Thứ Tư, 23 tháng 1, 2013

Sắp tiến tới chỗ diệt trừ một số bệnh vùng nhiệt đới bị xao lãng

Sắp tiến tới chỗ diệt trừ một số bệnh vùng nhiệt đới bị xao lãng

Cô bé Muneera, 7 tuổi, mắc bệnh kala azar, một trong số các căn bệnh NTD.
CỠ CHỮ
Lisa Schlein
Tổ chức Y tế Thế giới báo cáo đã nhìn thấy việc có thể diệt trừ một số bệnh vùng nhiệt đới bị xao lãng, còn gọi tắt là NTD. Một phúc trình công bố hôm nay nói một sách lược toàn cầu mới thực thi trong năm 2010 đang dẫn đến kết quả là tiến bộ chưa từng thấy trong việc phòng chống 17 bệnh NTD. Thông tín viên Lisa Schlein tường thuật cho đài VOA về việc công bố bản phúc trình ở Geneva.

Việc cung ứng đều đặn các loại thuốc rẻ tiền, bảo đảm chất lượng và sự hỗ trợ của các đối tác thế giới nằm ở trọng tâm của sách lược toàn cầu mới. Trong hai năm vừa qua, hàng triệu nguời bị mắc 17 trong số các bệnh vùng nhiệt đới bị xao lãng đã được hưởng lợi ích của việc điều trị thường xuyên. Tổ chức Y tế Thế giới nói thành quả này đang đem lại động năng mới cho các nỗ lực diệt trừ các bệnh này.

Giám đốc bộ phận Kiểm soát các bệnh vùng nhiệt đới bị bỏ quên của WHO, ông Lorenzo Savioli, nói WHO đang chuẩn bị một lộ đồ cho việc diệt trừ, xoá hẳn hoặc kiểm soát một số bệnh cụ thể từ năm 2015 đến năm 2020.

Ông nói phần lớn thành quả của sách lược toàn cầu dựa vào việc phổ biến rộng rãi các loại thuốc an toàn để điều trị các bệnh này.

Ông nói: “Chúng tôi có bằng chứng là trên 700 triệu liều thuốc đã được giao đến đều đặn hàng năm cho những người cần thuốc, cho những người nghèo nhất ở những khu vực nghèo nhất trên thế giới. Tại châu Phi chẳng hạn, 36 trong số 44 nước đã có sẵn các kế hoạch thực thi các chương trình này và các chương trình này ngày càng bành trướng và sự cam kết chính trị của các nước này cũng đang cải thiện rất nhiều.”

WHO đang nhắm mục tiêu xoá bệnh xán guinea trên toàn cầu vào năm 2015 và bệnh “yaws” vào năm 2020. Phúc trình vạch ra sáu mục tiêu diệt trừ năm loại bệnh vào năm 2015 và 10 mục tiêu khác cho chín loại bệnh vào năm 2020, hoặc trên toàn cầu hoặc ở một số khu vực điạ dư nhất định.

WHO ước tính có tới 200 triệu người bị nhiễm chứng bệnh schistosomiasis, một thứ bệnh do ký sinh trùng gây ra, ở Nam Mỹ, châu Á và châu Phi. Bệnh này gây thiệt mạng cho khoảng 280 ngàn nguời mỗi năm ở vùng phía nam sa mạc Sahara.

Trong 5 năm tới đây, WHO dự kiến việc chữa trị chứng bệnh này sẽ đến với 235 triệu người. Cơ quan y tế của Liên Hiệp Quốc nói gia tăng việc phổ biến thuốc men phát không và cải thiện sự phân phối ở cấp bậc quốc gia sẽ giúp thực hiện được điều này.

Ông Mario Ottiglio là phó giám đốc về Chính sách Y tế Toàn cầu của Liên đoàn các nhà sản xuất dược phẩm. Ông nói năm ngoái công nghiệp của ông đã loan báo tặng không 14 tỷ liều thuốc để kiểm soát hay tận diệt chín loại bệnh NTD chiếm 90 phần trăm toàn bộ gánh nặng bệnh tật.

Ông Ottiglio nói:

“Công nghiệp của ông đang đi đúng hướng về tất cả các cam kết đã đưa ra vào năm ngoái -- nhất là về thuốc hiến tặng. Trong một số trường hợp, như bệnh Schistosomiasis, cam kết toàn bộ sẽ là tăng gấp lượng thuốc hiến tặng hiện nay. Trong khi chúng tôi phải đóng một vai trò quan trọng, trong khi WHO phải kết hợp rất nhiều chi tiết. Vậy là, cải thiện vệ sinh, gia tăng tiếp cận nước an toàn, có cở sở hạ tầng cần thiết, tăng cường khả năng xây dựng, và bảo đảm chúng ta đầu tư vào việc củng cố các hệ thống y tế thường yếu kém và quá tải ở các nước cho thu nhập thấp và trung bình.”

WHO ước tính các bệnh NTD tác động đến hơn một tỷ người ở tất cả các lục địa trên thế giới. Các bệnh vùng nhiệt đới bị xao lãng có thể phát tác ở những nơi đa số có thể thấy các vụ lây nhiễm đáng sợ này. Nhưng về mặt con số, châu Á là nơi gánh nặng bệnh tật cao nhất.

WHO nói các triển vọng giải phóng hàng triệu người khỏi sự khổ sở và bệnh tật đã khiến họ đắm trong tình trạng nghèo khó từ nhiều thế kỷ chưa bao giờ mạnh như hiện nay. Nhưng tổ chức này cảnh báo rằng các nguy cơ vẫn còn và mọi người phải đề cao cảnh giác. WHO cho biết họ phải làm mọi điều cần thiết để diệt trừ các chứng bệnh tai hại này.

Chẳng hạn, WHO nêu ra rằng bệnh sốt xuất huyết dengue đang gia tăng vì tình trạng đô thị hóa, dân chúng di dời nhanh từng nhóm và khí hậu biến đổi. Tổ chức này nêu ra rằng năm ngoái, bệnh sốt dengue đã được xếp hạng là chứng bệnh do virut lây lan nhanh nhất với khả năng gây dịch trên thế giới.

WHO nói thế giới cần phải tránh có phản ứng sau sự kiện này. Phải thực thi các biện pháp phòng ngừa bền vững để giảm thiểu nguy cơ do bệnh này đề ra.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét