Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2012

Bệnh lậu kháng thuốc ngày càng nhiều

Các nhà khoa học thế giới vừa phát hiện chủng khuẩn lậu kháng kháng sinh. Hiện tượng vi khuẩn kháng thuốc cũng xuất hiện ngày càng nhiều ở Việt Nam.

Bác sĩ Nguyễn Thành, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Trung ương, cảnh báo lậu là bệnh có tỷ lệ lây lan mạnh nhất trong tất cả các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Riêng Bệnh viện Da liễu Trung ương mỗi tháng tiếp nhận 10 - 20 bệnh nhân mắc lậu đến khám và điều trị. Trong đó, không hiếm những trường hợp đã kháng thuốc.

Lây truyền qua đường miệng

Bác sĩ Thành cho biết tình trạng vi khuẩn lậu lây truyền qua đường miệng đang có xu hướng gia tăng. Nguy hiểm hơn là nhiều bệnh nhân không biết mình đang mắc bệnh, bởi vi khuẩn lậu trú trong miệng có biểu hiện giống như bệnh viêm họng thông thường, nên có nguy cơ lây lan cho bạn tình là rất lớn.

Bác sĩ Thành chia sẻ đã từng gặp nhiều trường hợp bệnh nhân khăng khăng khẳng định không thể mắc bệnh lậu vì đã dùng bao cao su khi quan hệ. Tuy nhiên, khi bác sĩ hỏi kỹ họ mới thú nhận là có quan hệ bằng miệng. Hậu quả là nhiều bệnh nhân bị sưng tấy ở họng, mưng mủ hai lỗ amidan nhưng lại được chẩn đoán nhầm với bệnh viêm họng, phải điều trị dai dẳng mà không khỏi. Chỉ đến khi làm xét nghiệm phát hiện ra có vi khuẩn lậu, bệnh nhân mới được điều trị đúng.
Bệnh nhân không biết mình đang mắc bệnh, bởi vi khuẩn lậu trú trong miệng có biểu hiện giống như bệnh viêm họng thông thường (Ảnh minh họa)

Biểu hiện bệnh lậu ở nam giới và nữ giới có sự khác biệt. Các triệu chứng ở nam giới mắc lậu tương đối cấp tính như ra mủ ở bộ phận sinh dục, đau, rát buốt khi đi tiểu... Thời gian khởi phát bệnh nhanh chỉ sau 3 - 4 ngày nhiễm vi khuẩn. Ở nữ giới, thời gian ủ bệnh khó xác định vì các triệu chứng lậu rất kín đáo, như chỉ ra dịch, khí hư nhiều giống như biểu hiện của các bệnh viêm nhiễm phụ khoa. Nếu không được phát hiện và điều trị dứt điểm, bệnh lậu sẽ chuyển sang giai đoạn mạn tính gây nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là ở nữ giới như gây tắc vòi trứng, vô sinh. Thậm chí, phụ nữ mang thai bị lậu có nguy cơ lây lậu cho thai nhi khiến trẻ sinh ra bị mù bẩm sinh.

Tự điều trị, càng dễ kháng thuốc

“Việt Nam là nước tỷ lệ sử dụng kháng sinh bừa bãi rất cao. Bất kỳ người dân nào cũng có thể ra ngay hiệu thuốc gần nhà mua kháng sinh về uống mà không cần có đơn thuốc chỉ định của bác sĩ. Hậu quả là ngày càng có nhiều vi khuẩn kháng kháng sinh”, bác sĩ Thành cảnh báo.

Kết quả nghiên cứu của Bệnh viện Da liễu Trung ương giai đoạn 2005-2010 cũng cho thấy, vi khuẩn lậu đã kháng với nhiều loại kháng sinh với tỷ lệ cao như ciprofloxacin 100%; penicillin 75,6%; tetracyline 46,5%; cefotaxim 4,7% .

Theo tiến sĩ Lê Văn Hưng, Phó trưởng khoa xét nghiệm, Bệnh viện Da liễu Trung ương, thuốc điều trị cho bệnh nhân lậu ở Việt Nam hiện nay chủ yếu là ceftriaxon, thế hệ thứ 3 của kháng sinh cephalosporin đang được cảnh báo là bị vi khuẩn lậu đề kháng ở Thụy Điển, Nhật Bản vừa qua.

Theo phác đồ của Bộ Y tế, bệnh nhân lậu cấp chỉ cần tiêm một liều ceftriaxon 250mg có giá 60.000 đồng/lọ. Tuy nhiên, các cửa hàng thuốc trên thị trường chủ yếu bán ceftriaxon liều 1 gr có giá 300.000 đồng/lọ vì có lợi nhuận cao hơn. Rất nhiều bệnh nhân mắc lậu do e ngại, mặc cảm không dám đến bệnh viện, tự ý ra hiệu thuốc mua ceftriaxon 1 gr về điều trị với lời hứa của người bán hàng “liều càng cao mới trị dứt được bệnh”.

“Đến nay dù Việt Nam chưa phát hiện vi khuẩn lậu kháng thuốc ceftriaxon nhưng với tình trạng lạm dụng thuốc, tự ý điều trị của người bệnh như hiện nay, tôi e rằng  một ngày không xa vi khuẩn lậu sẽ kháng lại kháng sinh này giống như ở Thụy Điển, Nhật Bản”, tiến sĩ Hưng cảnh báo.
Để đề phòng bệnh lậu, mọi người cần sinh hoạt tình dục lành mạnh. Khi thấy chồng có biểu hiện dương vật sưng, có mủ, đái buốt hoặc vợ thấy ra khí hư bất thường, cần đến bệnh viện làm xét nghiệm phát hiện vi khuẩn lậu. Việc điều trị chỉ có hiệu quả khi cả vợ chồng đi khám.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét