Sốt siêu vi đang lan nhanh
Thứ Tư, 11/07/2012 10:35 (GMT + 7)
Cao điểm sốt siêu vi thường diễn ra từ tháng 5 đến tháng 8 hằng năm. Bệnh có thể tự khỏi nhưng gây nhiều ảnh hưởng đến sinh hoạt, công việc.
Thời tiết mưa nắng thất thường đang kéo theo
những dấu hiệu sốt siêu vi hoành hành ở TPHCM.
Người lớn, trẻ
em đều mắc
Đang giữa buổi làm việc, gia đình chị Xuân (ngụ
quận Thủ Đức) nghe giáo viên gọi điện bảo đến trường đón đứa con 2 tuổi đi
khám bệnh vì cháu bỗng dưng sốt cao, vã mồ hôi dù ngủ trong phòng máy lạnh.
Chị Xuân tức tốc đưa con đến Bệnh viện Nhi Đồng
2 khám, bác sĩ cho xét nghiệm máu rồi kê toa thuốc và hẹn tái khám sau một
ngày. Liên tục 3 ngày chị Xuân đưa con đến khám, thử máu nhưng triệu chứng
sốt vẫn không giảm. “Thấy những lần bác sĩ lấy máu con xét nghiệm mà đứt cả
ruột” - chị Xuân than.
Ghi nhận tại các bệnh viện trên địa bàn TPHCM
những ngày gần đây cho thấy bệnh nhân cả trẻ em và người lớn bị sốt do nhiễm
siêu vi đang tăng. TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt
đới, cho biết trong số 400 bệnh nhân đến khám bệnh ngoại trú mỗi ngày tại
bệnh viện này thì 80% đều bị sốt với nhiều nguyên nhân như viêm phổi, nhiễm
siêu virus… Trong đó, 1/3 là trẻ em; đa số khám ngoại trú, chỉ trường hợp
nặng mới cho nhập viện.
|
Trẻ sốt siêu
vi được đưa đến khám tại Bệnh viện quận 2 - TPHCM
|
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu
Thủy, Giám đốc Bệnh viện quận 8, cho hay hiện số bệnh nhân sốt siêu vi
được bệnh viện tiếp nhận cũng tăng nhiều so với các ngày trong tháng
trước. Nếu trong tháng 6 chỉ có 50 ca đến khám thì riêng 10 ngày đầu
tháng 7 đã có 25 ca.
Bác sĩ Nguyễn Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện quận
2, cũng nói trong tháng 6 có 231 ca sốt siêu vi được bệnh viện tiếp nhận
điều trị, trong đó 85% là trẻ nhỏ và hiện mỗi ngày tiếp nhận hơn 10 ca, chủ
yếu đến từ quận 9 và tỉnh Đồng Nai.
Theo bác sĩ Phạm Minh Đằng, Phó Phòng Kế hoạch
Tổng hợp Bệnh viện Nhi Đồng 2, trong gần 6.500 trẻ nhiễm siêu vi đến khám
trong tháng 6 có hơn 450 ca nhập viện điều trị và trong 10 ngày đầu tháng 7
cũng có hơn 90 ca. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, số trẻ nhiễm siêu vi cũng chiếm
tỉ lệ khá cao trong số 5.000 - 6.000 ca đến khám bệnh mỗi ngày.
Triệu chứng
thường gặp là sốt cao
Theo các bác sĩ, thời tiết thay đổi là điều
kiện để virus sốt siêu vi gây bệnh. Mỗi loại siêu vi có áp lực với những cơ
quan khác nhau trong cơ thể người nên có thể gây ra nhiều bệnh cảnh khác
nhau.
Sốt là biểu hiện của một bệnh nào đó, có thể
nặng nhẹ tùy theo những yếu tố như loại virus, độc lực virus... Sốt siêu vi
có thể gây bệnh cảm cúm, sốt xuất huyết, viêm phổi, viêm não, tiêu chảy,
viêm gan, viêm phổi...
Triệu chứng thường gặp
của nhiễm siêu vi là sốt cao từ 39°C trở lên, nhức đầu, mỏi cơ, suy
nhược, ho, đau họng, phát ban, sổ mũi, chán ăn; cũng có thể ra mồ hôi
nhiều, ớn lạnh, tiêu chảy, ói mửa, dạ dày khó chịu.
Với sốt phát ban nặng thì
bệnh nhân có thể nổi hạch, người nổi dày đặc những nốt ban nhỏ li ti và
ngứa… Cơ chế của sốt siêu vi là tự khỏi trong vòng 1 - 2 tuần. Ở người
lớn, miễn dịch cao nên bệnh dễ qua nhưng với trẻ nhỏ, khi sốt cao mà
không hạ được sốt cộng với những triệu chứng như trên thì không được tự
ý điều trị tại nhà, phải đến bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị đúng
bệnh, tránh di chứng đáng tiếc.
TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu nói bệnh nhân cần
được chăm sóc một cách hợp lý khi ở nhà. Đó là uống nhiều nước lọc, nước cam
hoặc bổ sung vitamin C; tránh nhiễm lạnh; vệ sinh đường hô hấp bằng cách
dùng nước muối sinh lý nhỏ mũi và súc miệng; chú ý cho ăn thức ăn lỏng dễ
tiêu, tránh chất dễ gây kích thích khó chịu ở dạ dày, có thể xông bằng lá
cây để mang lại cảm giác thư giãn và làm thông vùng xoang.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét