Tai nạn bất ngờ khi dọn dẹp nhà đón Tết
Gần Tết, số người bị côn trùng cắn tăng cao do sơ ý trong lúc dọn nhà. Có những côn trùng như kiến cũng có thể gây sốc phản vệ, đe dọa đến tính mạng.
Những phản ứng dị ứng
Vừa qua, BV Trưng Vương cấp cứu một trường hợp bị kiến càng cắn khi đang làm vườn. Bệnh nhân vào viện với trạng thái lơ mơ, có một vết kiến cắn nhỏ ở chân nhưng gây tấy đỏ, tức ngực,khó thở…BS Nguyễn Thị Phương Lan - Phó trưởng Khoa cấp cứu BV Trưng Vương cho biết, khi bị kiến, gián, nhện, ong, chuột... cắn, chúng sẽ truyền những chất dị nguyên (chất độc) vào cơ thể con người, gây ra những phản ứng dị ứng với nhiều mức độ.
Trường hợp nhẹ nhất sẽ gây những phản ứng tại nơi bị cắn với biểu hiện ngứa, đỏ, nổi sần, sưng lên và có dấu hiệu hơi nóng; hoặc sẽ có cảm giác đau nếu vết thương sưng nhiều. Nếu vết cắn có độc tố cao và tùy theo khả năng phản ứng con người đối với chất dị nguyên đó sẽ có những phản ứng toàn thân. Trong phản ứng toàn thân có hai mức độ.
Phản ứng dị ứng toàn thân: có biểu hiện ngứa toàn thân, nổi mẩn khắp người. Trạng thái thần kinh bình thường hoặc nặng hơn một chút là kích thích, lo lắng.
Sốc phản vệ: là phản ứng dị ứng toàn thân nặng. Bệnh nhân có những biểu hiện về thần kinh, tiêu hóa, hô hấp, tim mạch như: sốt, lạnh, bồn chồn, bứt rứt, lo lắng, buồn ói, đau bụng, tiêu chảy, khó thở, khò khè, nhịp tim đập nhanh, huyết áp tụt…
Đừng chủ quan
BS Phương Lan khuyến cáo, để giảm nguy cơ sốc phản vệ, khi bị côn trùng cắn, cần phải xử lý càng sớm càng tốt. Nếu để quá sáu giờ sau khi bị cắn, dù có độc hay không độc thì nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao, nhất là những người cao tuổi và suy giảm miễn dịch.
Nếu là phản ứng tại chỗ trên da do kiến, muỗi, ruồi nhỏ, gián… thì bệnh nhân có thể xử trí tại nhà bằng cách rửa sạch vết thương để làm trôi bớt những độc tố ngoài da. Sau đó có thể thoa những sản phẩm kháng viêm tại chỗ như: Phenergan Pd; betamethasone valerate (betnovate, Fucicort) nồng độ0,01%; Triamcinolone acetonide (aristocort, kenalog) nồng độ 0,025%; Retane Thasone dipropionate (diprolene) nồng độ 0,05%; Clobetasol propionate (temovate, dermovate)…
Nếu bệnh nhân bị ong, nhện, bọ, ve… đốt và gây ra phản ứng dị ứng toàn thân thì trước hết rửa sạch vết thương bằng xà phòng, chườm đá lạnh nơi vết thương khoảng năm phút, sau đó đến bác sĩkhám, không được tự ý mua thuốc để thoa tại nhà. Riêng trường hợp vết cắn phát độc nhanh, gây sốc phản vệ, người nhà phải lập tức đưa bệnh nhân vào BV gần nhất để cấp cứu chống độc, nếu trễ, bệnh nhân có thể tử vong.
Răng chuột rất bẩn, mang nhiều mầm bệnh, vì vậy khi bị chuột cắn phải được chăm sóc y tế như rửa sạch bằng nước và xà phòng, sát trùng bằng cồn hoặc povidin (bán tại các nhà thuốc). Sau đó cần đến trung tâm y tế dự phòng gần nhà để được khám, chỉ định thuốc và tiêm chủng phòng bệnh đúng cách, đểtránh các bệnh truyền nhiễm như: dịch hạch, bệnh do Hantavirus, bệnh vàng da xuất huyết (bệnh Leptospirose), bệnh do vi khuẩn Salmonella…
Để phòng ngừa chuột, côn trùng cắn, BS Phương Lan nhấn mạnh: "Trước khi dọn dẹp nhà cửa, vườn tược, có thể bôi thuốc chống côn trùng khắp cơ thể. Nếu phải phát quang bụi rậm ngoài vườn, cần mặc quần áo dài tay, đeo găng tay, khẩu trang, đi giày… để tránh bị côn trùng cắn đốt ở những vùng da không được bảo vệ"
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét