|
Hình ảnh viêm khớp nhiễm khuẩn do lậu cầu. |
Dấu hiệu nhận biết bệnh
Có hai bệnh cảnh lâm sàng trong viêm khớp do lậu cầu là hội chứng nhiễm
khuẩn do lậu cầu (disseminated gonococcal infection syndrome- chiếm 2/3
trường hợp) và viêm khớp thực sự do lậu cầu (true gonococcal septic arthritis
- chiếm tỷ lệ 1/3).
Trong hội chứng nhiễm khuẩn do lậu cầu, các triệu chứng thường gặp là
sốt, rét run, ban đỏ và mụn mủ ngoài da cùng các biểu hiện tại khớp.
Viêm khớp thường ở khớp nhỏ có tính chất di chuyển kèm viêm bao hoạt
dịch - gân ở gối, cổ tay, bàn tay, cổ chân và mắt cá chân. Một số ít
bệnh nhân có ban ở thân mình hoặc ở mặt duỗi của chân phát triển thành
mụn mủ xuất huyết. Tổn thương ở da và khớp được xem là do phản ứng miễn
dịch của cơ thể với sự xuất hiện của lậu cầu trong máu và lắng đọng phức
hợp miễn dịch tại mô hơn là do bản thân vi khuẩn. Chính vì vậy cấy dịch
khớp thường âm tính. Cấy máu cho tỷ lệ dương tính với lậu cầu ở 45% trường
hợp. Thường tràn dịch khớp với số lượng dịch ít, lượng tế bào dịch khớp
khoảng từ 10.000-20.000 bạch cầu/ml.
Trong trường hợp viêm khớp nhiễm khuẩn thực sự do lậu cầu, thường tổn
thương một khớp lớn đơn độc như háng, gối, cổ tay, cổ chân với biểu hiện
sưng, nóng, đỏ, đau. Toàn thân sốt cao, rét run. Xét nghiệm dịch khớp
có nhiều tế bào hơn, khoảng 50.000 bạch cầu/ml, lượng dịch cũng nhiều
hơn. Cấy dịch khớp trong môi trường Martin- Thayer, Martin- Lewis (điều
kiện nuôi cấy 3-10% CO2, nhiệt độ 35-37o, độ ẩm 70%, pH 7,3), phát hiện
lậu cầu trên 40% trường hợp, nhuộm có thể dương tính (song cầu hình hạt
cà phê bắt màu gram âm). Cấy dịch từ tổn thương da, dịch đường sinh dục
cho kết quả dương tính cao (50-80% trường hợp). Cấy máu thường âm tính.
|
Vi khuẩn lậu cầu dưới kính hiển vi. |
Điều trị và những lưu ý quan trọng
Cần thực hiện ngay việc cấy máu, lấy bệnh phẩm đường sinh dục (nếu có
viêm niệu đạo), lấy dịch khớp làm xét nghiệm nhanh bằng phương pháp soi
tươi nhuộm gram tìm vi khuẩn, nuôi cấy trước khi cho thuốc kháng sinh.
Lưu ý việc sử dụng kháng sinh tiêm trực tiếp vào khớp là không cần thiết
vì tác dụng không tốt hơn, thậm chí có thể gây nên tình trạng viêm khớp
do tinh thể thuốc. Viêm mủ khớp gối do lậu cầu thường chỉ cần phối hợp
kháng sinh kết hợp với hút dịch khớp là đủ, hiếm khi cần nội soi rửa
khớp hoặc phẫu thuật mở khớp. Khác với bệnh lậu đường sinh dục không
biến chứng thường chỉ dùng kháng sinh ngắn ngày (liều duy nhất), điều
trị viêm khớp do lậu cần dùng kháng sinh dài ngày hơn (thường từ 7- 14
ngày).
- Trường hợp lậu cầu nhạy cảm penicillin có thể dùng amoxicillin uống
1.500 mg/ngày chia 3 lần, hoặc dùng ciprofloxacin uống 1.000 mg chia
2 lần/ngày.
- Trường hợp nghi ngờ lậu cầu kháng penicillin: khởi đầu ceftriaxon
1g tiêm tĩnh mạch mỗi 24 giờ trong 7 ngày. Hoặc spectinomycin 2g tiêm
bắp mỗi 12 giờ/ngày trong 7 ngày. Một khi triệu chứng tại chỗ và toàn
thân kiểm soát tốt có thể chuyển sớm sang dùng ciprofloxacin uống 500
mg, 2 lần/ngày.
Phối hợp với một trong các loại thuốc sau để điều trị đồng thời nhiễm
Chlamydia trachomatis, rất thường gặp cùng với bệnh lậu: doxycyclin 100mg
uống 2viên/ngày, hoặc tetraxyclin 500mg uống 4 viên/ngày, hoặc erythromycin
500mg uống 4 viên/ngày, thời gian điều trị thường trong 7 ngày. Hoặc
azithromycin (zithromax) 500mg, uống 2 viên liều duy nhất. Lưu ý không
dùng doxycyclin và tetracyclin cho phụ nữ có thai và cho con bú, trẻ
dưới 7 tuổi.
An toàn tình dục để phòng bệnh
Chưa có vacxin phòng bệnh đặc hiệu. Cần an toàn trong quan hệ tình dục:
sử dụng bao cao su, chung thủy một vợ một chồng. Giáo dục truyền thông
trong cộng đồng về tránh lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình
dục, giáo dục sức khỏe giới tính học đường. Khi phát hiện viêm niệu đạo
do lậu cầu cần điều trị sớm, tích cực ngay từ đầu tránh chuyển bệnh thành
mạn tính, gây nhiều biến chứng. Lưu ý tư vấn cho bệnh nhân thông báo
cho bạn tình tình trạng bệnh để đi khám và điều trị đồng thời, có như
vậy sẽ giúp cho việc điều trị khỏi bệnh và phòng lây nhiễm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét