Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2012

Bệnh nhân nhí bị thu phí 'giá cắt cổ'?


Bệnh nhân nhí bị thu phí 'giá cắt cổ'?
Thứ Ba, 10/07/2012 09:42 (GMT + 7)

Nằm viện 29 ngày, bệnh nhi đã ra viện với số tiền viện phí lên đến gần 100 triệu đồng! Không chỉ riêng trường hợp này, nhiều bệnh nhi khác cho biết cũng phải trả giá quá cao cho những dịch vụ mà họ nhận được.

Sự việc xảy ra tại khoa Điều trị tự nguyện A của Bệnh viện Nhi Trung ương.

Viện phí gần 100 triệu đồng!


Bệnh nhi L.Đ.M.H (sinh tháng 2/2012, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội) nhập viện điều trị vào ngày 5/4 với triệu chứng ho, sốt, được chẩn đoán viêm phế quản phổi (bên trái).
Chị N., mẹ cháu H. cho biết sau 5 ngày điều trị, bé bị viêm thêm phổi bên phải và tình trạng ho cứ tiếp diễn suốt thời gian ở viện.
Bệnh nhân điều trị tại khoa điều trị tự nguyện A - BV Nhi TW (Ảnh: N.A)
Trong quá trình ở viện, cháu H. đã được đổi kháng sinh 4-5 lần nhưng không khỏi. Đến ngày nằm viện thứ 25, cháu được một bác sỹ đổi sang loại kháng sinh thứ 6 và lần này thì bệnh có dấu hiệu đỡ hẳn. Đến ngày thứ 29, cháu xuất viện.

Mẹ bệnh nhi H. cho biết: “15 ngày cuối, vì sợ nhiễm chéo từ các bệnh nhân khác nên tôi cho cháu nằm phòng đơn, một mình một giường/phòng với giá gần 2 triệu đồng/ngày. Còn 14 ngày trước đó cháu nằm phòng giá 1,1 triệu đồng/ngày chung với bệnh nhi khác”.

Cầm hóa đơn xuất viện, cả gia đình cháu H. khá sốc vì hết 97 triệu đồng cho toàn bộ quá trình điều trị.Với mức giá giường nằm như trên, chỉ tính riêng tiền giường đã ngốn hơn 40 triệu đồng, còn lại là tiền thuốc, tiền làm các thủ thuật, xét nghiệm chụp chiếu, khám và các dịch vụ phục vụ khác.

Tương tự, vào đầu tháng 6 vừa qua, cháu N.L.V. (SN 2008, trú tại quận Long Biên, Hà Nội) vào khoa điều trị tự nguyện A của Bệnh viện Nhi TW điều trị vì sốt cao 3 ngày không dứt, dù đã được gia đình tự cho uống thuốc hạ sốt theo đúng hướng dẫn (4 tiếng/lần).

Cháu V. nằm viện 4,5 ngày, được thăm khám, dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sỹ trong khoa. Đến khi ra viện, viện phí của cháu là gần 21 triệu đồng.
Hóa đơn nằm viện 4,5 ngày của cháu V. lên đến gần 21 triệu đồng. Trong khi đó, người nhà bệnh nhân không thỏa mãn, hài lòng với chất lượng dịch vụ mà bệnh viện cung cấp
Chị T.N.T.V., mẹ của bệnh nhi này cho hay: Trước khi nhập viện, chị đã tìm hiểu và biết được về mức giá cao hơn các khu khác của khoa này, tuy nhiên, chị không ngờ lại đắt như vậy (đặc biệt là tiền giường).
Ngoài ra, điều khó hiểu là các y bác sỹ không tìm ra được bệnh chính xác của cháu mà lúc nào cũng cho biết “nghi bị sốt virut” và xét nghiệm máu, vv …

Đó là chưa kể đến việc chất lượng phục vụ của đội ngũ bác sỹ, y tá, điều dưỡng chưa thực sự như chị mong muốn và chưa tương xứng với số tiền chị bỏ ra, khi mà chị phải liên tục nhắc nhở nhân viên của khoa thực hiện việc chăm sóc con mình.

Giá vẫn còn thấp

Trao đổi với VietNamNet về những thắc mắc của bệnh nhân, bà Trần Thanh Tú, trưởng khoa điều trị tự nguyện A (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết người bệnh phản ánh giá thu là đắt do họ chưa nhìn thấy hết những gì được sử dụng.

Theo bà Tú, không thể tính giá cho một nhân trong một đợt điều trị mà phải xem xét cả hệ thống sử dụng trong bao lâu. Ngoài ra, chi phí không chỉ đơn thuần là các vật dụng trong phòng mà còn là con người, cả hệ thống bảo dưỡng, hỗ trợ đi theo sau, vv …

“Nếu chỉ tính chi phí máy móc để ở trong mỗi phòng thôi thì chi phí đó quá đơn giản. Giống như khi vào khách sạn, có thể khách không dùng hết các dịch vụ nhưng cả hệ thống vẫn phải chạy đều. Cần phải xem xét toàn bộ các yếu tố liên quan như con người, dịch vụ, phục vụ đi kèm, vv…”, bà Tú cho hay.
Lãnh đạo khoa điều trị tự nguyện A cho biết một số mức giá đang thu hiện đã lỗi thời và sẽ được xem xét điều chỉnh trong thời gian tới
Theo bà Tú, khoa điều trị tự nguyện A của bệnh viện Nhi TW có những điểm nổi trội hơn hẳn như tỷ lệ bác sỹ, điều dưỡng/bệnh nhân.
Với khu vực điều trị nội trú trong ngày, khoa có 18 bác sỹ, tính cả điều dưỡng lẫn hộ lý thì có khoảng gần 60 người. Như vậy, tỷ lệ bác sỹ, điều dưỡng/giường bệnh là hơn 1 người, cao hơn hẳn so với các khu vực khác trong cùng bệnh viện, đặc biệt là khu vực khám thông thường.

Chưa hết, theo bà Tú, trình độ chuyên môn của đội ngũ nhân lực tại khoa này cũng vượt trội. Đây là khoa duy nhất trong viện ngày nào cũng được ban giám đốc đi thăm các buồng. Các bác sỹ được làm việc tại đây đều là bác sỹ nội trú (ít nhất từ thạc sỹ trở lên).
Ngoài ra còn có các bác sỹ chuyên khoa giỏi của bệnh viện. Riêng điều dưỡng phải có kinh nghiệm 3-5 năm và có kiến thức chuyên sâu về nhi khoa.

Vị trưởng khoa khẳng định những “ưu thế” vượt trội này cũng chính là yếu tố khiến giá thành trở nên khác biệt.

Lý giải về việc xây dựng khung giá “đặc biệt” này, bà Tú cho biết khi xây dựng đã căn cứ trên mức giá của những nơi đã làm trước như bệnh viện Việt Pháp, bệnh viện Hồng Ngọc và mức giá mà bệnh viện Nhi đưa ra chỉ bằng 2/3 của bệnh viện Việt Pháp (dù về chuyên môn, bà Tú khẳng định là viện Nhi sẽ hơn).

“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ xem xét điều chỉnh giá vì mức giá đang áp dụng vẫn còn những điểm bất cập”, bà Tú cho hay.
Xã hội hóa y tế: Mỗi nơi một kiểu
Khoa điều trị tự nguyện A (bệnh viện Nhi Trung ương) ra đời theo chủ trương xã hội hóa trong ngành y tế. Hiện nay, mỗi năm khoa khám cho khoảng 4.000 bệnh nhân ngoại trú, điều trị nội trú cho khoảng 400-500 bệnh nhân. Ngoài việc đáp ứng nhu cầu cho các đối tượng có khả năng thanh toán thì khoa cũng đã góp phần nhỏ trong công tác giảm tải bệnh viện.

Lãnh đạo bệnh viện Nhi TW từ chối tiết lộ về khoản thu hàng năm do khoa này mang lại.

Hiện nay, chủ trương xã hội hóa trong y tế đều được các cơ sở y tế thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu bệnh nhân và tăng nguồn thu cho bệnh viện. Tuy nhiên, chủ trương này hiện không được thực hiện thống nhất, mỗi nơi làm một kiểu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét