Chủ Nhật, 20 tháng 1, 2013

Ai mua tinh trùng, tôi bán cho

(Dân Việt) - Tinh trùng đang là một món hàng bán chạy trong nền kinh tế Mỹ, trở thành một doanh nghiệp xuất khẩu trị giá hàng triệu đôla.

Đối với Shari Ann, tìm một người đàn ông trong nước có tinh trùng tốt thật là khó. Người phụ nữ Canada đã gần 40 đang muốn có thai và biết rằng mình không còn nhiều thời gian. Bà muốn tìm cho được một người đàn ông bán tinh trùng hoàn hảo gốc Do Thái, nhưng thất vọng bởi tại thành phố quê nhà Québec chỉ có một vài ứng viên và tất cả không phù hợp với bà.
Ann gọi điện tới một bệnh viện ở Toronto nhờ tiếp xúc với một ngân hàng tinh trùng ở bang Virginia bên Mỹ. Bà đã toại nguyện, tìm được người đàn ông tên Prince Charming: cao ráo, đẹp trai, khỏe mạnh, thông minh và gốc Do Thái. Bà mua 5 lọ tinh trùng của người đàn ông và nay cặp trai sinh đôi của bà đã được 7 tuổi.
Ben Seisler gặp một trong những "đứa con sinh học" của anh
Luật pháp Mỹ cho phép giấu tên
Tên thật của Prince Charming là Ben Seisler. Theo luật nước Mỹ, những người hiến hoặc bán tinh trùng có quyền giấu tên. Một ngày nọ vào năm 2005, Seisler hiếu kỳ muốn biết kết quả những lần "gieo giống" của mình. Anh truy cập mã số bán của mình trên mạng ở địa chỉ đăng ký hiến tinh trùng và tiếp xúc không chỉ với gia đình Shari Ann mà còn ít nhất 20 gia đình khác
Anh đếm chính xác đã gieo giống được 70 đứa con ở Mỹ và các nước ngoài. Phỏng chừng với lượng tinh trùng Seisler bán trong vòng 3 năm trong tuổi đời 20, có thể chàng trai này đã có khoảng 120 đứa con. Năm nay 34 tuổi và mới lập gia đình, trong năm ngoái Ben Seisler tham gia một bộ phim tư liệu truyền hình nói về những đàn ông hiến và bán tinh trùng tại Mỹ.
Tinh trùng đang là một món hàng bán chạy trong nền kinh tế Mỹ, trở thành một doanh nghiệp xuất khẩu trị giá hàng triệu đôla. Ngân hàng tinh trùng lớn nhất thế giới có trụ sở tại Mỹ là California Cryobank ghi nhận trong năm ngoái đạt doanh thu 23 triệu đô la.
Hãng tin ABC News cho biết bốn ngân hàng tinh trùng hàng đầu của Mỹ hiện kiểm soát 65% thị trường thế giới và nước Mỹ hiện xuất khẩu tinh trùng sang ít nhất 60 quốc gia, bao gồm Việt Nam. Đạt được kết quả này không phải do tính chất ưu biệt của những đàn ông Mỹ mà do yếu tố kiểm tra chất lượng và chọn lọc đa dạng sản phẩm. Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) yêu cầu thử nghiệm hết các bệnh lây qua đường sinh dục, trong khi các ngân hàng nghiên cứu tiền sử gia đình của một người bán ngược về ba đời.
Hơn nữa, Mỹ là quốc gia cho phép chọn lựa giấu tên giúp lôi kéo các khách hàng nước ngoài. Năm 2004, sau khi Ukraine thông qua đạo luật cấm giấu tên, lượng đàn ông bán và hiến tinh trùng sút giảm đến mức không đủ đáp ứng nhu cầu trong nước.
Tương tự những thay đổi pháp lý về đời tư ở Canada và Úc cũng khiến hai quốc gia này rơi vào tình trạng tương tự. Cả hai quốc gia hiện phải nhập khẩu 90% lượng tinh trùng. Ngoài ra, những khách hàng nước ngoài nếu muốn biết nhân thân của người bán, nhiều đàn ông Mỹ như Ben Seisler sẵn lòng cho biết lai lịch của mình.
Người mua ngày càng nhiều
Nhu cầu mua tinh trùng càng ngày càng cao vì ước lượng có 80 triệu cặp vợ chồng vô sinh trên toàn cầu
Nguyên nhân khiến tinh trùng trở thành một món hàng béo bở là do lượng khách hàng khổng lồ. Tổ chức Y tế thế giới trong năm ngoái ước lượng có từ 60 - 80 triệu cặp vợ chồng vô sinh trên toàn cầu. Ngoài ra, đa số các dịch vụ cung cấp tinh trùng quốc tế trước đây là cho các cặp vợ chồng bình thường. Nay ngày càng có nhiều nền văn hóa chấp nhận các cặp đồng giới nữ và các bà mẹ không chồng. Đây là hai nhóm khách hàng chiếm hơn 60% thị trường Mỹ.
Ngoài yếu tố vô danh của người bán, yếu tố chất lượng tinh trùng thực sự được khách nước ngoài quan tâm nhiều nhất. Những người bố được đánh giá theo ngoại hình và trình độ văn hóa. Một đàn ông có bằng tiến sĩ mỗi lần xuất tinh có thể bán được 500 đô la.
Một đàn ông chỉ cần có bằng cao đẳng tối thiểu và chiều cao tối thiếu 1m75 có thể bán một lọ tinh trùng của mình với giá 60 đô la. Tùy thuộc vào độ đậm đặc và mức linh hoạt của các tinh trùng, một người bán có thể kiếm được 60.000 đô la trong vòng hai năm. Đây là lượng thời gian tối đa các bệnh viện Mỹ quy định cho một người bán. Ben Seisler đã bán "tinh" của mình cho hai bệnh viện, một ở Boston và một ở Virginia, để lấy tiền học cao đẳng và đại học luật.
Loạn luận giữa con cái cùng mẹ khác cha?
Tình trạng bùng nổ mua bán tinh trùng làm nảy sinh nhiều vấn để pháp lý, y học và xã hội phức tạp. Một người con sinh học một ngày nào đó biết được người bố của mình có thể đòi hỏi quyền thừa kế? Có thể tranh chấp với những anh chị em cùng mẹ khác cha? Thêm vào đó là vấn nạn đầu cơ tinh trùng và gieo giống tràn lan.
Một đàn ông tại Anh trong 30 năm bán tinh trùng đã gieo được 1.000 đứa con. Những câu chuyện như thế khiến chính phủ nước này buộc phải giới hạn người bán chỉ được quyền có 10 đứa con. FDA Mỹ không giới hạn, nhưng đa số các ngân hàng tinh trùng nước này giới hạn một đàn ông chỉ có từ 25 - 30 đứa con sinh học. Điều lo ngại về mặt y học là những người bán có thể vô tình lây lan các chứng bệnh di truyền. Một cặp vợ chồng ở bang Texas đang đâm đơn kiện một ngân hàng tinh trùng ở New England sau khi đứa con của họ phát bệnh u xơ bọng đái.
Điều đáng sợ về mặt xã hội là chuyện loạn luân có thể xảy ra giữa những đứa con cùng cha khác mẹ. Những đàn ông gieo giống sung như Ben Seisler có thể sản sinh nhiều đứa con lớn lên ở gần nhau. Shari Ann biết có hai đứa con gái khác của Seisler sinh ra tại Québec, cùng thành phố với bà. Bà đang cẩn thận theo dõi chúng.
Người bán cần có trách nhiệm làm bố
Trừ khi những người đàn ông bán tinh trùng nhìn nhận và giúp đỡ, những đứa con sinh học ngoại quốc khó lòng được thừa nhận làm công dân nước Mỹ. Điều này đặt ra vấn đề trách nhiệm ở những người bán. Giáo sư Arthur Caplan, khoa đạo đức sinh học, ở Đại học Pensylvania, cho rằng các tòa án dân sự Mỹ cần quyết định các vấn đề vì quyền lợi đứa trẻ, không nên trông chờ những hứa hẹn từ các ngân hàng tinh trùng. Không cần phải giúp một đứa trẻ sinh học nước ngoài trở nên công dân Mỹ, mà phải bảo đảm người bán tinh trùng trở thành một người bố có trách nhiệm.
Nhiều đàn ông bán "tinh", như Ben Seisler tò mò muốn biết những đứa con sinh học của mình đang ra sao. Seisler giải thích trên kênh truyền hình Style: "Tôi chỉ muốn giúp đỡ các cặp vợ chồng vô sinh có con và xem thử những đứa bé này hiện sống ra sao". Khi được hỏi đùa hằng năm anh làm sao có thể tham dự từng bữa tiệc sinh nhật của 70 đứa con? Seisler tỏ vẻ bực mình, trả lời : "Tôi không xem chúng là con cái của tôi".
Có thể đó là một ranh giới Seisler muốn thiết lập để phòng tránh những rắc rối về sau, cho dù người đàn ông này vẫn đang tiếp xúc bằng email với hàng chục gia đình, bao gồm mẹ con Shari Ann. Hiện tại anh chỉ muốn vun xới hạnh phúc riêng tư với người vợ mới cưới Lauren và đang muốn có con riêng với nàng. Ben Seisler từ chối bình luận gì thêm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét