Bức hình cặp đôi chênh nhau 44 tuổi, với nhăn nheo và tươi trẻ đã yêu nhau nhiều năm qua, đang sống ở Hà Nội.
Yêu là yêu
“Yêu là yêu”. Có lẽ, khó
có cái tên nào hay và chính xác hơn cho bộ ảnh về cuộc sống của những
người đồng tính của nữ nhiếp ảnh trẻ tuổi có cái tên lạ Maika Elan. Yêu
là yêu. Đơn giản thế thôi.
Dù không phải sự lựa chọn
nào cũng là màu hồng. Còn bức ảnh “hay nhất” của cô, có lẽ là bức hình
cặp đôi chênh nhau 44 tuổi, với nhăn nheo và tươi trẻ đã yêu nhau nhiều
năm qua, đang sống ở Hà Nội. Yêu là yêu. Và chỉ có tình yêu mới giúp
người ta vượt qua được vấn đề tuổi tác tính bằng thế hệ như vậy.
Yêu là yêu. Cho nên, đám cưới đồng tính
đầu tiên mới được tổ chức ở Kiên Giang, bất chấp việc chính quyền “giải
tán”, “xử phạt hành chính”.
Yêu là yêu. Cho nên cô gái trẻ tên Tít
mới có thể vượt qua mọi kỳ thị của dư luận mà công khai: "Em luôn sống
là chính mình, dù biết bạn bè trong lớp đang kỵ thị, đại gia đình 24
người cùng sống dưới một mái nhà không nhìn em thiện cảm hay xã hội đang
xì xào... Em luôn dõng dạc: “Tôi là lesbian”. Giờ em có những người bạn
rất thân, không phải là đồng tính mà là dị tính".
Với việc The Pink Choice" (Lựa chọn màu
hồng), bộ ảnh về cuộc sống của các cặp đôi đồng giới của Maika đoạt ngôi
quán quân thể loại "Contemporary Issues" (Vấn đề đương đại) giải World
Press Photo, một giải ảnh báo chí quốc tế danh giá, một lần nữa nhắc nhở
cho chúng ta, rằng còn có những cuộc sống khác đáng được trân trọng,
còn có những thân phận khác điều mà chúng ta cho là bình thường, rất cần
một sự sẻ chia. Bởi vì tình yêu thì chỉ có một.
Trên Tuổi trẻ, nữ nhiếp ảnh gia trẻ tuổi
phát biểu: Tôi muốn đi đến tận cùng bản chất của tình yêu và cuộc sống
yêu đương… Ở đây là tình yêu hay sự quan tâm mà họ dành cho nhau không
có gì khác biệt”. Theo cô: “Thực tế những người đồng tính đều không bi
quan, “xấu xí” như những gì phản ánh trên phim ảnh...Họ lúc nào cũng vui
vẻ, yêu đời”. Và “"Tôi muốn người dị tính khi xem ảnh phải ghen tị với
tình yêu của những người mà bấy lâu họ cho là khác biệt. Tình cảm người
đồng tính dành cho nhau bình thường và tự nhiên như bao cặp đôi khác".
Tình yêu được hiểu không chỉ là 2 người
khác giới tính, mà có cả đồng giới tính. Đó là 1 thực tế tồn tại tự
nhiên, không thể phủ nhận và cũng không thể ép buộc. Chúng ta đang hướng
đến một xã hội bình đẳng cho tất cả mọi người trong đó có người đồng
tính. Họ không có tội, bởi không ai có quyền chọn lựa giới tính của
mình, bởi dù dưới giới tính nào, họ cũng có nhu cầu chính đáng là yêu và
được yêu. Và mong mỏi được hạnh phúc khi sống với tình yêu của mình,
phải chăng cũng là quyền “mưu cầu hạnh phúc” chính đáng được ghi rành
rành trong hiến pháp?
ĐBQH Dương Trung Quốc có lần khẳng định
vấn đề bất biến: “Định hướng không thay đổi là mang lại quyền cho họ”.
“Tôi sẽ bỏ phiếu” (cho việc thừa nhân hôn nhân đồng giới) - ông nói.
5 hôm trước, dù trong “không khí căng
thẳng” với 229 phiếu chống, QH Pháp đã thông qua dự luật mang tên “hôn
nhân cho mọi người”, chính thức công nhận hôn nhân đồng giới. Phát biểu
trước Quốc hội, Thủ tướng Jean-Marc Ayrault nói: “Chính phủ tự hào về
cải cách này” và ông tin rằng luật “hôn nhân cho mọi người” sẽ là “một
trong những bộ luật quan trọng của nền Cộng hòa Pháp”.
Chờ đợi một sự thay đổi cách nhìn nhận ở
một xã hội Á Đông như Việt Nam, còn cần phải có một thời gian dài.
Nhưng rõ ràng, với “Yêu là yêu” được triển lãm ở thủ đô, và sau đó đoạt
giải ảnh báo chí, dường như đã tạo ra sự thay đổi rất lớn về cách nhìn
và sự cảm thông của xã hội đối với những người thuộc về thế giới thứ 3.
Rất đơn giản, ai cũng vậy, “yêu là yêu”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét