Thứ Hai, 9 tháng 7, 2012

Những hoàng đế “hoang dâm” nhất lịch sử

Không ai có điều kiện để “hoang dâm vô độ” như các hoàng đế, vì thế rất nhiều vị vua sức cùng lực kiệt, thậm chí mất mạng chỉ vì “mây mưa” quá đà. Với tam cung lục viện chứa hàng nghìn, hàng vạn mỹ nữ hằng ngày ganh đua, hãm hại nhau để tranh ân sủng, không ít vị hoàng đế không thể kiềm chế nổi dục vọng, sa đà vào sắc dục đến mức hại thân.
Bề dày lịch sử, dân số đông đúc, mỹ nữ nhiều như sao trên trời, nấm sau mưa… đã khiến cho cả thế giới đều phải ngưỡng mộ nhưng cũng chính vì thế mà trong lịch sử Trung Hoa đã ghi lại không biết bao nhiêu những tấm gương tày liếp, những vụ anh hùng – mỹ nhân làm khuynh đảo giang sơn và có những vị hoàng đế vì “gái đẹp” đã không những để mất nước mà còn mất chính mạng sống của mình.
Hậu cung hoành tráng
Trong “Lễ ký” ghi chế độ hậu phi của triều nhà Chu như sau: “Thiên tử đời xưa có sáu hậu cung, ba phu nhân, chín tần hai mươi bảy thị nữ tám mươi mốt thiếp”. Có nghĩa là hoàng đế có 6 cung nương nương, 3 phu nhân. 9 phi tần, 27 thị nữ, 81 vợ, cộng tất cả lại là 126 ngưòi với các cấp bậc khác nhau. Đây là những ghi chép bằng chữ sớm nhất trong lịch sử Trung Quốc về “chế độ hậu phi”.
Cửu hầu thời Trụ, dâng con gái đẹp của mình cho vua Trụ, người con gái này không ưa Trụ hoang dâm, kết quả bị Trụ giết, và ngay Cửu hầu cũng bị giết rồi lấy thịt chế thành tương để trừng phạt. Nhưng cũng có những phi tần như Muội Hỷ, lợi dụng tài sắc của mình lung lạc hoàng đế làm sụp đổ cả một triều đại và sau này không ít các hoàng cung công chúa đã trở thành “món hàng giao dịch” của các hoàng đế.
Người Mông Cổ vào thống trị Trung nguyên, theo truyền thống dân tộc gọi hoàng hậu là “khả đôn”, giữ chế độ cung của ngườâi Hán, mỗi cung cũng có một hoàng hậu, dưới có một số phi tần, cho nên một hoàng đế có thể có một hoàng hậu, hai hoàng hậu, thậm chí một số hoàng hậu, như Hốt Tất Liệt có tới 4 hoàng hậu. Cháu trưởng Thành Cát Tư Hãn có tới 26 vợ. Các hạng phi tần tuỳ theo cấp bậc mỗi người ở trong một số lều quây quần cạnh nhau họp thành một thị trấn sầm uất.

Vũ đế Tây Tấn, Tư Mã Viêm năm 273 đã ra lệnh, khi nhà vua tuyển cung phi nhà nào đem giấu con gái sẽ phạm tội “khi quân” bị xử tử, trước khi ông ta chọn phi tần cấm dân chúng cưới vợ gả chồng… Đến năm thứ hai đã có tới hơn 5.000 mỹ nữ được gọi vào cung để nhà vua lựa chọn. Ngoài ra ông ta còn tuỳ ý lùng sục các nhà dân hễ thấy cô gái nào vừa ý là xông vào nhà chiếm đoạt. Do số cung tần mỹ nữ ngày một đông, nên mới thành lệ hoàng đế cưỡi xe dê luân phiên ngự giá mỗi đêm, và một số phi tần khôn ngoan, để được hưởng ân sủng của hoàng đế đã tìm cách để lá xoan cành trúc, rắc rượu trước nhà để lôi kéo xe dê dừng lại cửa phòng, hoàng đế vào nghỉ.
Những năm Khai Nguyên đời Đường, thiên hạ thái bình triều Đường cực thịnh, Huyền Tôn bắt đầu sống truỵ lạc, hàng năm đều cho tìm kiếm lựa chọn gái đẹp vào cung, những người được tuyển vào cung nhưng không được vua yêu dần biến thành một loại nô bộc trong cung. Theo “Tân Đường thư quan giả truyện” những năm đó đã có khoảng 40.000 cung nữ tại các cung vua, cung thái tử, hoàng tử…
Và những cái chết được báo trước
Trong số những ông vua mất mạng vì tình dục có Chu Tuyên đế Vũ Văn Vân (triều Bắc Chu, Trung Quốc, thế kỷ VI). Tương truyền, chính vì thói ham mê xác thịt quá độ mà ông vua này không sống lâu để hưởng phú quý. Dâm loạn hai năm đã chết yểu. Ngay từ khi mới lớn lên Vũ Văn Vân đã thèm khát đàn bà, dâm loạn không sao tả xiết, vị hoàng tử này được sử sách ghi lại nổi bật lên là thói hoang dâm.
Vũ Văn Vân đam mê chuyện xác thịt đến nỗi từ khi còn là hoàng tử đã mong mỏi ngày đêm được kế vị ngai vàng để thả sức hưởng mọi lạc thú. Vì thế, khi vua cha qua đời, ông ta chẳng những không buồn mà còn than rằng phụ hoàng chết quá muộn. Mồ cha chưa ấm, vị vua trẻ 19 tuổi đã thông dâm với các phi tần, cung nữ của cha. Rồi ông ra hạ chỉ tuyển chọn gái đẹp khắp mọi miền để hưởng lạc.
Theo tục lê, khi vua trước chết đi vua này lên thay trị vì thì toàn thể phi tần đều bị cho vào lãnh cung nhưng Chu Tuyên đế đã không bỏ sót một ai, giữ lại tất cả, ngày đêm hoang dâm vô độ. Tất cả những người đàn bà có nhan sắc lọt vào mắt Chu Tuyên đế đều không thể thoát, cho dù đó là vợ của các đại thần. Chu Tuyên đế thèm khát ăn chơi, hưởng lạc, dâm loạn đến nỗi chỉ một năm sau ngày bước lên ngai vàng, ông ta đã nhường phắt ngôi báu cho đứa con trai 7 tuổi để dành toàn bộ thời gian cho việc hưởng thụ sắc dục.
Tham vọng trở thành hoàng đế của Vũ Văn Vân cũng chỉ gói gọn trong vấn đề xác thịt, để hưởng lạc thú một cách thoải mái nhất. Cũng vì mây mưa quá độ, dùng thuốc kích thích vô tội vạ mà vị thái thượng hoàng trẻ tuổi này mắc bệnh nặng, qua đời chỉ một năm sau đó, khi mới 21 tuổi. Tính hoang dâm của Chu Tuyên đế không chỉ làm hại tính mạng ông ta, mà còn làm sụp đổ cả triều Bắc Chu, vốn đã được người cha tài năng của ông ta làm cho hùng mạnh. Một thời gian sau khi Tuyên đế chết, bố vợ ông ta là Dương Kiên đã cướp ngôi của cháu ngoại (con trai Tuyên đế) để lập ra nhà Tùy.
Rồi thì có những cái chết đau vì vua lây bệnh của gái lầu xanh. Đó là Đồng Trị, con trai của Từ Hy Thái hậu. Trung Quốc có rất nhiều ông vua thích lẻn ra ngoài du hý với kỹ nữ, nhưng trong số đó, Đồng Trị là người phải nhận hậu quả thê thảm và nhục nhã nhất. Hoàng đế Đồng Trị là ông vua bị “nghiện” gái lầu xanh. Ba ngàn giai nhân trong cung cũng chưa đủ để thỏa mãn lòng dục của một người đàn ông.
Thành Vương nước Sở có em gái là nàng Văn Vu, lấy vua nước Trịnh. Một lần, vua Sở đem quân đi chinh chiến thắng trận, trên đường về đóng quân ở đất Trịnh của em rể. Vua Trịnh đến mừng, mang theo cả nàng Văn Vu và hai con gái xinh đẹp đã đến tuổi cập kê. Trong buổi tiệc thết đãi vua Sở, vợ chồng Văn Vu cho hai con gái ra chào bác, dâng rượu mừng. Rượu say tuý luý, Sở Thành vương bảo em gái cùng hai cháu đưa mình về. Đến tận quân dinh, vua Sở đang có hơi men, thấy hai cháu gái nhan sắc xinh đẹp liền có ý chiếm đoạt, sai đưa vào phòng ngủ để trêu ghẹo.
Nàng Văn Vu sợ uy anh không dám nói, suốt đêm không ngủ, sáng ra vào gặp anh thì được Sở Thành vương cho rất nhiều đồ vật quý, nhưng hai đứa con gái thì bị ông anh đồi bại bắt về Sở mất. Thế là hai thiếu nữ trở thành đồ chơi cho ông bác ruột trên giường truy hoan. Không biết có phải vì gieo nhân bất thiện không mà sau này, Sở Thành Vương có kết cục rất bi thảm. Ông ta bị con trai trưởng, một kẻ vô đạo mà ông đang định truất ngôi thái tử, bức tử để cướp ngai vàng. Thậm chí vua năn nỉ xin ăn xong bát canh chân gấu rồi mới thắt cổ mà cũng không được chấp nhận. Thật không còn gì để nói.
Trong lịch sử Trung Quốc, những hoàng đế hoang dâm, chơi bời không ít, như Đường Hiến Tôn rất thích “lâm hạnh” các kỹ nữ, Tống Huy Tôn si mê gái lầu xanh nổi tiếng, Lý Sư Sư, Minh Vũ Tôn cũng thường xuyên dẫn tuỳ tùng lẻn ra ngoài cung “ăn vụng”. Nhưng chơi bời chốn lầu xanh đến mức mất cả tính mạng thì chỉ có một người là Hoàng đế Đồng Trị Tải Thuần nhà Thanh. Chuyện này đã được nói rõ trên chương trình ăn khách Bách gia giảng đàn của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV).
Tuy làm vua nhưng Đồng Trị không có thực quyền, vì mọi quyền lực nằm trong tay người mẹ ghê gớm. Thậm chí cả chuyện ân ái, yêu đương của vị vua trẻ này với các hoàng hậu, phi tần cũng bị Từ Hy “chỉ đạo”. Trong hai cô gái mà vị thái hậu đề cử cho chức vị hoàng hậu, nhà vua đã chọn người của Thái hậu Từ An. Điều này khiến Từ Hy căm ghét nên bà luôn ngăn cản Đồng Trị chăn gối với hoàng hậu mà ép con trai “ân ái” với cung nữ mà mình chỉ định.
Hoàng đế Đồng Trị có vợ là Hoàng hậu Aloti, nhưng Thái hậu Từ Hy không muốn thấy họ là một cặp vợ chồng hạnh phúc ân ái, Đồng Trị cho gọi các phi tần khác đến để lâm hạnh cũng bị bà ta ngăn cản. Vì vậy, đêm đêm, Đồng Trị thường dẫn theo Thái giám Châu Đạo Anh ra ngoài cung, đến một nơi tập trung các gái lầu xanh ở phía Nam kinh thành để tầm lạc, tìm kiếm thú vui thân xác cùng những gái làng chơi bình dân. Ông ta thường vui chơi thâu đêm đến gần sáng mới mò về cung.
Kết quả của những chuyến “vi hành” ô nhục ấy là: Đồng Trị bị lây bệnh hoa liễu, bộ phận sinh dục bị lở loét. Theo những ghi chép hồi đó còn lưu lại, người đời sau nhận định ông bị bệnh giang mai. Vụ này đã trở thành một sự kiện bê bối lớn và chưa từng có trong lịch sử các đế vương Trung Quốc: Hoàng đế chơi bán hoa, lây bệnh mà chết. Đồng Trị chết khi mới 20 tuổi, được triều đình tuyên bố là do mắc bệnh đậu mùa, nhưng thực chất là vì căn bệnh hoa liễu lây từ gái mại dâm. Có thể nói vị vua này chết mà phải ôm hận, vì môi trường, cách sống, vì người mẹ tàn bạo, vì thói trăng hoa bừa bãi chốn nhân gian giang hồ hay bởi tại vận số của ông vua này chỉ có thế, quả là đáng để ôm hận nơi chín suối.
Nam Bắc triều là một thời kỳ động loạn ở Trung Quốc cổ đại, các triều đại tồn tại đều rất ngắn ngủi, nhưng các vị hoàng đế đoản mệnh ấy ai nấy đều háo sắc và dâm loạn. Trong số đó nổi bật là Nam Triều Tống Hoàng đế Lưu Tử Nghiệp, kẻ khiến người ta ghê sợ nhất bởi chứng nghiện loạn luân quái dị. Lưu Tử Nghiệp không phải là hoang dâm mà phải nói là kẻ hôn dâm mới đúng.
Ông ta có người chị là Công chúa Sơn Âm, tên cúng cơm là Sở Ngọc, rất xinh đẹp, đã lấy chồng. Ông ta cho đón chị gái vào cung rồi giữ lại chung đụng, không cho về. Người anh rể biết chuyện rất căm tức liền tìm cách giết người em vợ đốn mạt. Lưu Tử Nghiệp liền hợp mưu với Sở Ngọc giết hại anh rể.
Ngoài chị gái, Lưu Tử Nghiệp còn không tha cả người cô ruột là Công chúa Tân Sái. Sự loạn luân của ông vua đã làm bại hoại cả phong khí quốc gia thời đó. Do Lưu Tử Nghiệp chìm đắm trong nữ sắc nên bà mẹ đau buồn lâm bệnh nặng.
Sắp chết, bà sai cung nữ đi gọi con trai đến thăm bà, nhưng ông ta từ chối lấy cớ trong cung của Thái hậu có ma. Bà mẹ vì quá hận đã tự cầm dao mổ bụng mình để xem tại sao lại sinh ra đứa nghịch tử như thế. Về sau, chính thủ hạ của Lưu Tử Nghiệp đã dùng chiếc dao đó để đâm chết ông và cả Sở Ngọc. Khi Lưu Tử Nghiệp bị giết ông ta mới 17 tuổi, mới lên ngôi được 1 năm. Ông vua này chết vì thói mê đắm sắc dục mà quên đi luân thường đạo lý.
Câu chuyện của các hoàng đế trên tuy là chuyện ngày xưa nhưng cũng có thể là bài học cho các quý ông bây giờ, nhất là những quý ông có điều kiện để “chơi bời”. Tình dục có thể là liệu pháp dưỡng sinh, nhưng cũng có thể chôn vùi sức khỏe và cả tính mạng người ta. Cái làm nên sự khác nhau chỉ là chữ “liều lượng” mà thôi.
Đến những cái chết vì xuân dược
Hầu hết các vị vua đều phải dùng “xuân dược” mới đủ sức “hưởng thụ” gái đẹp trong tam cung lục viện. Và loại thuốc này đã giết chết khá nhiều quân vương. Xuân dược là các loại thuốc tăng cường ham muốn cũng như khả năng cương dương của nam giới. Một mặt, nó giúp người đàn ông “tả xung hữu đột” trong phòng the, nhưng mặt khác cũng rút cạn sức lực của họ nếu lạm dụng.
Tuy biết thuốc có hai mặt nhưng vì không muốn bỏ phí hàng nghìn gái đẹp trong cung, nhiều ông vua tuy đã suy yếu vì tình dục quá độ vẫn cố dùng thuốc để đêm đêm hành lạc, dẫn đến chết yểu. Đó là trường hợp của vua Minh Thế Tông và người con kế nghiệp là Minh Mục Tông. Hai cha con chết vì “thuốc xuân tình”. Cả hai vị vua này đều sùng bái xuân dược và cất nhắc, trọng thưởng những người dâng thuốc. Thầy thuốc Đào Trọng Văn nhờ dâng được loại thuốc quý giúp Minh Thế Tông trở thành “anh hùng” trên giường mà được trọng dụng.
Phương thuốc của họ Đào quả là hiệu nghiệm, nó biến ông vua ở tuổi ngũ tuần bỗng trở nên đầy “bản lĩnh”, có thể “ban ơn mưa móc” liên tục cho các cung tần mỹ nữ cả ngày lẫn đêm. Và để giữ “phong độ” như thế, nhà vua phải liên tục dùng thuốc kích dục. Bao nhiêu tinh huyết ở tuổi xế chiều bị vắt kiệt vào những cuộc mây mưa. Và chỉ 9 năm sau khi gặp được “thần y”, nhà vua băng hà do ngộ độc xuân dược.
Con trai ông là Minh Mục Tông thừa kế ngai vàng, cũng thừa kế luôn cả thói hoang dâm của bố cùng “phương thuốc thần” kể trên. Vì lạm dụng xuân dược sớm hơn vua cha nên Mục Tông cũng chết sớm hơn, sau 6 năm ngồi trên ngai vàng, hưởng dương 36 năm.
Tương truyền, phương thuốc mà hai cha con vua Minh sử dụng rất kỳ quái. Vị thuốc quan trọng nhất mà thầy thuốc họ Đào sử dụng là hồng diên, chính là máu kinh nguyệt. Vị thầy thuốc này cho rằng, hồng diên của các trinh nữ khỏe mạnh, nhất là những cô gái “thấy tháng” đầu tiên, là tốt nhất. Chính vì thế mà Mục Tông đã nhiều lần ra lệnh tuyển chọn hàng trăm em gái sắp đến tuổi dậy thì để phục vụ cho việc “luyện thuốc”.
Theo nghiên cứu của Y học hiện đại thì máu kinh nguyệt không có giá trị gì trong việc phòng the, kích thích như vậy nhưng không hiểu bài thuốc bí truyền của vị “thần y” kia có sự đặc biệt ở chỗ nào mà khiến cho sức lực của bao nhiêu năm được đốt nhanh trong vòng có vài năm, kể ra cùng tài tình. Và thật lạ là trong thời phong kiến và thậm chí cả bây giờ, đàn ông thường xem những gì liên quan đến kinh nguyệt của phụ nữ là dơ bẩn, thế mà hai ông vua này dám uống nó. Thế mới biết lòng tham sắc dục có thể làm con người trở nên mù quáng như thế nào.
Rồi thì có vị vua lại mất mạng vì tận lực phục vụ giai nhân, tuy bị hậu thế chê cười nhưng Hán Thành đế vẫn được giới đàn ông ghen tị vì được sở hữu một trong những đại mỹ nhân nổi tiếng nhất Trung Quốc, đó là Triệu Phi Yến, chưa kể người em gái của Phi Yến là Hợp Đức cũng kiều mỵ không kém. Chính vì thế mà tuy Phi Yến xuất thân con hát, nghĩa là trước khi gặp vua từng là thứ đồ chơi của nhiều gã đàn ông, nhưng Hán Thành đế vẫn bất chấp sự phản đối của quần thần, đưa nàng lên ngôi hoàng hậu, để nàng tác oai tác quái trong hậu cung. Phi Yến và Hợp Đức vừa có nhan sắc tuyệt mỹ vừa có nhu cầu ghê gớm về tình dục. Như các vua chúa, công nương thời xưa, Triệu Phi Yến cũng rất bận tâm đến hai vấn đề riêng tư quan trọng cho vua chúa: trường sinh và trường xuân.
Từ đầu đời nhà Hán, các ngự y đã nghiên cứu được nhiều dược thảo có tác dụng cải lão hoàn đồng, bồi âm bách niên, cường dương tráng thận… Ngoài thành Trường An có lời đồn rằng Triệu Phi Yến đã luyện được phép Hành Khí Dưỡng Âm để kéo dài tuổi hoan lạc.
Theo các ngự y, đàn bà không giao hợp đều đặn thì bị bế âm, sẽ giảm thọ. Ngược lại người đàn bà quá ham sắc dục sẽ bị suy âm, cũng làm suy tổn tuổi thọ. May thay hai tiên dược dùng để trấn áp bế âm và suy âm lại rất dễ kiếm: âm dịch của đàn bà và tinh khí của đàn ông . Âm kém thì phải dùng dương để trị hoặc giới hạn sự suy giảm của âm. Và tinh khí của đám trai trẻ cũng được coi là đệ nhất trường sinh tiên dược.
Ngoài hai “tiên dược” thiên nhiên trong cung, Triệu Phi Yến và em là Hợp Đức có những kỹ thuật phòng the tuyệt diệu làm say mê hoàng đế. Thời đó Thánh Đế có muôn vàn cung nữ xinh đẹp, nhà vua thường quá nhàm chán với hàng trăm đóa hoa chỉ biết cởi đồ ra để mặc tình ngài hưởng thụ. Đa số các cung nữ cố gắng làm bổn phận một tôi trung không màng vui thú riêng tư. Nhiều cung nữ vào cung để lo cho cha mẹ nghèo, già nơi thôn dã, ít có kinh nghiệm và mánh lới về phòng the. Họ thường lo gom góp một số vàng bạc rồi dần dà kiếm cách cáo lui.
Còn hoàng đế nhiều khi cũng chán ngán cảnh thụ động của người cùng chăn cùng gối nên sự khác biệt giữa hai chị em họ Triệu và đám cung nữ thật một trời một vực. “Phục vụ” được hai mỹ nhân này đã bở hơi tai, vị vua hiếu dâm Hán Thành đế vẫn muốn ngự hạnh nhiều phi tần khác cho khỏi phí của trời nên không thể tránh khỏi lao lực.
Sức người có hạn trong khi dục vọng vô biên, vị hoàng đế này tất yếu phải cầu viện các loại thuốc tráng dương. Những loại thuốc này giúp ông ngày đêm gom sức tàn để đốt trong các cuộc hành lạc. Thế nên ở tuổi tráng niên mà Hán Thành đế đã xác xơ, kiệt quệ. Dù đã thân tàn ma dại, Hán Thành đế vẫn muốn tận hưởng sắc đẹp và dục lạc. Thế nên ở tuổi 45, nhà vua đột tử ngay trong cuộc mây mưa với Triệu Hợp Đức. Để có sức “lâm hạnh” Triệu mỹ nhân, nhà vua phải uống loại thuốc trợ dương có tên là Thận tức cao. Lẽ ra mỗi lần chỉ được dùng một viên nhưng hôm đó, nhà vua dùng đến 7 viên liền, nên mới chết vì quá liều.
Thời Thương của Trung Quốc chưa có tục chép sử nhưng chuyện hậu cung của vua Trụ cũng còn lưu truyền mãi trong dân gian. Vua Trụ dâm loạn đến độ đi viếng miếu Nữ Oa nhìn thấy tượng thần còn đem lòng say đắm, buông lời trêu ghẹo đến độ nữ thần cả giận mà sai Đắc Kỷ làm mỹ nhân tiếp xúc để rồi vua Trụ mất nước, mất ngôi, mất cả tính mạng và để bị tiếng xấu đến muôn đời.
Đắc Kỷ là một nhân vật được khai thác rất nhiều trong văn hóa Trung Quốc. Rất nhiều thành ngữ có yếu tố nói về sắc đẹp của Đắc Kỷ hoặc sắc đẹp hồ ly tinh để nói về những nữ nhân có sắc đẹp làm mê muội những nam nhân có quyền lực, từ đó dẫn đến những việc vô đạo, ăn tim đại thần, chặt chân người lành chỉ để tò mò xem tủy sống, xây đài cao cầu thần tiên nhưng thực chất là thác loạn, xây rừng thịt, suối rượu để vua tôi thỏa sức quần hoan… nói chung là những việc đại nghịch bất đạo không bút nào tả xiết.
Do không có sử sách chép lại nên Đắc Kỷ được xem như là một hình tượng xây dựng trong dân gian, chịu ảnh hưởng của Nho giáo, là nhân vật điển hình đại diện cho thói dâm loạn của Trụ vương, khiến cho nhà Thương bị diệt vong. Thật ra trên thực tế không biết thực hư ra sao nhưng dù sao đi nữa thì hình ảnh những vị vua đắm say trong sắc dục, hoang dâm vô độ đều bị lên án bởi cái kết cuối cùng đều là những cái chết thảm, chết dân, chết nước, chết chính mình và chết đi tiếng thơm muôn đời.
Nếu chỉ vì gái đẹp thì không biết còn bao nhiêu vị hoàng đế phải chết, họ chết bởi trễ nải giang sơn, không để ý đến việc triều chính, họ chết vì nghe lời mỹ nhân mà mất nước, chết vì say đắm mĩ nhân mà không cảnh giác gian thần… những cái chết đó người đời lên án nhưng những vị vua kể trên lại là nạn nhân của thói hoang dâm vô độ, chết vì hao tinh tổn khí, chết vì mê đắm sắc dục.
Tưởng như chỉ có Trụ vương say Đắc Kỷ mà xây Nhục lâm, tửu tuyền nhưng hóa ra còn có rất nhiều những vị vua khác cũng tự xây nên những hố chôn mình trong dục vọng và thác loạn như vây. Thế mới biết có những cái chết hoàn toàn được báo trước nhưng con người vẫn cứ dấn thân vào bởi cái sự không vượt qua được những cảm xúc xác thịt, tham, sân, si. Nói chung cái chết thì chẳng ai tránh được cả nhưng những vị hoàng đế kia đón nhận những cái chết mà thật sự chẳng biết là sướng hay khổ.

Lượm lặt tại: http://www.holavn.com/2011/10/nhung-hoang-e-dam-nhat-lich-su.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét