Thứ Hai, 16 tháng 4, 2012

Chẩn đoán ung thư vú

Chẩn đoán ung thư vú

Các cách chuẩn đoán ung thư vú   Với các cách tự khám vú, khám vú theo tiêu chuẩn y tế cùng nhân viên y tế hoặc chụp mammogram đã cho thấy bất cứ triệu chứng bất thường nào, một hay nhiều phương cách sau đây có thể được dùng để chẩn bệnh:
· Aspiration: Dùng kim nhỏ lấy dịch nước hoặc tế bào thử nghiệm.
· Kim nhỏ (fine needle aspiration) dùng để rút nước dịch trong nang hoặc các tế bào riêng ra. Những chỗ bất thường có dạng u nang tức là bứu nước (cyst), thường chỉ cần dùng kim và ống chích lấy chất lỏng trong nang ra mà không cần cắt (như làm sinh thiết hay trích mô - biopsy). Tuy nhiên, nếu bác sĩ nghi ngờ là có ung thư nhưng khi thử nghiệm bằng kim nhỏ không có kết quả, thường phải sử dụng đến một trong những phương pháp sinh thiết dưới đây.
· Biopsy (sinh thiết hay còn gọi là trích mô): Các mẫu tế bào hay mô được lấy ra từ chỗ có sự bất bình thường. Trích mô có thể thực hiện được bằng giải phẫu cắt toàn phần (excisional biopsy) hay một phần (incisional biopsy); hay bằng cách đâm kim vào chỗ bất thường để lấy tế bào ra. Loại trích mô dùng kim lớn (core needle biopsy) sẽ lấy ra một mẫu mô tế bào còn nằm trong cấu trúc của mô. Những mẫu tế bào này sẽ được thử nghiệm bằng kính hiển vi để tìm xem có ung thư hay có những tế bào bất thường không. Cách giải phẫu cắt toàn phần (excisional biopsy) hay một phần (incisional biopsy) và cách dùng kim lớn (core needle biopsy) chính xác hơn là dùng kim nhỏ trong việc chẩn bệnh vì lấy được nhiều tế bào hơn, và các tế bào này còn được nằm trong cấu trúc mô chứ không phải là các tế bào riêng rẽ được hút ra từ kim nhỏ.
· Stereotactic Biopsy (Dưới sự hướng dẫn của quang tuyến tiến hành trích mô):Phương pháp này, các bác sĩ có thể làm trích mô sử dụng kim lớn để lấy mô mẫu thử nghiệm dưới sự hướng dẫn của hình chụp. Chỗ bất thường sẽ được đánh dấu trên hình chụp, và một kim lớn sẽ được đâm vào chính chỗ này để lây tế bào ra.
· Ultrasound (siêu âm): Luồng sóng âm thanh được chiếu vào vú và sự vang động của sóng âm thanh sẽ được phân tích: Phương pháp này phân biệt được bướu đặc và bướu nước. Nhiều khi phương pháp này còn có thể tiên đoán được bướu có phải ung thư hay không. Siêu âm cũng dược dùng để hướng dẫn sinh thiết trong nhiều trường hợp. Bác sĩ sẽ định chỗ bướu bằng siêu âm, sau đó kim được đâm vào bướu và bác sĩ có thể nhìn thấy cùng lúc mình đâm kim vào đâu, để việc lấy tế bào được chính xác hơn.
· MRI (Magnetic Resonance Imaging): Bằng cách sử dụng những chấn động từ tính để chụp hình ba chiều các bộ phận trong cơ thể: MRI có thể được sử dụng để chụp hình vú nếu cần trong những trường hợp đặc biệt, khi mammogram hay siêu âm không có kết quả, MRI cũng có thể được dùng để truy tầm xem bệnh đã lây lan tới các cơ phận khác hay chưa.
· CAT Scan hay gọi tắt là CT scan (Computerized Tomography): sử dụng cách khám xét bằng quang tuyến X với sự hỗ trợ của máy điện toán để chụp hình: Cách này cũng có thể chụp hình cơ thể ba chiều được. Cách này không được dùng để truy tầm bệnh ở vú, nhưng rất hữu dụng trong việc truy tầm xem bệnh đã lây lan tới các cơ phận khác hay chưa. Bên cạnh đó, nó cũng được dùng rất nhiều để hướng dẫn làm sinh thiết các bướu tìm thấy ở các cơ phận trong cơ thể như phổi, gan, hạch, v.v..
· PET Scan (Positron Emission Tomography): Bằng cách sử dụng năng lượng phát ra từ hạt nhân positron hay hạt nhân dương tính để chụp hình: Một lượng đường có gắn chất phóng xạ rất nhỏ sẽ được chích vào cơ thể. Những tế bào cơ thể sẽ dùng chất đường này để hoạt động. Vì tế bào ung thư mọc nhanh hơn tế bào bình thường, chúng sẽ sử dụng nhiều chất đường này hơn, và sẽ hấp thụ nhiều phóng xạ hơn. Do đó khi hình chụp ra, những chỗ có ung thư sẽ nổi bật ra. Cách này chỉ cho thấy một cách tổng quát vị trí của ung thư, chứ không cho thấy được cấu trúc hay vị trí rõ ràng của ung thư. Do đó, rất nhiều trường hợp, ta phải chụp cả PET và CT scan rồi lồng hình vào nhau để kết quả được chính xác hơn. Phương pháp này thường được dùng để truy tầm chỗ ung thư đã lây lan hơn là để chẩn bệnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét