Thứ Tư, 25 tháng 4, 2012

hửa ngoài tử cung- bệnh lý rất nguy hiểm

hửa ngoài tử cung- bệnh lý rất nguy hiểm
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa
Chửa ngoài tử cung là một trong những bệnh lý chảy máu trong thời kỳ đầu thai nghén. Bệnh có thể gây tử vong cho mẹ và thai nhi.


1. Thế nào là chửa ngoài tử cung?
 
- Chửa ngoài tử cung là trường hợp trứng sau khi thụ tinh không đi vào làm tổ trong tử cung, mà lại làm tổ ở một nơi khác ngoài buồng tử cung.
 
- Thai có thể làm tổ tại 4 vị trí: ống dẫn trứng, buồng trứng, trong ổ bụng, tại ống cổ tử cung.
 
2. Nguyên nhân của chửa ngoài tử cung
 
- Nguyên nhân chính của chửa ngoài tử cung là do viêm nhiễm vòi trứng, viêm nhiễm sinh dục. Hiện nay, tỷ lệ viêm nhiễm sinh dục vẫn tăng cao do một số nguyên nhân sau:
+ Vệ sinh kinh nguyệt không đảm bảo vệ sinh. Đọc bài Vệ sinh "vùng kín" như thế nào
+ Vệ sinh thai nghén không đảm bảo vệ sinh
+ Nạo, hút thai nhiều lần
+ Mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, đặc biệt là bệnh lậu và Chlamydia Trachomatis.
- Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác như: dị dạng bẩm sinh, u xơ tử cung, u nang buồng trứng, những phẫu thuật trên vòi trứng  bệnh lạc nội mạc tử cung.
3. Hậu quả của chửa ngoài tử cung
- Thai nhi phát triển tại ống dẫn trứng quá nhỏ nên không thể phát triển bình thường, gây rạn nứt vòi trứng và vỡ vòi trứng làm thai phụ bị mất máu nhiều. Bệnh nguy hiểm và gây tử vong cao, gấp 10 lần so với đẻ thường, gấp 50 lần so với nạo hút thai. Hậu quả của nó đối với người phụ nữ là sự ảnh hưởng tới khả năng sinh đẻ sau này, có tới 50% vô sinh và 15% bị tái phát ở lần có thai sau.
 
4. Triệu chứng để bạn nhận biết chửa ngoài tử cung
- Có thể bạn thấy chậm kinh, nghén hoặc không.
 
Đau âm ỉ 1 bên bụng dưới, đau bên có ống dẫn trứng được phôi làm tổ, thỉnh thoảng có cơn đau nhói. Nếu khối thai bị vỡ,  thai phụ sẽ thấy đau như dao đâm, dữ dội.
 
- Ra máu âm đạo ít một, kéo dài trên 7 ngày, có màu đen sẫm hoặc đỏ sẫm.
 
- Nếu khối thai vỡ, thai phụ có thể bị sốc do mất máu: choáng váng, khó thở, nhợt nhạt, vã mồ hôi, chân tay lạnh, mạch đập nhanh, huyết áp tụt,
- Nếu bác sĩ thăm khám có thể có các triệu chứng sau:
+ Có khối bất thường ở cạnh tử cung
+ Có thể thấy dịch ở bụng nếu khối thai đã vỡ.
+ Siêu âm có thể thấy buồng tử cung rỗng, thấy khối thai nằm cạnh tử cung hoặc trong bụng đầy dịch (nếu khối thai vỡ)
 
5. Điều trị chửa ngoài tử cung
- Tất cả những phụ nữ trong lứa tuổi sinh sản (từ 15 đến 49) đã sinh hoạt tình dục, nếu ra huyết bất thường hoặc đau bụng dưới, đặc biệt là đau đột ngột và dữ dội phải đến ngay cơ sở y tế khám bệnh để xem có phải là chửa ngoài tử cung không.
 
- Tuỳ vào tình trạng khối chửa, vị trí bám của khối chửa, tuổi của khối chửa, bác sĩ có thể điều trị cho bạn bằng nội khoa hoặc ngoại khoa.
 
+ Ngoại khoa: mổ nội soi hoặc mổ mở. Bác sĩ sẽ xem xét để cố gắng giữ lại vòi trứng cho bạn nêu bạn chưa có đủ con.
 
+ Nội khoa: có thể dùng thuốc Metrothexat (chất chống chuyển hoá các axitnucleic cần cho sự phát triển bào thai). Túi thai bị phá huỷ thoát ra ngoài qua đường tự nhiên vòi trứng - tử cung.
 
6. Cách đề phòng
 
- Phòng tránh viêm nhiễm sinh dục là biện pháp dự phòng tốt nhất chửa ngoài tử cung:
 
+ Thực hiện vệ sinh hàng ngày, vệ sinh kinh nguyệt, vệ sinh sau khi giao hợp, vệ sinh khi đẻ để tránh viêm nhiễm.
 
+ Khám phụ khoa định kỳ, để kịp thời phát hiện các bệnh phụ khoa thông thường. Bạn nên điều trị triệt để các viêm nhiễm sinh dục để không bị viêm và dính vòi trứng.
 
+ Khám và đăng kí thai nghén sớm, ngay những ngày đầu chậm kinh, để kịp thời phát hiện những thai nghén bất thường, trong đó có chửa ngòai tử cung, để tránh các tai biến nguy hiểm cho tính mạng thai phụ.
 
- Đặc biệt các bạn gái cần lưu ý là khi đã được điều trị chửa ngoài tử cung và muốn có thai trở lại, cần phải đợi ít nhất là một năm để các chức năng sinh sản ổn định trở lại. Khi có thai cần phải đi khám thai định kỳ và cần được sự theo dõi của bác sĩ.
BTV- Tuyết Nhung- BS Nguyễn Phong


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét