống, đừng gây thêm thù oán nữa. Và thử ngồi một mình, nghĩ xem,
thay vì tiếp tục khiêu chiến, có nên mua một bó hồng về cắm trên bàn và
suy nghĩ về sự hòa hợp? Hàn gắn bao giờ cũng khó khăn hơn là phá bỏ. Vậy
thì hãy cố gắng gìn giữ để không bao giờ phải tìm cách hàn gắn. Đừng mở
cửa đón virus vào nhà!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét