Hội chứng Down (HC Down) do bác sĩ
Langdon Down lần đầu tiên mô tả tình trạng bệnh năm 1887. Đến năm 1957
nguyên nhân bệnh được phát hiện là do thừa một nhiễm sắc thể số 21
trong bộ gen còn gọi là tam thể 21 hoặc trisomy 21 (tri-xô-mi 21).
Bệnh gây ra tình trạng chậm phát triển
thể chất và tâm thần và có tần suất khoảng 1:700 trẻ sơ sinh. Các triệu
chứng của HC Down có thể rất khác nhau giữa các trẻ mắc bệnh. Có trẻ
cần phải được điều trị và chăm sóc rất nhiều nhưng có trẻ cần ít sự
chăm sóc hơn.
Hội chứng Down không thể điều trị khỏi tuy nhiên có thể chẩn đoán sớm trong thời kỳ mang thai trước khi trẻ được sinh ra.
Cơ chế gây HC Down
Bình thường thai được thừa hưởng vật
chất di truyền gồm 46 nhiễm sắc thể, trong đó có 23 nhiễm sắc thể từ mẹ
và 23 nhiễm sắc thể từ cha. Tuy nhiên ở hầu hết các trường hợp HC Down,
thai có 47 nhiễm sắc thể do có thừa một nhiễm sắc thể số 21. Chính sự
dư thừa vật chất di truyền này gây nên các rối loạn về thể chất và trí
khôn của trẻ.
Bộ nhiễm sắc thể của người nữ bị Trisomy 21 (Hội chứng Down)
Nguyên nhân chính xác gây ra tình trạng
rối loạn này vẫn chưa được xác định cụ thể ở từng người. Tuy nhiên,
thống kê thấy rằng phụ nữ từ 35 tuổi trở lên có nguy cơ sinh con bị HC
Down tăng lên rõ rệt. Ở tuổi 30 nguy cơ sinh con HC Down khoảng 1:1000.
Có nghĩa là 1000 phụ nữ 30 tuổi sinh con thì chỉ có 1 người sinh con bị
HC Down. Tuy nhiên nguy cơ này tăng lên 1:400 ở phụ nữ 35 tuổi và 1:60
ở phụ nữ 42 tuổi.
Các rối loạn ở trẻ bị HC Down
Các trẻ bị HC Down thường có chung một số đặc điểm về thể chất như
mặt dẹt, mắt xếch, tai nhỏ, rãnh khỉ (là rãnh ngang liên tục ở lòng bàn
tay) và lưỡi dầy và dài. Đặc biệt khi lớn khuôn mặt của các trẻ bị bệnh
rất đặc trưng, dễ nhận biết và giống nhau giữa các trẻ nên dân gian còn
gọi là ‘bệnh mặt giống’.
Khi mới sinh trẻ bị HC Down thường có trọng lượng và kích thước bình thường. Nhưng sau đó trẻ có khuynh hướng phát triển chậm hơn so với trẻ bình thường cùng tuổi.
Khi mới sinh trẻ bị HC Down thường có trọng lượng và kích thước bình thường. Nhưng sau đó trẻ có khuynh hướng phát triển chậm hơn so với trẻ bình thường cùng tuổi.
Trương lực cơ mềm và khớp lỏng lẻo cũng
là đặc điểm của trẻ bệnh HC Down. Mặc dù hầu hết đều cải thiện nhưng
nhìn chung trẻ bị HC Down sẽ có quá trình phát triển như biết ngồi, bò
và đi chậm hơn so với trẻ bình thường.
Ở trẻ sơ sinh, tình trạng nhược cơ có
thể gây khó khăn trong việc nuôi bú, nuôi ăn, táo bón và các vấn đề
tiêu hóa khác. Ở trẻ lớn có thể bị chậm phát triển ngôn ngữ, kỹ năng tự
chăm sóc như ăn uống, mặc quần áo và đi vệ sinh.
Trí thông minh và khả năng nhận biết
của trẻ bị HC Down thường bị chậm phát triển từ nhẹ tới vừa. Trẻ có thể
học và phát triển các kỹ năng nhưng thường rất chậm và phải học suốt
đời. Ngoài ra khả năng này thay đổi rất khác nhau giữa các trẻ và không
thể đoán trước được.
Trẻ bị HC Down thường bị kèm theo các
bất thường bẩm sinh khác trong đó dị tật bẩm sinh tim là phổ biến nhất
như thông liên thất, còn ống động mạch, tứ chứng Fallot (pha-lô). Ngoài
ra còn có các dị tật khác về thính giác, thị giác, rối loạn tuyến giáp,
bất thường về tiêu hóa, động kinh, các vấn đề về hô hấp, béo phì, dễ bị
nhiễm trùng và ung thư bạch huyết.
Chẩn đoán trước sinh
Có hai loại xét nghiệm để phát hiện HC
Down ở thai gồm xét nghiệm tầm soát và xét nghiệm chẩn đoán. Xét nghiệm
tầm soát giúp ước lượng được nguy cơ HC Down ở thai còn xét nghiệm chẩn
đoán giúp xác định chính xác có hay không HC Down ở thai.
Mặc dù xét nghiệm tầm soát thường không
đau và không xâm lấn nhưng nó lại không thể đưa ra câu trả lời chắc
chắn liệu thai có bị HC Down hay không. Vì thế giá trị chủ yếu của xét
nghiệm tầm soát là cung cấp thông tin giúp cho các cặp vợ chồng quyết
định có thực hiện xét nghiệm chẩn đoán hay không.
Các xét nghiệm chẩn đoán có khả năng
phát hiện HC Down và một số rối loạn nhiễm sắc thể khác với độ chính
xác rất cao hơn 99%. Tuy nhiên do xét nghiệm đòi hỏi phải thực hiện một
số thủ thuật xâm lấn trong tử cung như chọc hút dịch ối hoặc sinh thiết
gai nhau có liên quan đến nguy cơ sẩy thai và các tai biến khác ở thai.
Vì thế xét nghiệm chẩn đoán thường chỉ áp dụng cho các thai phụ có nguy
cơ cao sinh con bị HC Down qua xét nghiệm tầm soát, phụ nữ trên 35 tuổi
hoặc tiền sử gia đình có bất thường di truyền.
Chẩn đoán sau sinh
Sau khi sinh, trẻ bị HC Down thường dễ
nhận biết và được chẩn đoán bằng cách lập bộ nhiễm sắc thể (karyotype)
của tế bào máu để xác định cấu trúc và số lượng của nhiễm sắc thể số 21
ở trẻ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét