Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013

Vĩnh biệt nhạc sĩ Phạm Duy

Vĩnh biệt nhạc sĩ Phạm Duy

Chủ Nhật, 27/01/2013 16:40

(NLĐO) - Nhạc sĩ Phạm Duy đã qua đời lúc 14 giờ 30 phút ngày 27-1 tại bệnh viện ở TPHCM, hưởng thọ 92. Sự ra đi của Phạm Duy gây nhiều bất ngờ cho người trong giới dù trước đó nhạc sĩ này từng nhiều lần nhập viện do tuổi già.

Theo thông tin từ gia đình nhạc sĩ này, tang lễ sẽ tổ chức tại tư gia (số 349/126 Lê Đại Hành, P.13, Q.11, TPHCM), lễ nhập quan lúc 9 giờ ngày 28-1, lễ động quan lúc 6 giờ ngày 3-2, mai táng tại Hoa viên nghĩa trang Bình Dương.
               
Thời gian gần đây, dẫu tuổi già sức yếu, Phạm Duy vẫn dành thời gian đến tham dự những buổi nhạc được tổ chức ở các phòng trà. Cách đây chưa lâu, tám ca khúc trong chuỗi 10 bài Đạo ca gồm: Pháp thân, Đại nguyện, Chàng dũng sĩ và con ngựa vàng, Lời ru bú mớm nâng niu, Qua suối mây hồng, Giọt chuông cam lộ, Chắp tay hoa và Tâm xuân của ông phổ từ thơ của Phạm Thiên Thư đã được Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ VH-TT&DL cấp phép phổ biến.
 
Nhạc sĩ Phạm Duy. Ảnh: TRẦN TIẾN DŨNG
                    
Hãng phim Phương Nam đang lên kế hoạch phát hành sản phẩm âm nhạc và cả những chương trình biểu diễn của ông trong năm nay. Ca sĩ Đức Tuấn, một trong những giọng ca thể hiện nhạc Phạm Duy nhiều nhất ở Việt Nam hiện nay chia sẻ, anh thấy choáng váng khi nghe hung tin: “Từ trước đến nay, bất cứ sự kiện lớn nhỏ nào của nhạc sĩ Phạm Duy, tôi đều có mặt. Tôi yêu âm nhạc và cả con người ông. Nhưng lúc này đây, khi ông ra đi, tôi lại không thể bên cạnh vì đang ở Pháp và không biết có về kịp để tiễn ông một đoạn đường. Tôi sẽ không bao giờ nói lời vĩnh biệt ông vì với tôi, ông không bao giờ mất. Ông vẫn còn đó, hiện diện nguyên vẹn trong trái tim người yêu nhạc. Những việc tôi đã và sẽ làm sẽ là cách để tôi giữ ông còn sống mãi với công chúng. Đó chính là phổ biến các tác phẩm của ông”.
  
Năm 2005, nhạc sĩ Phạm Duy về Việt Nam định cư và một số ca khúc của ông mới bắt đầu được cho phép phổ biến.
                                                                                                
Nhạc sĩ Phạm Duy (sinh ngày 5- 10-1921) tên thật Phạm Duy Cẩn là một nhạc sĩ, ca sĩ, nhà nghiên cứu nhạc của Việt Nam. Ông được coi là một trong những nhạc sĩ lớn có công trong việc xây dựng nền tân nhạc Việt Nam. Sự nghiệp sáng tác của ông với số lượng tác phẩm đồ sộ và đa dạng về thể loại, trong đó có những bài đã trở nên rất quen thuộc với người Việt. Ngoài sáng tác, Phạm Duy còn có nhiều công trình khảo cứu về âm nhạc Việt Nam có giá trị. Ông cũng từng giữ chức giáo sư nhạc ngữ tại trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn.
                         
Nói về âm nhạc Phạm Duy, mỗi người đều có những nhận định riêng nhưng điều không thể phủ nhận, ông là một trong những tượng đài, biểu tượng âm nhạc nhận được nhiều tình cảm của công chúng. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý nhận định: “Trong "gia tài" của Phạm Duy, có những tác phẩm mà qua lăng kính của mình ông đã nói lên những triết lý sâu sắc. Chẳng hạn như "Nghìn trùng xa cách, người đã đi rồi. Còn gì đâu nữa mà khóc với cười"… Công tâm mà nói, trong kho tàng âm nhạc Việt Nam, Phạm Duy là một nhạc sĩ có nhiều tác phẩm để đời và mãi mãi còn trong lòng người Việt Nam qua nhiều thế hệ".
       
Trong bài viết Phạm Duy, người bạn, người anh, người thầy của tôi, giáo sư Trần Văn Khê nói: “Từ trước đến giờ, tôi chỉ thấy Mai Văn Bộ, Lê Thương và Phạm Duy là đặt lời cho ca khúc đẹp nhất - từ năm 1950 đến giờ tôi không theo sát phong trào nhạc mới nên có thể có nhiều người khác đặt lời đẹp mà tôi chưa biết - Có điều tôi chắc là trong hầu hết những bài hát của Phạm Duy, lời và nhạc chẳng những hay, mà lại có tánh cách giản dị, mộc mạc và nên thơ của những bài ca dao, những câu lục bát biến thể, hay những câu lục bát có thêm tiếng đệm được phổ nhạc một cách tài tình”. 
            
Còn nhà nghiên cứu nhạc Georges-Étienne Gauthier nhận định: “Sở dĩ cái tiếng Việt Nam có thể gợi nơi tôi một chút ý tưởng hoà bình và đẹp đẽ, nhân ái và từ thiện, sở dĩ trải qua nhiều tháng nhiều năm, tôi đã có thể yêu mến nước Việt Nam ít ra cũng như yêu mến chính nước tôi, sở dĩ như thế trước hết và trên hết là chính nhờ Phạm Duy và một số nghệ sĩ Việt Nam khác”.
                   
Những đêm nhạc Phạm Duy dù ở sân khấu lớn hay phòng trà đều thu hút sự chú ý của công chúng bởi những bản tình ca bất hủ. Nhạc sĩ Phạm Duy có một thói quen không bỏ sót đêm nhạc nào của mình. Cho đến thời điểm hiện tại, những giọng ca thể hiện thành công những ca khúc Phạm Duy thường là những ca sĩ xưa quen thuộc như Tuấn Ngọc, Khánh Hà,….Dẫu vậy, từ khi trở về Việt Nam, với thói quen đến nghe ca sĩ hát nhạc của chính mình, ca sĩ Phạm Duy dành không ít lời khen tặng cho ca sĩ trẻ, trong đó có Đức Tuấn và cả Đoan Trang hay Hà Anh Tuấn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét