Chứng amidan mũi-hầu
Trong chương
trình Hỏi Đáp Y Học kỳ này, bác sĩ Hồ văn Hiền sẽ trả lời email của cô
Nguyễn thị Lụa ở Việt Nam hỏi về chứng amidan mũi-hầu.
Một thính giả ở Việt Nam không nêu tên có gửi email cho chúng tôi, nội dung như sau:
Hỏi về sỏi amidan - tonsilisis
Kính chào bác sĩ!
Em bị amidan hốc mủ đã lâu. Tình trạng bệnh của em như sau:
- Lúc bình thường cũng như khi thay đổi thời tiết không bị ốm sốt, không sưng viêm, không vướng họng.
- Nhưng thỉnh thoảng khạc ra hạt như hạt cơm, mùi rất hôi.
- Luôn có đờm ở hạ họng.
- Sau một thời gian chăm chỉ rửa mũi, súc họng bằng nước muối hàng ngày, hầu như không thấy khạc ra hạt sỏi amidan (tonsillitis) nữa, cũng không bị viêm mũi, nhưng đờm ở cổ họng thì sau khi súc rửa nước muối, 3-4 tiếng sau lại thấy xuất hiện.
- Em đã được TS. D (Viện Tai mũi họng trung ương) khám. Chị ấy dùng thìa miết lưỡi (gây khó chịu) để em khạc ra sỏi amidan hoặc mủ nếu có. Tuy nhiên, không thấy mủ hoặc hạt cơm bật ra. Do vậy, TS. D không chỉ định cắt amidan mà cho em thuốc ngậm và thuốc súc họng (thuốc ngậm là Prevacid, thuốc súc họng do Viện Tai mũi họng Trung ương pha chế).
Tuy nhiên, em được biết là uống thuốc không trị được dứt điểm. Bệnh có thể tái phát nếu không giữ gìn. Quan trọng là em phải giao tiếp, nói nhiều, nhưng em luôn có cảm giác miệng mình hôi. Điều này khiến em mất tự tin, không muốn nói năng gì, miệng lúc nào cũng ngậm chặt. Ám ảnh miệng hôi ảnh hưởng rất nhiều đến công việc lẫn cuộc sống cá nhân của em.
Em rất mong bác sĩ tư vấn cho em cách điều trị dứt điểm bệnh amidan hốc mủ.
Nếu trong trường hợp phải cắt amidal, mong bác sĩ tư vấn cho em các nguy cơ biến chứng có thể gặp. Nếu không phải cắt amidal, mong bác sĩ cho em một số tên thuốc tây hoặc tên một số cây thảo dược có chất sát khuẩn hiệu quả và cách sử dụng.
Em cám ơn bác sĩ và các anh chị ban biên tập đài VOA rất nhiều!
Chúng tôi đã chuyển email cho bác sĩ Hồ văn Hiền chuyên khoa nhi và y khoa tổng quát, có phòng mạch và đang làm việc cho các bệnh viện ở Bắc Virginia. Và sau đây là phần giải đáp:
1) Amidan mũi-hầu (nasopharyngeal tonsils) là amidan nằm phía sau mũi, phần trên của hầu (pharynx). Lúc chúng ta há miệng ra to, hai cục thịt dư chúng ta thấy nằm hai bên họng là palatine tonsils.
Viêm tái hồi có thể làm amidan sưng to (hypertrophy), chảy mũi kinh niên, nghẹt mũi, nuốt đau, đờm trong họng, hơi thở hôi. Nếu bác sĩ TMH định bịnh chính xác là viêm amidan mũi, cho thuốc mà không khỏi, có thể vi trùng kháng những thuốc đó. Nếu dùng, penicillin thường không khỏi, bs có thể dùng những kháng sinh khác như loại cephalosporin, Augmentin (amoxicillin +clavulanate), macrolide (như azithromycin, biaxin); những thuốc này có thể hữu hiệu hơn đối với những vi trùng như H. flu (Hemophilus influenza), Staphylococcus. Nếu bs thấy cần, thì quyết định giải phẩu, nạo lấy amidan mũi ra.
Biến chứng của giải phẫu;
(1) Chết phần lớn do chảy máu, trong khi mổ hoặc sau khi mổ, tai nạn do thuốc mê. (1 trường hợp trong 15.000-30000 vụ mổ)
(2) Mất nước vì không ăn uống đủ sau khi mổ, sưng họng, hầu sau khi mổ.
(3) Velo-pharyngeal insufficiency (VPI): sau khi mổ, vòm miệng không đóng chặt được nữa, hơi trong miệng cứ thoát lên mũi, nên giọng mũi nhiều (hypernasal speech).(1/1.500-3000)
(4) Các tai nạn khác rất hiếm như trật xương sống cỗ (atlanto –axial subluxation), gãy xương hàm. BS giải phẫu cần khám bn kỹ lưỡng trước khi mổ, nhất là trẻ em, xem có những chứng thần kinh, cơ (neuromuscular disorders) hay không.
2) Đá amiđan (tonsillolith) (lith có nghĩa là đá, cần phân biệt với chữ tonsillitis=viêm amiđan): trong amidan, có những hang hốc nhỏ (crypts), đàm nhớt, thức ăn, chất vôi trong nước miếng, tế bào chết bám vào đó, đọng lại thành một cục trắng nhợt, vàng, lớn bằng đầu đủa, hiếm khi bằng đầu ngón tay, gây khó thở. Đá amidan hôi, vì những vi trùng đặc biệt mọc trong đó, tiêu thụ các chất dơ bẩn và thải ra các khí hôi. Thỉnh thoảng, bịnh nhân khạc ra một cục trắng cưng cứng, hôi thúi. Ngay bs cũng có thể định bịnh sai là bịnh nhân khạc ra thức ăn trào ngược từ bao tử lên, và không để ý đến đá amađan. Thường bs khuyên bịnh nhân ấn nhẹ lên amiđan, (đừng đè mạnh) để khươi nó ra. Một số bs khuyên dùng mouthwash (loại không có alcool) để súc miệng, và dùng Waterpick (máy xịt nước để rửa răng miệng) xịt thẳng vào đá kẹt trong amiđan làm cho nó bật ra. Biện pháp cuối cùng là giải phẩu cắt amidan.
Tuy nhiên nên chú ý, môt số nghiên cứu cho rằng đá amiđan chỉ là yếu tố phụ làm hơi thở hôi (halitosis), điều cần chú ý là sức khoẻ của Răng hư (tooth cavities), thức ăn dính vào, vi trùng mọc trong đó nhất là nướu răng (periodontal disease) (thức ăn đọng trong túi nhỏ, thúi và vi trùng mọc trong các túi đó, cần dùng floss sau khi ăn hoặc waterpick để rửa chân răng) và lớp bợn đóng trên lưỡi (tongue coating).
Bs cho thính giả ngậm prevacid, có thể là để chữa tràn dịch thực quản bao tử (GERD), trào dịch cũng có thể làm đau họng kinh niên, hư răng, và gây chứng bàn vừa rồi.
Chúc bịnh nhân may mắn.
Cảm ơn bác sĩ Hồ văn Hiền.
Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi Đáp Y Học này.
Chúng tôi vẫn dành đường dây điện thoại miễn phí để tiếp nhận các thắc mắc khác của quý thính giả về sức khỏe và y học thường thức. Số điện thoại miễn phí dành cho mục Hỏi Đáp Y Học là 202-205-7890, xin nhắc lại, 202-205-7890, ngày giờ nhận câu hỏi là thứ ba và thứ năm mỗi tuần, từ 8 giờ 30 đến 9 giờ 30 tối, giờ Việt Nam. Chúng tôi sẽ chuyển các thắc mắc của quý vị cho các bác sĩ chuyên khoa phân tích và giải thích và sẽ thông báo ngày giờ giải đáp để quý vị tiện theo dõi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét